• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bắc Giang: Chăn nuôi gia công - Còn coi nhẹ môi trường

Nguồn tin: Báo Bắc Giang,29/07/2017
Ngày cập nhật: 31/7/2017

Không bị ảnh hưởng khi giá vật nuôi biến động, bảo đảm an toàn dịch bệnh... là những ưu điểm của phương thức chăn nuôi gia công. Tuy nhiên, hoạt động này lại làm gia tăng ô nhiễm môi trường.

Trang trại chăn nuôi gà gia công của hộ ông Dương Văn Thường, thôn Văn Sơn, xã Tân Tiến (TP Bắc Giang).

Thu nhập ổn định

Theo Chi cục Chăn nuôi-Thú y (Sở Nông nghiệp và PTNT), hiện nay toàn tỉnh Bắc Giang có 61 trang trại chăn nuôi gia công lợn nái, lợn thịt, gà lông trắng, lông màu tập trung tại các huyện: Tân Yên, Hiệp Hòa, Lạng Giang, Lục Ngạn, Yên Dũng, Yên Thế, Việt Yên và TP Bắc Giang. Trong đó, chủ yếu nuôi gia công cho các hãng sản xuất thức ăn chăn nuôi là CP, DABACO, JAFA, RTD, AUSTFEED. Qua đó, nhiều trang trại luôn bảo đảm an toàn dịch bệnh, cho hiệu quả kinh tế cao.

Điển hình trong cách làm này là trang trại của hộ ông Dương Văn Thường, thôn Văn Sơn, xã Tân Tiến (TP Bắc Giang). Từ năm 2010, sau khi ký hợp đồng với Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam (Đồng Nai), ông đầu tư gần 2 tỷ đồng xây dựng hai dãy chuồng. Theo đó, Công ty cấp giống, thức ăn chăn nuôi còn ông Thường phải bỏ công và chi phí xây dựng chuồng trại. Với quy mô 12 nghìn con/lứa, sau 45-50 ngày, gà được xuất bán trọng lượng hơn 3 kg/con, trừ chi phí, ông thu về khoảng 45-50 triệu đồng tiền công.

Ông Thường chia sẻ, thời gian đầu do chưa nắm chắc kỹ thuật nên hiệu quả không cao. Thậm chí có lứa lỗ vốn vì đàn gà bị chết nhiều, chủ trang trại phải bồi hoàn cho doanh nghiệp (DN). Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, lứa gà đạt tiêu chuẩn ngày càng tăng, cứ đều đặn như vậy sau 3 năm ông hòa vốn. Theo ông Thường, năm nay có đợt giá gà lông trắng ở mức 17-18 nghìn đồng/kg nhưng rất may là ông chăn gia công, sản phẩm được DN bao tiêu toàn bộ, nếu không thì lỗ hàng tỷ đồng.

Cũng tận dụng diện tích đất rộng, hộ ông Thân Văn Thành, thôn Đụn 3, xã An Dương (Tân Yên) đầu tư chăn nuôi gia công cho Công ty cổ phần JAFA Việt Nam (Vĩnh Phúc) với hơn một nghìn con lợn thịt mỗi lứa. Sản lượng thịt hơi đạt gần 1,3 nghìn tấn/năm, thu nhập hàng trăm triệu đồng. Hay hộ anh Thân Văn Hùng, xã Việt Tiến (Việt Yên) nuôi hơn 1,2 nghìn con lợn nái, cung cấp cho thị trường hơn 31 nghìn con lợn giống mỗi năm. Được biết, toàn tỉnh có 38 hộ chăn nuôi gia công lợn nái, lợn thịt thì đều tránh được rủi ro trong đợt giá lợn xuống thấp kỷ lục vừa qua nhờ không phải lo đầu ra của sản phẩm.

Siết chặt quản lý

Những ưu thế mà chăn nuôi gia công mang lại đã được khẳng định. Trước tiên là giúp chủ trang trại tiếp cận và học được kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi, quản lý tiên tiến từ các DN. Người chăn nuôi được trả tiền công trên cơ sở năng suất, sản lượng theo hợp đồng nên có nguồn thu khá ổn định.

Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, khu chăn nuôi gia công thường có quy mô lớn nhưng công tác xử lý môi trường còn nhiều hạn chế, nguy cơ gây ô nhiễm khá cao, nhất là chăn nuôi lợn. Mục sở thị ngòi Cầu Nổi, thôn Quế Võ, xã Tự Lạn (Việt Yên) vào ngày 19-7 cho thấy, mặc dù có vài trận mưa lớn từ trước đó song nước vẫn bốc mùi hôi hám do chất thải của lợn.

Ông Phạm Văn Bình, thôn Quế Võ cho biết: “Tôi thường xuyên đánh cá tại khu vực này nên nhiều lần chứng kiến cá chết trắng nổi hai bên bờ. Mấy hôm nay nước dềnh lên chứ khi cạn thì sẽ thấy phân lợn dày đặc ở cửa cống, lòng ngòi. Cũng vì thế mà vài mẫu lúa ở xứ đồng này bị lốp, thất thu, riêng gia đình tôi bị ảnh hưởng hơn một sào”. Cũng theo ông Bình, có khoảng 8 trang trại chăn lợn gia công đổ chất thải ra ngòi Cầu Nổi. Người dân đã nhiều lần kiến nghị, phản ánh nhưng sự việc vẫn tiếp diễn.

Được biết, để chấn chỉnh hoạt động xả thải của các trang trại chăn nuôi, cuối năm ngoái, Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) đã kiểm tra, phát hiện 5 trang trại nuôi lợn gia công ở Việt Yên, Tân Yên, Yên Thế không tuân thủ đúng quy định về bảo vệ môi trường gồm: Hộ ông Lê Văn Khiêm, xã Lam Cốt (Tân Yên); bà Phạm Thị Tuyết, xã Tam Hiệp và ông Phan Anh Đức, xã Tân Sỏi (Yên Thế); ông Nguyễn Tuấn Hà, xã Bích Sơn (Việt Yên); ông Thân Văn Thành, xã An Dương (Tân Yên) . Các lỗi vi phạm chủ yếu như: Chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải bảo đảm tiêu chuẩn đã được phê duyệt; không lập báo cáo xử lý chất thải nguy hại; chậm hoàn thành hạng mục xử lý chất thải. Tổng số tiền xử phạt hơn 60 triệu đồng.

Ông Dương Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT nhìn nhận, thực tế người chăn nuôi gia công hưởng lợi nhuận chưa tương xứng với chi phí khá lớn về chuồng trại phải xây dựng ban đầu. Các công ty không chịu trách nhiệm về môi trường của trang trại mà người nuôi gia công phải thực hiện. Trong khi đó để đầu tư một hệ thống bảo đảm tiêu chuẩn đòi hỏi nguồn vốn lớn, lên đến nhiều tỷ đồng. Vì vậy, nhiều chủ trang trại đã bất chấp quy định, chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường rồi nộp phạt và sau đó tái diễn vi phạm.

Cùng đó, công tác quản lý nhà nước đối với các trang trại chăn nuôi gia công trên địa bàn còn hạn chế, gây bức xúc trong nhân dân. Chẳng hạn một số trang trại ở xã An Dương, Lam Cốt (Tân Yên) chậm hoàn thành công trình xử lý chất thải gần một năm theo quy định mới bị xử phạt. Bên cạnh đó, việc ký hợp đồng hoạt động sản xuất của các công ty với người dân vẫn mang tính tự phát, tiềm ẩn rủi ro.

Trước những bất cập nêu trên, ông Tùng cho rằng để các trang trại chăn nuôi gia công đi vào nền nếp cần tuyên truyền để các chủ trang trại nêu cao tinh thần hành động theo phương châm "lợi nhuận phải song hành với bảo vệ môi trường". Cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm tra, đánh giá tác động môi trường, xử lý nghiêm vi phạm. Trường hợp tái phạm có thể xem xét, không cấp phép tiếp tục hoạt động, hạn chế tình trạng "phạt để tồn tại". Đồng thời yêu cầu các trại xây dựng chứng nhận cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Người dân ký hợp đồng chặt chẽ với DN, đàm phán để không bị ép giá, hài hòa lợi ích đôi bên, trong đó cũng nên ràng buộc một phần trách nhiệm của DN về môi trường chăn nuôi. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề xuất, cơ quan chức năng khi cấp phép mới cho trang trại gia công cần yêu cầu hoàn thành đánh giá tác động môi trường theo quy định mới cho vận hành; nghiên cứu, có quy chế quản lý chăn nuôi gia công, sớm đề xuất chăn nuôi gia công trở thành nghề kinh doanh có điều kiện để quản lý chặt chẽ hơn trong thời gian tới.

Nhiều ý kiến đề xuất, cơ quan chức năng cần nghiên cứu, có quy chế quản lý chăn nuôi gia công; sớm đề xuất chăn nuôi gia công trở thành nghề kinh doanh có điều kiện để quản lý chặt chẽ hơn trong thời gian tới.

Trịnh Lan

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang