Nguồn tin: Báo Khánh Hòa, 08/09/2023
Ngày cập nhật:
9/9/2023
Trường Đại học Nha Trang vừa nghiệm thu cơ sở đề tài cấp bộ về nâng cao sinh trưởng, tỷ lệ sống và màu sắc của cá khoang cổ cam. Đề tài do Thạc sĩ Trần Văn Dũng - Viện Nuôi trồng thủy sản (Trường Đại học Nha Trang) làm chủ nhiệm. Đề tài đã xác định được chế độ cho ăn và bổ sung dinh dưỡng giúp nâng cao tỷ lệ sống, tăng màu sắc cho cá khoang cổ cam giống.
Ương nuôi cá khoang cổ cam tại trại Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang.
Theo Thạc sĩ Trần Văn Dũng, nước ta có ít nhất 11/30 loài cá khoang cổ được ghi nhận. Cá khoang cổ cam thường được nuôi làm cảnh, giá thị trường dao động từ 50 đến 100.000 đồng/con tùy theo kích cỡ. Thời gian qua, đã có những nghiên cứu xây dựng được quy trình sản xuất giống và nuôi cá khoang cổ đỏ, cá khoang cổ nemo và cá khoang cổ cam. Tuy nhiên, trên thực tế, các quy trình này vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường về số lượng và chất lượng của con giống. Nguyên nhân là loài cá này rất khó nhân giống vì quy trình ương từ cá bột lên cá giống có tỷ lệ sống thấp, chỉ từ 30 đến 40%. Ngoài ra, màu sắc cá giống sản xuất nhân tạo thường nhợt nhạt và tối màu nên không được người nuôi cá cảnh ưa chuộng.
Trong ương ấu trùng cá biển nói chung, cá cảnh biển nói riêng, việc bổ sung các thành phần dinh dưỡng thiết yếu và chế độ cho ăn có ảnh hưởng rất lớn đến sinh trưởng, khả năng đề kháng, tỷ lệ sống và màu sắc của cá. Chính vì vậy, đề tài tập trung cải thiện hiệu quả ương nuôi cá khoang cổ cam nói riêng và nhóm cá cảnh biển nói chung. Từ tháng 1-2021 đến tháng 6-2023, nhóm nghiên cứu đã tập trung vào các nội dung: Xác định các thông số tối ưu về thời điểm bắt đầu cho ăn và hàm lượng DHA (axít béo không no thiết yếu) bổ sung cho giai đoạn ấu trùng; tần suất cho ăn, hàm lượng vitamin C và nguồn carotenoids tự nhiên bổ sung cho giai đoạn con giống. Kết quả, nhóm nghiên cứu đã xác định được một số thông số tối ưu để cải thiện hiệu quả của quy trình ương nuôi cá khoang cổ cam. Các giải pháp cải thiện màu sắc da cũng mang lại hiệu quả tích cực, tăng gần 1,5 lần về độ cam - đỏ của màu da. So với quy trình ương nuôi trước đó, các chỉ tiêu sinh trưởng, tỷ lệ sống và tỷ lệ biến thái của ấu trùng, chất lượng cá giống, đặc biệt là màu sắc đã được cải thiện đáng kể.
Theo Tiến sĩ Lục Minh Diệp - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề tài: Đề tài kế thừa và góp phần hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất giống và nuôi cá khoang cổ cam. Đây là một trong những đề tài nghiên cứu cải thiện màu sắc của cá khoang cổ cam sản xuất nhân tạo, sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện với môi trường. Điều này góp phần tận dụng hiệu quả nguồn phụ phẩm chế biến thủy sản từ vỏ tôm và nông sản giàu carotenoids (ớt, gấc, khoai lang) vào nâng cao chất lượng màu sắc của cá khoang cổ. Nhóm nghiên cứu đang hướng đến tối ưu hóa các giải pháp cải thiện màu sắc cá khoang cổ thông qua xác định nguồn sắc tố bổ sung. Việc ứng dụng kết quả nghiên cứu không chỉ nâng cao chất lượng, đặc biệt là màu sắc của cá khoang cổ sản xuất nhân tạo, đáp ứng nhu cầu thị trường mà còn góp phần giảm áp lực khai thác lên nguồn lợi cá khoang cổ tự nhiên, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái rạn san hô...
V.L
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.