• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Người nông dân với kinh nghiệm 20 năm chăn nuôi an toàn, hiệu quả

Nguồn tin: Báo Ninh Bình, 11/06/2017
Ngày cập nhật: 12/6/2017

Chỉ cần mở thùng ong ra là có thể biết đàn ong khỏe hay yếu, hiền hay dữ, con chúa già hay trẻ, có tư tưởng chia đàn hay không. Còn đối với con gà bằng cách ngửi, ông cũng có thể đoán gà mắc bệnh gì, ở giai đoạn nào, cần chữa ra sao và thường chính xác đến 90%. Đó là những kinh nghiệm mà nông dân Bùi Văn Thao, tổ 23, phường Trung Sơn, thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình tích lũy được sau 20 chăn nuôi gà và hơn 40 năm gắn bó với nghề nuôi ong.

Ông Bùi Văn Thao chăm sóc cho đàn gà.

Ở phường Trung Sơn, không có ai là không biết đến ông Bùi Văn Thao, bởi 20 năm qua, ông Thao luôn đi đầu địa phương trong việc phát triển chăn nuôi, xây dựng kinh tế gia đình. Hầu như lúc nào gia trại của ông cũng duy trì số lượng hơn 130 đàn ong, 800 con gà đẻ và khoảng 40-50 con lợn, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Mở đầu câu chuyện bằng việc mời tôi nếm thử chén mật ong nhãn thành quả mà ông vừa thu được sau hơn 1 tháng di chuyển đàn ong đi Hải Dương, Hưng Yên lấy mật. Chén mật sánh, màu hổ phách sáng, vị ngọt đậm và hương thơm nhẹ nhàng tinh tế của hoa nhãn khác hẳn với các loại mật mà tôi đã ăn.

Ông Thao cho biết: Cùng là mật nhãn nhưng chất lượng khác nhau tùy vào thời điểm lấy mật, mật lấy lúc cây vừa nở hoa, lúc chính vụ hay cuối vụ. Sức khỏe của đàn ong, cách tách lọc mật, đóng chai bảo quản cũng ảnh hưởng phần nào. Ông kể: Tôi gắn bó với nghề nuôi ong từ ngày còn làm công nhân ở nông trường Đồng Giao nhưng lúc đó chỉ nuôi vài chục thùng, giờ thì số lượng lên tới cả trăm.

Nuôi nhiều, tôi phải di chuyển đàn ong rong ruổi đi khắp nơi để tìm mật, không mấy khi được ở nhà. 2 tháng vừa rồi thì tôi đi Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang lấy mật nhãn, mật vải, khoảng cuối tháng 6, đầu tháng 7 lại tiếp tục xuống Kim Sơn vào mùa mật vẹt.

Gần 40 năm gắn bó với con ong, tôi cảm thấy ong như một phần tất yếu của cuộc đời mình. 130 đàn ong nhưng tôi biết tính từng đàn một, đàn nào hiền, đàn nào dữ, hay đốt. Chỉ cần mở thùng ong, kiểm tra cầu ong là có thể nắm được bầy ong khỏe hay bệnh, đàn nào có tư tưởng bốc bay, chúa già hay chúa trẻ, sắp phải thay chúa chưa…

Nắm vững kỹ thuật tách đàn, gây tạo ong chúa, khai thác sữa ong chúa và phấn hoa, đặc biệt là xử lý kịp thời hiện tượng bệnh thối ấu trùng ở loài ong nội. Số lượng đàn ong của gia đình ngày một tăng lên. Thông thường mỗi năm ngoài thu từ 1,5-2 tấn mật, ông Thao còn gây thêm được khoảng 200 cầu ong, tương đương với 40-50 đàn để bán với giá từ 700-800 nghìn đồng/đàn.

Không chỉ thành công trong nuôi ong, nuôi gà cũng là một trong những sở trường của ông Thao. Hiện nay đàn gà của gia đình ông có 800 con, đều là giống gà Ai Cập - một giống gà dễ nuôi, trứng nhỏ, lòng đỏ to, thơm ngon như trứng gà ta.

Được biết, nuôi gà nhiều năm nhưng chưa khi nào đàn gà của ông bị dịch bệnh nghiêm trọng, gây thất thu, thua lỗ. Để làm được điều này, ông Thao tuyển chọn giống vô cùng chặt chẽ. Giống được nhập của Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương. Gà luôn được tuân thủ tiêm phòng dịch và uống thuốc theo đúng quy trình từ lúc gà giống mới nhập về cho tới lúc đẻ trứng.

Thức ăn phải chuẩn. Chuồng trại được xây dựng thoáng, mát. Nền chuồng lót một lớp vôi, sau đó phủ trấu. Khi có nhiều phân, đưa thêm men tiêu hủy phân vào trấu.

Làm như vậy không chỉ đảm bảo vệ sinh cho gà, phòng chống được dịch bệnh mà khi dọn chuồng còn thu được một lượng phân hữu cơ lớn bán cho các chủ trại trồng rau, cây ăn quả sạch. Có một điều thú vị nữa đó là lâu nay, ông Thao đã bảo vệ, chăm sóc đàn gà rất khỏe mạnh, hiệu quả nhờ khả năng đặc biệt “ngửi” mùi phân bắt bệnh cho gà. Ông bảo: Gà chủ yếu mắc các bệnh như: bệnh cầu trùng, Niu- cat – xơn, tụ huyết trùng, bạch lỵ...

Với những bệnh này, khi dọn dẹp chuồng trại, tôi sẽ ngửi thấy mùi tanh nồng, khăm khắm và có cảm giác chua của phân. Cộng với việc xác định phân gà mầu gì, có bị loãng, bị nhớt hay không là tôi có thể đoán chính xác con gà nào bị bệnh để kịp thời chữa trị.

Hà Phương

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang