• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Khai thác tiềm năng phát triển nghề nuôi ong mật

Nguồn tin: Báo Đắk Nông, 08/06/2017
Ngày cập nhật: 11/6/2017

Nghề nuôi ong mật trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã có bước phát triển trong thời gian qua. Tuy nhiên, để phát triển ngành chăn nuôi này theo hướng bền vững, có thương hiệu đòi hỏi phải có những giải pháp thiết thực cả trước mắt và lâu dài.

Với nhiều loại hoa của các cây trồng đem lại nguồn “thức ăn” phong phú cho ong, Đắk Nông được đánh giá là vùng đất có điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nghề nuôi ong mật xuất khẩu. Theo thống kê, toàn tỉnh mỗi năm sản xuất ra khoảng 272.000 lít mật ong thương phẩm. Thời gian qua, giá mật ong tăng cao và ổn định nên nhiều hộ nông dân trên địa bàn đã bắt đầu chú tâm đầu tư phát triển đàn ong, xem đây như một trong những nghề mang lại thu nhập chủ lực cho gia đình.

Trên địa bàn huyện Chư Jút, đến nay đã có gần 60 hộ làm nghề nuôi ong lấy mật với gần 2.000 thùng ong, tập trung chủ yếu ở các xã Nam Dong, Đắk D'rông, Ea Pô... Theo các hộ nuôi ong thì năm nay, thời tiết thuận lợi nên sản lượng đạt khá cao. Với giá bình quân trên, dưới 100.000 đồng/kg mật nên nghề nuôi ong lấy mật đã mang lại thu nhập không thua kém các nghề chăn nuôi khác.

Nghề nuôi ong lấy mật đang mang lại thu nhập ổn định cho người dân trong tỉnh. Ảnh: Văn Tâm

Ông Nguyễn Văn Hùng, xã Đắk D’rông hiện có trên 150 thùng nuôi ong đặt tại các vườn cà phê, cao su trong vùng. Ông Hùng cho biết: Hiện nay, ở các xã trong huyện đã hình thành nhiều tổ, nhóm hộ nuôi ong chuyên nghiệp. Trong đó có nhiều hộ, nhóm hộ nuôi ong theo hướng sinh học, tạo ra sản phẩm mật chất lượng cao để xuất khẩu trực tiếp sang châu u. Với xu hướng đó, nghề nuôi ong tại Chư Jút đã giúp cho người nuôi có thu nhập ổn định, gắn bó với nghề lâu dài hơn.

Tại huyện Đắk Mil, để giúp cho người dân tiếp cận với phương pháp kỹ thuật tiến bộ trong nuôi ong, từ nhiều năm nay, Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình nuôi ong mật và sơ chế sản phẩm theo hướng sản xuất hàng hóa tại tỉnh Đắk Nông”. Thời gian qua, Dự án đã giúp 10 hộ dân tại xã Ðức Minh làm thí điểm mô hình. Theo đó, mỗi hộ tham gia được hỗ trợ 70 đàn ong nền, 100 thùng ong, 600 kg thức ăn và 1 triệu đồng tiền thuốc phòng trừ bệnh cho đàn ong. Dự án cũng đã đào tạo được 10 kỹ thuật viên nuôi ong am hiểu các kiến thức nuôi dưỡng, phòng trị bệnh, chăm sóc, nhân đàn, quản lý các đàn ong giống và khai thác các sản phẩm của mật ong. Ðồng thời, hàng trăm lượt hộ nuôi ong trên địa bàn, cán bộ khuyến nông cơ sở cũng được tập huấn kỹ thuật và trang bị hệ thống máy hạ thủy phần mật ong và máy sấy phấn hoa. Hiện tại, các mô hình này đã cho ra các sản phẩm có giá trị kinh tế, phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu với các sản phẩm như: Mật ong, phấn ong, sáp ong, sữa ong chúa…

Theo ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ong và nuôi ong nhiệt đới, thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam thì hiện nay tiềm năng phát triển nghề nuôi ong mật hàng hóa tại Tây Nguyên nói chung, Đắk Nông nói riêng là rất lớn. Tính riêng tiềm năng của tỉnh Đắk Nông, về sản lượng mật, từ 31.000 ha cao su nếu khai thác hết sẽ cho khoảng 300 tấn mật; 120.000 ha cà phê cũng cho trên 300 tấn mật mỗi năm. Bên cạnh đó, các loại cây như: Điều, cây lâm nghiệp, cây ăn quả… cũng mang lại sản lượng mật khá lớn. Tuy nhiên, việc phát triển ngành nuôi ong mật nhìn chung ở các huyện trên địa bàn Đắk Nông vẫn còn bộc lộ một số bất cập, thiếu tính bền vững, nhất là thiếu nguồn ong giống tốt. Phần lớn hiện nay, ong chúa giống đang được người dân sản xuất tự phát, không được chọn lọc nên có biểu hiện thoái hóa cao, dễ nhiễm bệnh, nhiễm các loại ve ký sinh cao…

Trước thực tế đó, để phát triển nghề nuôi ong mật đạt được giá trị cao và bền vững, các ngành chức năng cần đẩy mạnh việc nghiên cứu chọn lọc, nhập nguồn giống ong có chất lượng để cải thiện đàn ong tại địa phương. Cùng với đó, việc đào tạo, nâng cao kiến thức cho người nuôi ong về các tác nhân gây bệnh, đồng thời hướng dẫn bà con tăng cường áp dụng các biện pháp sinh học vào nuôi ong để tiếp tục nâng cao kiến thức và kỹ thuật phòng trừ bệnh cho ong cũng cần được chú trọng. Về lâu dài, để các sản phẩm từ ong đứng vững trên thị trường thời kỳ hội nhập, bản thân các hộ nuôi ong cũng rất cần chủ động học hỏi, từng bước chuyển đổi hình thức nuôi ong theo hướng công nghệ cao, an toàn thực phẩm đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP, tiêu chuẩn GMP (Thực hành sản xuất tốt), nhằm hướng tới xây dựng và bảo vệ tốt thương hiệu mật ong của Đắk Nông nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung.

Văn Tâm

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang