• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Tìm giải pháp phát triển bền vững ngành nghề yến sào

Nguồn tin: Báo Khánh Hòa, 09/06/2017
Ngày cập nhật: 12/6/2017

Ngày 9-6, tại TP. Nha Trang, ông Nguyễn Duy Bắc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chủ trì hội thảo khoa học “Phát triển bền vững ngành nghề yến sào Việt Nam”. Tại hội thảo do Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Yến sào Khánh Hòa (Công ty Yến sào Khánh Hòa) phối hợp với Trường Đại học (ĐH) Sư phạm Hà Nội tổ chức, nhiều chuyên gia đã đưa ra những bất cập hiện nay và giải pháp, định hướng để đưa nghề yến sào phát triển.

Nghề nuôi yến phát triển mạnh

Thạc sĩ Lê Hữu Hoàng - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Yến sào Khánh Hòa cho biết, từ năm 2004 đến nay, chim yến đã sinh sống và làm tổ trong nhà ở hầu hết các tỉnh từ Thanh Hóa đến Cà Mau và các tỉnh phía tây như: Bình Phước, Đắk Lắk. Chim yến nhà ngày càng phân bổ rộng khắp các địa phương trong cả nước. Theo số liệu điều tra của Đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học và đề xuất các giải pháp phát triển bền vững nghề nuôi chim yến tại Việt Nam”, tính đến thời điểm tháng 6-2014, cả nước có 30 tỉnh, thành nuôi chim yến với tổng số 2.614 nhà yến, chủ yếu tập trung ở các tỉnh miền Trung. Đến tháng 3-2017, nhóm nghiên cứu của Công ty Yến sào Khánh Hòa đã thực hiện khảo sát cập nhật số lượng nhà yến của 36 tỉnh, thành và cho thấy con số này đã phát triển lên 5.069 nhà, trong đó cao nhất là tỉnh Tiền Giang với 697 nhà yến, TP. Hồ Chí Minh 612 nhà và Kiên Giang 548 nhà. Đặc biệt, đến nay đã có thêm 5 tỉnh miền Bắc và Tây Nguyên phát triển nhà yến gồm: Hải Phòng, Ninh Bình, Quảng Ninh, Gia Lai và Kon Tum.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn ít địa phương thực hiện việc quy hoạch nuôi chim yến theo quy định. Chỉ có một số địa phương đi tiên phong trong việc quy hoạch như: Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận, TP. Hồ Chí Minh, Trà Vinh, Tiền Giang. Ngành nuôi chim yến đã phát triển mạnh khoảng 10 năm nay nhưng việc quản lý nhà nước đối với ngành nghề này chỉ có một thông tư tạm thời đã ra đời cách đây gần 4 năm nên còn nhiều bất cập, phát sinh trong thực tiễn, cần phải hoàn thiện. “Nhiều tỉnh có điều kiện rất tốt để phát triển nghề nuôi chim yến, nhưng có những tỉnh lại không phù hợp. Để phát triển nghề nuôi chim yến cần có quy hoạch các vùng trong nước; đồng thời có những giải pháp đồng bộ về quản lý, sự phối hợp và thống nhất để có thể phát triển bền vững ngành nghề nuôi chim yến tại Việt Nam”, ông Hoàng cho hay.

Công ty Yến sào Khánh Hòa đã nghiên cứu và đưa ra nhiều sản phẩm chất lượng cao từ yến sào

Xác định rõ hướng phát triển

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thế Hân (Khoa Công nghệ thực phẩm, Trường ĐH Nha Trang), mặc dù ngành công nghiệp yến sào ở Việt Nam đã có những bước nhảy vọt nhưng các sản phẩm yến sào vẫn chưa đa dạng, chủ yếu ở dạng thô hoặc qua chế biến nhưng chế biến còn đơn giản, chưa tận dụng hết nguồn thảo dược quý để phối hợp với yến sào tạo nên sản phẩm chất lượng cao. Vì vậy, cần nghiên cứu, chế biến, phối hợp yến sào với dược liệu quý tự nhiên để tạo nên các sản phẩm chống lão hóa, hoạt tính kháng vi rút và kháng viêm…

Trong khi đó, nghiên cứu sinh Nguyễn Xuân Duy (Trường ĐH Nha Trang) cho rằng cần phải kiểm định chất lượng và truy xuất nguồn gốc yến sào tại Việt Nam. Bởi, thị trường yến sào Việt Nam có nhiều vấn đề bất cập, chưa kiểm soát được chất lượng, truy xuất nguồn gốc tổ yến cũng như sản phẩm từ yến. Hiện tại, Việt Nam cũng chưa có tiêu chuẩn chất lượng cho tổ yến nguyên liệu. Vì vậy, trên thị trường hiện nay, chất lượng tổ yến và các sản phẩm từ yến đang trở nên hỗn loạn và không thể kiểm soát được. “Để giải quyết vấn đề này, cơ quan chức năng cần sớm xây dựng và ban hành bộ tiêu chuẩn về chất lượng tổ yến sào cũng như các sản phẩm chế biến từ yến. Cần sớm thành lập những trung tâm kiểm định chất lượng tổ yến sào và các sản phẩm từ yến. Các cơ sở nuôi và chế biến yến cần chủ động thực thi các thủ tục truy xuất nguồn gốc sản phẩm để giảm rủi ro về pháp lý cũng như minh bạch thông tin về sản phẩm, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, tiến tới xuất khẩu tổ yến”, ông Duy đề nghị.

Thạc sĩ Lê Hữu Hoàng cho rằng, cơ quan nhà nước cần ưu tiên quy hoạch phát triển nuôi chim yến đảo tại các tỉnh: Khánh Hòa, Quảng Nam, Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên, Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu. Đồng thời, cần thực hiện quy hoạch phát triển hang đảo yến mới tại các tỉnh có tiềm năng phát triển như: Đà Nẵng, Bình Thuận. Qua hội thảo, thạc sĩ Lê Hữu Hoàng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành thông tư chính thức về quản lý ngành nuôi chim yến tại Việt Nam; kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố sớm quy hoạch và xây dựng chiến lược phát triển yến sào đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Bên cạnh đó, cần có các tổ chức, đơn vị có năng lực, tâm huyết phối hợp với các cơ quan chuyên ngành của tỉnh, thành phố thực hiện khảo sát, quy hoạch làng nghề các tiểu vùng nuôi chim yến nhằm phát triển đồng bộ, bền vững và hiệu quả.

Ông Nguyễn Duy Bắc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh:Trước tình hình biến đổi khí hậu, đô thị hóa, Công ty Yến sào Khánh Hòa đã có những công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc góp phần phát triển ngành nghề yến sào tại Việt Nam, di đàn, nhân đàn, nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong giai đoạn hiện nay, việc phát triển bền vững ngành nghề yến sào là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế, thực hiện thắng lợi chiến lược biển đảo ở nước ta.

Nhật Thanh

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang