• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Người nuôi heo loay hoay “tự sản tự tiêu”

Nguồn tin: Báo Cần Thơ, 28/05/2017
Ngày cập nhật: 30/5/2017

Trong 2 tuần qua, nhiều địa phương cả nước đã bàn giải pháp giải phóng lượng heo hơi tồn đọng, giúp người chăn nuôi cắt lỗ. Song, giải pháp tức thời này vẫn chưa thể "cứu" người nuôi thoát cảnh thua lỗ. Nhiều địa phương, người nuôi heo tự "giải cứu" cho đàn heo của mình.

Giá heo hơi chậm cải thiện

Nhiều hộ nuôi heo ở ĐBSCL vẫn đang loay hoay tìm cách bán đàn heo tới lứa xuất chuồng. Ảnh: K.C

Giá heo hơi tại TP Cần Thơ và nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL hiện nhích lên khoảng 500-3.000 đồng/kg so với cách nay khoảng 2 tuần. Tuy nhiên, nhìn chung giá heo hơi vẫn còn ở mức thấp và nhiều người chăn nuôi heo tiếp tục bị thua lỗ. Tại các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre… giá heo hơi loại 1 đang ở mức 22.500-23.000 đồng/kg. Theo ông Lê Văn Cường, xã Hưng Khánh Trung A, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre, cách nay khoảng 1 tuần, giá heo hơi loại 1 từ 22.000 đồng/kg tăng lên mức 26.000-27.000 đồng/kg, nhiều hộ chăn nuôi khá phấn khởi vì tin rằng giá heo có chiều hướng tăng mạnh. Thế nhưng, chỉ vài ngày sau đó, giá heo hơi tuột dốc và hiện chỉ còn khoảng 22.500-23.000 đồng/kg đối với heo hơi loại 1. Hiện nay, nhiều người dân có heo chưa xuất bán được tiếp tục cho heo ăn cầm chừng nhằm hạn chế tiền thức ăn, giảm lỗ.

Khoảng 1 tháng trở lại đây, tại tỉnh Long An, người chăn nuôi tự cứu lấy mình bằng cách mang heo đến lò mổ tập trung và kiểm dịch, sau đó mang về trước cửa nhà, ven đường bày bán. Ông Trần Quốc Tú, ở thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa, nuôi khoảng 200 con heo thịt, cho biết: "Có nhiều con đến ngày xuất bán nhưng thương lái trả giá thấp hơn giá thành sản xuất khoảng 10.000 đồng/kg. Để cứu lấy mình, mỗi ngày tôi mang 2 con heo đến lò giết mổ tập trung thuê họ làm và được lực lượng thú y kiểm dịch. Sau đó, tôi mang ra ven đường bán". Ông Tú bán thịt heo thấp hơn các sạp thịt trong các chợ khoảng 20.000 đồng/kg. Thịt đùi bán với giá 60.000 đồng/kg, các phần thịt khác bán giá 30.000 - 60.000 đồng/kg. Với giá bán như hiện tại, sau khi trừ chi phí giết mổ và kiểm dịch 320.000 đồng/con, chi phí chăn nuôi, vẫn còn một khoản để trả lãi ngân hàng. Theo ông Tú, trong những ngày cuồi tuần, số hộ chăn nuôi mang heo ở huyện đem heo đến lò giết mổ tập trung và kiểm dịch rồi mang ra đường bán tăng hơn ngày thường. Trong thời gian qua, giá heo thương phẩm giảm dưới mức giá thành sản xuất nên đàn heo của tỉnh Long An đã giảm 1/4 so với trước và hiện tỉnh đang có trên 200.000 con.

Tại tỉnh Hậu Giang, nhiều hộ nuôi heo cũng đem heo đến lò giết mổ và chia thịt cho bà con trong xóm. Tuy nhiên, cách làm này không thể giúp người nuôi cắt lỗ. Còn tại tỉnh Tiền Giang, thủ phủ nuôi heo lớn nhất miền Tây, nhiều trang trại và hộ chăn nuôi heo cũng trông chờ thị trường khởi sắc. Theo tính toán của ngành chức năng, giá thành nuôi heo lên đến 25.800-33.700 đồng/kg, với giá bán hiện tại, người nuôi lỗ từ 6.000 - 12.000 đồng/kg heo hơi. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Tiền Giang, hiện tại, các hộ chăn nuôi đang cố gắng duy trì do chuồng trại và con giống có sẵn, một số hộ chăn nuôi sẵn sàng "treo" chuồng vì không còn vốn để cầm cự.

Đau đầu với bài toán tái đàn

Thống kê của ngành ngân hàng, tổng dư nợ về cho vay nuôi heo toàn quốc là 30.000 tỉ đồng (hộ và cá nhân chiếm 90%; doanh nghiệp, hợp tác xã chiếm 10%). Trong đó, các ngân hàng cho vay ngắn hạn là 12.660 tỉ đồng, trung và dài hạn là 17.340 tỉ đồng. Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, giúp người nuôi heo khắc phục sản xuất, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng xem xét giảm lãi suất cho vay chăn nuôi heo, đơn vị sản xuất thức ăn gia súc và sản xuất thuốc thú y; cơ cấu lại thời gian trả nợ… Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu ngành nông nghiệp các địa phương rà soát tổng đàn heo và đề xuất các giải pháp tái cơ cấu ngành chăn nuôi heo để đảm bảo cơ cấu và phát triển bền vững ngành chăn nuôi. Tái cơ cấu chăn nuôi thực sự là bài toán gian nan, lượng thịt chủ yếu tiêu thụ ở thị trường nội địa và theo đường tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc, nhưng thị trường này rất rủi ro vì sức mua không ổn định.

Tại TP Cần Thơ, do nhu cầu tiêu thụ thịt heo tại chỗ khá lớn và thời gian qua thành phố phải mua thêm heo hơi từ các tỉnh lân cận mới đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nên giá heo hơi tại thành phố có dấu hiệu khởi sắc hơn, nhưng người chăn nuôi heo tại thành phố vẫn còn bị lỗ. Tại nhiều quận, huyện ở TP Cần Thơ, giá heo hơi loại 1 đang phổ biến ở mức 28.000-31.000 đồng/kg, tăng khoảng 2.000-3.000 đồng/kg so với trước. Theo nhiều người chăn nuôi heo ở TP Cần Thơ, xuất bán mỗi con heo khoảng 100 kg với mức giá như trên, người nuôi lỗ vốn trên dưới 1 triệu đồng. Giá heo giống (heo con) tiếp tục duy trì ở mức khá thấp: 300.000-400.000 đồng/con (trọng lượng khoảng 10-15 kg) do người nuôi không mặn mà tái đàn vào thời điểm này.

Theo nhiều tiểu thương và doanh nghiệp kinh doanh thịt heo trên địa bàn TP Cần Thơ, các giải pháp kích cầu tiêu dùng thịt heo đã và đang được nhiều đơn vị, doanh nghiệp quan tâm thực hiện, nhưng sức tiêu thụ thịt heo trên thị trường vẫn ở mức bình thường. Điều này cũng làm cho giá heo hơi chậm cải thiện. Ngoài ra, lượng heo hơi tồn đọng trong dân vẫn còn rất lớn tại nhiều địa phương trong nước. Theo ông Lý Thanh Tùng, Giám đốc Xí nghiệp chế biến thực phẩm 1, Công ty cổ phần Thương nghiệp tổng hợp Cần Thơ, hiện trung bình mỗi ngày xí nghiệp giết mổ và cung ứng ra thị trường khoảng 450 con heo, tương đương so với các tuần trước đây. Thời gian qua, do giá heo hơi duy trì ở mức thấp nên có rất nhiều hộ chăn nuôi heo đã nghỉ nuôi. Dù lượng heo hơi đang còn tồn trong dân khá nhiều nhưng doanh nghiệp rất lo về khả năng thiếu hụt nguồn heo trong một vài tháng tới và nhất là dịp Tết Nguyên đán 2018.

Trong vòng 6 tháng qua, giá heo hơi ở mức thấp, người chăn nuôi điêu đứng vì nợ nần, tình trạng "treo" chuồng hàng loạt cũng làm giảm lượng đàn heo của các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Các địa phương như Long An, Tiền Giang, Hậu Giang… lượng đàn heo giảm từ 10-30% so với cuối năm 2016. Người nuôi heo không đủ vốn để chạy theo thị trường. Nhiều hộ chăn nuôi đang nợ nần chồng chất, nguồn heo chưa biết bán cho ai. Đây cũng là bài toán khó cho ngành chức năng.

Nhóm PV Kinh tế

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang