• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Hy vọng không còn hộ nghèo

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng, 24/05/2017
Ngày cập nhật: 26/5/2017

Vài năm trở lại đây, nghề nuôi bò (bò sữa, bò thịt) đã giúp cho hàng ngàn hộ dân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng vượt khó thoát nghèo, có những hộ vươn lên làm giàu. Nghề nuôi bò đã góp phần rất lớn vào việc chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp mà tỉnh đang hướng đến.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, từ lợi nhuận do đàn bò mang đến, nhiều hộ dân đã chuyển đổi những vật nuôi kém hiệu quả sang nuôi bò và đã đem về nguồn thu đáng kể. Trong cơn mưa nặng hạt của những ngày đầu hè, có dịp gặp gỡ những nông dân chuyển hướng nuôi bò thành công ở xã Phú Mỹ (Mỹ Tú), chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện từ nghề nuôi bò giúp bà con vượt khó thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Từ đó “ánh lên” niềm tin trong tương lai: “Xã thuộc diện Chương trình 135 này nhờ nuôi bò sẽ không còn hộ nghèo”.

Anh Châu Hoàng Thanh khoe đàn bò sữa cho thu nhập tiền triệu hàng tháng.

Để tìm hiểu cách thức chăn nuôi bò vươn lên thoát nghèo, chúng tôi tìm đến Tổ hợp tác (THT) Bưng Cóc số 19, ngụ ấp Bưng Cóc (Phú Mỹ). Tổ trưởng THT Bưng Cóc số 19 Châu Hoàng Thanh đang vệ sinh chuồng trại sau đợt vắt sữa buổi sáng. Thấy khách ra tận chuồng bò để tìm, anh Thanh khá bỡ ngỡ và nhanh miệng bảo khách vào nhà đợi, nhưng chúng tôi nán lại xem anh làm việc. Công việc khá vất vả vì phải tự tay dọn thật sạch chất thải của bò, rồi mới dùng nước dội chuồng, sau đó dùng vòi nước tắm cho từng con bò, nếu làm nhanh lắm cũng mất cả giờ đồng hồ mới xong. Hình như đã quen với công việc, nên anh Thanh làm rất nhanh nhẹn.

Dùng đôi bàn tay chà lên tấm lưng to của con bò sữa, anh Thanh tâm tình: “Con bò sữa này tôi nuôi được 7 năm, cho sữa được 4 năm rồi, mỗi ngày thu được hơn 150.000 đồng”. Cũng theo anh Thanh, tổng đàn bò hiện tại trong chuồng đang cho sữa của gia đình là 4 con và 2 con đang chuẩn bị lấy sữa vào tháng tới. Với số bò trên, bình quân mỗi ngày, gia đình anh vắt được 50kg - 60kg sữa tươi, sau khi trừ các khoản chi phí còn lợi nhuận gần 500.000 đồng.

“Ngoài đàn bò sữa, tôi còn nuôi 4 bò cái thịt sinh sản, mỗi năm bán được 2 đến 3 con bò tơ, thu về gần 30 triệu đồng. Dự định tới, tôi sẽ tăng đàn bò sữa lên 10 con và tăng đàn bò thịt sinh sản lên 10 con” - anh Thanh chân thành thổ lộ. Từ ngày nuôi bò, cuộc sống gia đình anh Thanh đổi mới rất nhiều, căn nhà được xây dựng kiên cố, các vật dụng sinh hoạt trong gia đình được đủ đầy và tiền cho các con đi học không phải “dè sẻn” từng đồng như trước.

Theo thông tin từ Tổ trưởng THT Bưng Cóc số 19 Châu Hoàng Thanh và bà con nuôi bò sữa vùng này, với giá sữa thu mua ổn định như thời điểm hiện tại, người chăn nuôi bò luôn đạt lợi nhuận 70 - 80% sau khi trừ các khoản chi phí (chủ yếu là ngày công lao động). Nuôi bò không tốn chi phí thức ăn, phần lớn chúng chỉ ăn rơm, rạ và cỏ, nếu số lượng đàn càng lớn thì lợi nhuận từ tiền bán sữa càng cao, nhưng đòi hỏi phải có nhân công lao động và có đất trồng cỏ, nhằm hạn chế việc đi cắt cỏ tốn thời gian.

Trao đổi với chúng tôi, anh Thạch Hòa Thanh - thành viên THT Bưng Cóc số 19 chia sẻ: “Trước đây, tôi đi làm công nhân thủy sản, công việc khá vất vả nên lãnh lương tương đối khá nhưng mình nghĩ, làm thuê chỉ khi sức khỏe còn tốt chứ lớn tuổi một chút sẽ gặp nhiều khó khăn. Do vậy, tôi suy nghĩ cách làm kinh tế gia đình, ban đầu nuôi heo, không đạt kết quả như mong đợi, tôi chuyển sang nuôi bò lấy sữa vì thấy bà con xung quanh nuôi bò cho thu nhập cao, tôi mạnh dạn gom góp tiền dành dụm được mua 2 con bò sữa”.

Cũng theo anh Thanh, sau 5 năm nuôi, 2 con bò đẻ được 3 con bò con; trong đó có 1 con cái và 2 con đực, anh tiến hành vỗ béo bán cặp bò đực, để lại con cái nuôi lấy sữa. Giờ đàn bò có 3 con đang cho sữa, mỗi ngày vắt bình quân khoảng 36kg sữa để bán, trừ chi phí lợi nhuận 300.000 đồng. Ngoài việc nuôi bò sữa, anh Thanh còn đầu tư nuôi 2 con bò thịt cái sinh sản để bán bê con, mỗi năm xuất bán được 1 con bê thu về gần 10 triệu đồng. Bên cạnh đó, để cung cấp đủ nguồn thức ăn cho đàn bò 5 con, anh Thanh còn mạnh dạn chuyển 2 công đất lúa sang trồng cỏ và mua rơm rạ dự trữ thêm cho bò ăn vào tháng mùa khô. Theo dự tính, anh sẽ tăng đàn bò sữa lên 5 con, nhằm tăng số tiền lợi nhuận dành dụm lo các con học hành đến nơi đến chốn.

Tổ trưởng THT Bưng Cóc số 19 Châu Hoàng Thanh cho biết thêm: “THT có 18 thành viên với đàn bò sữa 56 con, mỗi hộ có từ 2 con bò trở lên và hộ nhiều nhất 9 con. Từ khi chuyển hướng nuôi bò sữa, hầu hết thành viên đều có đời sống ổn định, tương lai không xa, tất cả thành viên THT sẽ giàu dựa vào đàn bò lấy sữa và số bò thịt đang bắt đầu nhân rộng nuôi”.

Phó Chủ tịch UBND xã Phú Mỹ Thạch Minh Lây thông tin: “Trên địa bàn toàn xã có tổng đàn bò sữa 1.300 con, đàn bò thịt trên 1.000 con. Để thuận tiện trong việc quản lý đàn bò sữa, xã đã thành lập 17 THT có 500 thành viên tham gia”. Cũng theo đồng chí Lây, việc chăn nuôi bò sữa đã kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống con số ấn tượng, nếu như năm 2005 số hộ nghèo hơn 50% thì cuối năm 2016 giảm xuống còn 19% và tương lai không xa Phú Mỹ sẽ trở thành một trong những địa phương phát triển vượt bậc về kinh tế trang trại, khi đó đời sống người dân sẽ ổn định hơn và không còn hộ nghèo.

Thúy Liễu

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang