• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Không để người chăn nuôi lợn phiêu lưu

Nguồn tin: Báo Thái Bình, 31/05/2017
Ngày cập nhật: 1/6/2017

Ngay trong cơn bão giảm giá lợn hơi khiến cho người chăn nuôi thua lỗ nặng đến kiệt sức, rất nhiều nông dân huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình vẫn nuôi hy vọng tái đàn để bù đắp thiệt hại. Đó là mong muốn chính đáng, nhưng liệu họ có thành công hay đang bước trên đường phiêu lưu?

Hàng chục nghìn con lợn của nông dân Kiến Xương ùn ứ không thể xuất chuồng.

Từ đầu năm đến nay, gia đình ông Nguyễn Đức Hướng, khu Tự Tiến, thị trấn Thanh Nê phải gồng mình duy trì đàn lợn 250 con. Lợn đã đến ngày xuất chuồng nhưng giá bán lợn hơi quá thấp nên ông đành tự giết mổ dần mang thịt lợn ra chợ bán lẻ mong vớt vát lại số vốn đã đầu tư.

Ông Hướng chia sẻ: Nếu bán cho thương lái thì mỗi con lợn sẽ lỗ 1,8 triệu đồng, vì vậy tôi phải giết mổ bán dần nhưng vẫn lỗ hơn 1 triệu đồng/con vì giá thịt lợn cũng thấp và khó bán. Nhiều hôm, mang thịt lợn ra chợ bán không hết phải mang về luộc lên rồi thái ra ném cho cá ăn, tủ lạnh chật cứng thịt lợn rồi.

Còn ông Vũ Văn Phi, thôn Phú Mỹ, xã Bình Minh cố để lại nuôi 70 con lợn đã đến ngày xuất chuồng hy vọng giá lên sẽ bán, nhưng càng chờ giá lợn hơi càng xuống, hiện mỗi con lợn nặng từ 1,5 - 1,7 tạ.

Ông Phi buồn bã cho biết: Mỗi ngày tôi phải chi phí 1,5 triệu đồng tiền thức ăn cho lợn. Thương lái chê lợn quá khổ nên ép giá, chỉ mua với giá 18.000 - 19.000 đồng/kg lợn hơi. Bán đi thì lỗ nặng mà không bán cũng chẳng xong vì sẽ phải gánh thêm nợ tiền đại lý thức ăn chăn nuôi.

Với những hộ chăn nuôi lợn ở quy mô gia trại, gánh nặng lỗ vì giá lợn hơi lao dốc chưa đến mức căng thẳng so với các trang trại nuôi từ 1.000 - 2.000 con.

Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, chủ trang trại lợn thôn Công Bình, xã Bình Định chia sẻ: Không bán được lợn giống và phải nuôi 1.500 con lợn thịt, mỗi ngày, trang trại phải chi phí hơn 30 triệu đồng tiền thức ăn chăn nuôi, tiền điện, tiền công người lao động. Đến nay, nguồn tài chính của gia đình đã cạn kiệt không thể duy trì chăn nuôi được nữa và rất lo không biết xoay xở như thế nào để trả lãi và gốc vay ngân hàng.

Bà Nguyễn Thị Mai, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kiến Xương cho biết: Hiện nay, tổng đàn lợn của huyện còn 115.252 con, trong đó riêng lợn có trọng lượng từ 1 tạ trở lên còn hơn 20.000 con. Nếu giá lợn không tăng và tiêu thụ chậm thì 11.328 hộ chăn nuôi lợn sẽ rơi vào cảnh thua lỗ, nợ nần chồng chất, kéo theo giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp của huyện năm 2017 có nguy cơ sụt giảm không đạt được mục tiêu. Trước tình cảnh này, thời gian qua, các cấp, các ngành ở huyện Kiến Xương đã tích cực vào cuộc tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nông dân làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn lợn; chủ động duy trì quy mô đàn lợn hợp lý; vận động các tổ chức, cá nhân tiêu thụ lợn giúp người chăn nuôi... Tuy nhiên, tất cả các sự can thiệp đó chỉ là giải pháp tình thế, chưa đáp ứng hết mong muốn của nông dân.

Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm chia sẻ thêm: Giá lợn không thể “chìm sâu” mãi như hiện nay được. Theo quy luật, nó sẽ tăng cao, nhưng e đến thời điểm đó thì bà con không còn lợn để bán. Vấn đề của người chăn nuôi lúc này là mong ngân hàng giãn nợ cũ và tiếp tục giúp bà con vay thêm vốn mới để duy trì đàn lợn nái bảo đảm đủ giống để tái đàn. Còn các hộ chăn nuôi quy mô gia trại thì mong muốn: Giá thịt lợn trên thị trường giảm không đáng kể nhưng giá lợn hơi thì tụt thê thảm do thương lái ép nông dân. Rõ ràng thị trường đang hoạt động bất ổn, không lành mạnh, rất mong các cơ quan chức năng vào cuộc quản lý, kiểm soát tốt thị trường để người chăn nuôi tránh bị thiệt hại không đáng có như vừa qua.

Một trong những nguyên nhân khiến giá lợn hơi giảm mạnh từ cuối năm 2016 đến nay mà các hộ chăn nuôi cho rằng cung đã vượt quá cầu. Nếu như cùng kỳ năm 2016, huyện Kiến Xương chỉ có 95.785 con lợn thịt thì năm 2017 là 115.252 con, tăng 19.467 con; bà con tăng đàn bởi giá lợn hơi năm 2016 ổn định và người chăn nuôi có lãi. Thực tế này đặt ra vấn đề, nhà nước cần có chính sách quản lý và quy hoạch ngành chăn nuôi chặt chẽ, tránh tình trạng chăn nuôi tự phát, ồ ạt tăng đàn không có kiểm soát.

Cùng với việc cung cấp thông tin, dự báo thị trường kịp thời, nhà nước cũng cần có cơ chế hỗ trợ nông dân mua máy phối trộn thức ăn chăn nuôi để tận dụng nguồn thực phẩm sẵn có nhằm giảm chi phí thức ăn chăn nuôi và giúp người chăn nuôi có đầu ra tiêu thụ ổn định. Có như vậy, ngành chăn nuôi mới phát triển bền vững và nông dân mới yên tâm đầu tư, không phải phiêu lưu nuôi lợn kiểu được - mất, hên - xui như hiện nay.

Khắc Duẩn

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang