• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Phú Thọ: Phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa gắn với bảo vệ môi trường

Nguồn tin: Báo Phú Thọ, 28/12/2017
Ngày cập nhật: 31/12/2017

Trang trại chăn nuôi lợn siêu nạc của hộ anh Bùi Quang Hiệu - khu 14, xã Tiên Kiên, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ xử lý chất thải bằng hệ thống hầm biogas và bể lọc kết hợp sử dụng quạt thông gió nhằm hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng tới môi trường.

Hiện nay, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tăng trưởng cả về quy mô và giá trị, tạo nguồn thu nhập chính cho các hộ nông dân, đóng góp vào sự phát triển kinh tế. Bên cạnh lợi ích kinh tế mang lại, chăn nuôi cũng đang nảy sinh nhiều vướng mắc về xử lý chất thải. Để chăn nuôi phát triển bền vững, cần giải quyết thỏa đáng vấn đề chuyển dịch từ quy mô nông hộ sang chăn nuôi tập trung theo hướng hàng hóa với quy mô lớn và môi trường trong chăn nuôi.

Theo thống kê, những năm gần đây, tổng đàn trâu bò hàng năm trên địa bàn tỉnh đạt trên 170.000 con, lợn trên 800.000 con, gia cầm khoảng 12 triệu con. Tỉnh ta có các chính sách khuyến khích chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và xử lý môi trường, xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gia tăng; khuyến khích người dân áp dụng công nghệ tiên tiến trong xử lý chất thải chăn nuôi như biogas, đệm lót sinh học, ủ phân vi sinh... Đồng thời, thông qua các chương trình, dự án của Trung ương và các tổ chức như: Dự án nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học (QSEAP); dự án hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp (LCASP), dự án ứng dụng công nghệ khí sinh học của tổ chức phát triển Hà Lan (SNV)... các hộ chăn nuôi được tập huấn kiến thức về vận hành công trình khí sinh học, hỗ trợ xây lắp, cách xử lý. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 29.000 công trình khí sinh học, các công trình này khi đưa vào sử dụng đều phát huy hiệu quả, góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi.

Tuy nhiên, xử lý chất thải chăn nuôi vẫn còn tồn tại những bất cập khi toàn tỉnh có khoảng 180.000 hộ chăn nuôi, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, phân bố rải rác và chưa chú trọng đầu tư vào khâu xử lý môi trường. Ô nhiễm môi trường do chăn nuôi xuất hiện phổ biến ở hầu hết các địa phương trong tỉnh với mức độ khác nhau.

Không chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn nuôi với quy mô lớn vẫn phát sinh tình trạng ô nhiễm chất thải. Toàn tỉnh hiện có 240 trang trại chăn nuôi, trên 4.500 gia trại nuôi lợn và gia cầm. Đa số các trang trại chăn nuôi tập trung và các hộ chăn nuôi quy mô lớn đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải bằng hầm biogas, qua lắng lọc sau đó thải ra môi trường hoặc xử lý bằng đệm lót sinh học. Các biện pháp này chỉ có hiệu quả khi tổng đàn gia súc, gia cầm ở số lượng nhất định, nhiều cơ sở chăn nuôi tăng đàn vật nuôi vượt quá công suất thiết kế chuồng trại ban đầu gây quá tải, dẫn đến ô nhiễm. Nước thải sau xử lý nếu không tuân thủ quy trình sản xuất, quy trình vận hành hệ thống xử lý chất thải vẫn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Đó là chưa kể tình trạng nhiều trang trại chăn nuôi chưa được cấp phép nằm xen kẽ trong khu dân cư; không trồng cây xanh xung quanh khu vực chăn nuôi để giảm thiểu mùi hôi. Nhiều gia trại có quỹ đất nhỏ hẹp, không đủ diện tích xây dựng các công trình bảo vệ môi trường đảm bảo, xử lý chất thải, nước thải không đạt tiêu chuẩn, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do các cơ sở chăn nuôi chưa thực hiện đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường; nhiều công trình xử lý chất thải ở trang trại không được đầu tư xây dựng đạt chuẩn trước khi đưa vào hoạt động. Các trang trại chăn nuôi đều có quy hoạch khu xử lý chất thải nhưng do thiếu kinh phí nên một số trang trại đầu tư chắp vá, không đáp ứng sự tăng trưởng về số lượng vật nuôi khiến hệ thống xử lý chất thải quá tải, một số cơ sở lén lút xả trực tiếp ra môi trường.

Nông dân chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, thuần túy thủ công sang hình thức chăn nuôi công nghiệp vẫn chưa thực sự bắt nhịp.

Yên Lập là huyện có diện tích đồi rừng lớn, chăn nuôi phát triển khá mạnh. Những năm gần đây, bình quân hàng năm tổng đàn trâu bò trên địa bàn có trên 15.000 con, lợn khoảng 80.000 con, gà khoảng 700.000 con. Với số lượng đàn vật nuôi lớn, các xã đã có nhiều mô hình chăn nuôi theo hình thức trang trại, công nghiệp, bán công nghiệp, góp phần phát triển chăn nuôi an toàn, bền vững, trong đó có chú trọng đến xử lý chất thải. Do tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, khó khăn về kinh phí đầu tư hệ thống xử lý chất thải và ý thức về môi trường chưa cao nên nhiều hộ chăn nuôi vẫn gây ảnh hưởng đến môi trường. Ông Hoàng Văn Cường - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Với huyện miền núi như Yên Lập, việc tiếp cận khoa học kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất của người dân còn hạn chế, vẫn còn tình trạng chăn nuôi theo hình thức gia trại nằm xen lẫn khu dân cư. Vì vậy, thông qua các lớp tập huấn và các hội nghị, địa phương đẩy mạnh các hoạt động khuyến nông, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân và áp dụng những mô hình chăn nuôi mới thân thiện với môi trường; khuyến khích mở rộng hình thức liên kết, đầu tư chăn nuôi quy mô trang trại, gắn tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo chuỗi giá trị gia tăng ổn định trong chăn nuôi.

Vấn đề xử lý chất thải trong chăn nuôi hiện nay đang gây nhiều khó khăn trong quá trình đưa chăn nuôi phát triển theo hướng công nghiệp hiện đại, bền vững, xóa dần hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ. Vì vậy, trong khi chăn nuôi nông hộ mang lại nguồn thu nhập chính cho các hộ nông dân thì các địa phương cần tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường; hướng dẫn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ xử lý chất thải bằng phương pháp khác, như xây hầm biogas, xử lý bằng men sinh học, đệm lót sinh học nhằm tạo điều kiện cho các nông hộ vừa tiếp tục chăn nuôi trong khu dân cư, đảm bảo các chỉ tiêu môi trường. Các phương pháp này phù hợp với quy mô chăn nuôi nhỏ, giá cả đầu tư hợp lý, phù hợp với khả năng của người dân. Đồng thời địa phương cần triển khai ký cam kết giữa các hộ dân với chính quyền cơ sở về đảm bảo môi trường.

Với các cơ sở chăn nuôi lớn, cần rà soát lại quy hoạch phát triển phù hợp với điều kiện sinh thái, số lượng, chủng loại để không gây quá tải. Khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, các hộ dân phát triển chăn nuôi trang trại đầu tư công nghệ mới, tiên tiến về xử lý chất thải. Quy hoạch, xây dựng vùng chăn nuôi tập trung cách xa khu dân cư; xử lý nghiêm đối với các doanh nghiệp, trang trại không đảm bảo các giải pháp xử lý môi trường...

Ông Nguyễn Bá Thọ - Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường cho biết: Để ngăn chặn tận gốc nguy cơ ô nhiễm môi trường do chăn nuôi thì trước hết bản thân người chăn nuôi, nhất là các doanh nghiệp chăn nuôi, chủ trang trại, gia trại phải tuân thủ các quy định về xây dựng, cải tạo hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi đảm bảo công suất, quy trình kỹ thuật, kể cả khi tăng đàn. Ngoài ra, các địa phương cần có quy hoạch vùng chăn nuôi đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường, có chế tài xử phạt để răn đe các hành vi gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, khuyến khích áp dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất khép kín hoặc liên kết giữa các khâu, làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Có thể thấy, trong hoạt động sản xuất nông nghiệp nói chung, lĩnh vực chăn nuôi nói riêng cần phải áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật, nhất là khâu xử lý chất thải cần được quan tâm và đầu tư đúng mức. Khi giải quyết được vấn đề môi trường trong chăn nuôi thì mới có thể tiến tới mở rộng quy mô, cơ cấu lại ngành chăn nuôi theo hướng phát triển tập trung, công nghệ cao, đồng bộ, theo chuỗi giá trị.

Nguyễn Huế

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang