• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

“Giải cứu” cho người nuôi heo

Nguồn tin: Báo Cần Thơ, 13/05/2017
Ngày cập nhật: 15/5/2017

Giá heo hơi tuột dốc không phanh, người chăn nuôi lao đao trong tình cảnh thua lỗ, nhiều địa phương tại ĐBSCL đang tìm cách "giải cứu" cho người chăn nuôi. Tuy nhiên, các địa phương cũng thừa nhận đây chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài cần tái cơ cấu ngành chăn nuôi và cụ thể các quy hoạch vùng nuôi để tránh tình trạng tồn ứ sản phẩm, không tiêu thụ được như hiện nay.

Người nuôi lỗ nặng, thương lái lời cao

Thời gian qua gần đây, cụm từ "giải cứu nông sản" được nhắc đến rất nhiều. Ban đầu là từ các cá nhân, tiếp đó là sự vào cuộc của ngành chức năng và doanh nghiệp, nhưng đây chỉ là giải pháp tức thời. Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết: "Tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh khoảng 140.000 con. Trong đó, số lượng heo đủ trọng lượng để xuất chuồng là 40.000 con. Cũng như các tỉnh, thành khác cả nước, nhiều hộ dân, trang trại chăn nuôi heo ở Hậu Giang đang gặp khó khăn về đầu ra. Tuy mức giá heo hơi đã nhích lên so với tháng trước, nhưng cũng chỉ ở mức 26.000 đồng/kg, người nuôi rất khó khăn vì thua lỗ". Theo ông Đồng, thực hiện theo sự chỉ đạo của Trung ương, Sở NN&PTNT tỉnh đang hoàn chỉnh kế hoạch trình UBND tỉnh hướng dẫn chỉ đạo cho các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường công tác kiểm tra giá cả thị trường tiêu thụ thịt heo; xây dựng các điểm bình ổn giá giúp nông dân, chủ trang trại tiêu thụ sản phẩm.

Nhiều trang trại heo ở Tiền Giang cho heo ăn cầm chừng vì không còn vốn để đầu tư. Ảnh: Khải Ca

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Long An, tổng đàn heo toàn tỉnh khoảng 300.000 con, trong đó khoảng 41.500 con bố mẹ. Lượng heo thịt đang vào lứa xuất bán từ các hộ chăn nuôi và trang trại khoảng 30.000-40.000 con. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây giá heo thịt giảm mạnh và chỉ còn 22.000-26.000 đồng/kg, thấp hơn giá thành sản xuất nên người chăn nuôi thua lỗ nặng. Sở NN&PTNT tỉnh ước tính chỉ trong 4 tháng đầu năm 2017, người chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh đã thua lỗ khoảng 50 tỉ đồng. Còn tại tỉnh Tiền Giang, một trong những địa phương có tổng đàn heo lớn nhất cả nước, lúc cao điểm, tổng đàn lên đến hơn 700.000 con. Chăn nuôi heo còn là thế mạnh kinh tế quan trọng của tỉnh Tiền Giang. Tuy nhiên, đầu ra không thuận lợi thời gian qua, giá heo hơi xuống thấp khiến tổng đàn giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước. Theo thống kê của Sở NN&PTNT Tiền Giang, đàn heo toàn tỉnh hiện còn trên 501.000 con.

Hiện tại, tổng đàn heo của hầu hết các địa phương ĐBSCL đang giảm sau nhiều tháng giá heo hơi tuột dốc không phanh. Tuy nhiên, nghịch lý là giá heo hơi giảm, người nuôi khóc ròng, nhưng giá thịt heo trên thị trường không giảm. Người tiêu dùng phải trả giá cao khi mua thịt, người chăn nuôi lỗ vốn nặng, còn thương lái hưởng lợi nhiều nhất! Giải thích nguyên nhân nghịch lý này, một tiểu thương ở chợ Mỹ Tho, phường 1, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang cho biết, đa số tiểu thương lấy thịt heo qua nhiều khâu trung gian. Thương lái mua heo tại hộ dân, bán lại cho những thương lái lớn hơn, qua khâu giết mổ, vận chuyển đến sạp và bán cho người tiêu dùng. Mỗi khâu như thế, các trung gian đều có lợi nhuận. Giá heo mua tại trang trại 23.000 - 25.000 đồng/kg, chi phí vận chuyển đoạn đường 20-30km với giá 400.000 đồng/chuyến/10 con heo, chi phí giết mổ 60.000 đồng/con. Nếu trọng lượng heo từ 90 - 100 kg/con, tính ra mỗi ký thịt heo thành phẩm cao hơn so với heo xuất bán tại chuồng là 13.000 - 15.000 đồng. Ước tính trong khoảng thời gian ngắn, thương lái, tiểu thương đã lãi 600.000-1.000.000 đồng/con, kể cả khi giá thịt heo trên thị trường có xuống thấp. Một thực tế khác là dù giá heo hơi ở mức thấp, nhiều tiểu thương buôn bán thịt heo tại chợ cũng muốn giảm giá bán thịt heo, nhưng lo ngại nếu hạ giá bán sẽ bị tiểu thương khác cho là phá giá và tẩy chay, thậm chí không thể tiếp tục bán hàng ở chợ nữa.

Cần giải pháp căn cơ

Rõ ràng ngành chăn nuôi heo từ khâu nuôi đến giết mổ, tiêu thụ… đang có rất nhiều vấn đề bất cập phát sinh. Câu chuyện "giải cứu" cho người chăn nuôi đang trở thành tâm điểm thời sự của nhiều địa phương vùng ĐBSCL trong tuần qua. Một số địa phương, người nuôi đã tự giết mổ heo, sau đó bán lại cho bà con hàng xóm, một số địa phương đang tổ chức các điểm bán bình ổn giá,... Nhưng các giải pháp này không thể giải quyết các bất cập, bởi trong nền kinh tế thị trường, quy luật cạnh tranh là điều không tránh khỏi. Theo nhiều chuyên gia, nếu nông sản rớt giá và ngành chức năng vào cuộc để "giải cứu" thì không thể giải quyết dứt điểm các hệ lụy, thậm chí tác dụng ngược, nông dân sẽ "trông chờ" vào các cuộc "giải cứu" và làm triệt tiêu động lực phấn đấu hòa nhập thị trường lớn.

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết, trước tình hình giá heo thấp, Sở cũng khuyến cáo đến hộ chăn nuôi, thải loại bớt những loại heo giống không đạt yêu cầu về trọng lượng, chất lượng; giảm số lượng đàn. Hiện nay, giá thức ăn chăn nuôi heo có giảm so với trước, nhưng người chăn nuôi cần nghiên cứu sử dụng các loại thức ăn với giá thành phù hợp để giảm chi phí đầu tư trong thời gian cầm chừng 1 đến 2 tháng để theo dõi diễn biến thị trường. Sở NN&PTNT đang cùng Sở Công thương đánh giá tổng thể tình hình chăn nuôi heo, giá cả thị trường trên địa bàn tỉnh thời gian qua, để tìm giải pháp giúp hộ chăn nuôi giảm bớt thua lỗ. Trong thời gian hộ dân, trang trại nuôi cầm chừng số lượng đàn heo, Sở kiến nghị với UBND tỉnh hỗ trợ tiêm phòng cho đàn heo để tránh phát sinh bệnh trên đàn heo. Ngoài ra, Hậu Giang chưa phải là địa phương có quy mô nuôi heo lớn, nhưng các bộ, ngành, địa phương cũng phải quy hoạch các vùng chăn nuôi để ngành này phát triển bền vững.

Vừa qua, tỉnh Tiền Giang đã tổ chức hội nghị "giải cứu" người nuôi heo. Trong cuộc hội nghị này, các sở, ngành có liên quan, các chuyên gia; huyện, thị, thành; ngân hàng, công ty thức ăn và người chăn nuôi có dịp trao đổi và bàn luận giải pháp hữu hiệu nhất. Ông Cao Văn Hóa, Quyền Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng: "Biện pháp trước mắt là giảm đàn heo, khôi phục giá heo, giải quyết đầu ra cho chăn nuôi. Về lâu dài, là vấn đề tái cơ cấu ngành chăn nuôi, có giải pháp hợp lý giảm giá thành, nâng sức cạnh tranh trên thị trường". Theo đó, Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang sẽ xây dựng liên kết chuỗi theo hướng dọc và hướng ngang. Chú trọng liên kết giữa người chăn nuôi với người chăn nuôi, giữa người chăn nuôi với doanh nghiệp, để giảm bớt các khâu trung gian, giảm giá thành, hạn chế rủi ro. Hiện tỉnh Tiền Giang có 14 mô hình chăn nuôi liên kết với Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam, quy mô chăn nuôi từ 500-2.200 con heo thịt, tập trung tại huyện Chợ Gạo và Tân Phước. Hình thành tiêu thụ sản phẩm thịt heo thông qua các tư thương nhằm đáp ứng thị trường nội tỉnh khoảng 62%, thị trường ngoại tỉnh 38% tại TP Hồ Chí Minh. Theo ông Cao Văn Hóa, thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục định hướng và tạo mối gắn kết giữa người chăn nuôi cùng doanh nghiệp để mang lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi, phù hợp với xu hướng hội nhập. Tiền Giang hiện còn tồn 52.232 con heo có trọng lượng trên 120kg/con, số lượng heo dự kiến xuất bán trong tháng 5 là 71.552 con và 79.124 con dự kiến xuất bán trong tháng 6-2017.

Trước áp lực giá heo hơi giảm dưới mức giá thành sản xuất làm cho nhiều hộ dân chăn nuôi điêu đứng, thua lỗ… lãnh đạo tỉnh Long An và các sở, ngành liên quan đã có cuộc xúc tiến việc tiêu thụ với Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản - Vissan (Công ty Vissan) và đại diện các tổ hợp tác chăn nuôi heo theo hướng GAHP của Dự án Lifsap. Phó Tổng Giám đốc Công ty Vissan - Nguyễn Đăng Phú cho biết, mỗi ngày, Vissan tiêu thụ 1.500 con heo. Để chia sẻ khó khăn với hộ dân chăn nuôi heo thịt ở tỉnh Long An, Vissan sẽ thu mua thêm khoảng 200 con heo thuộc Dự án Lifsap, phải đạt tiêu chuẩn VietGAP, phải gắn vòng nhận diện và truy xuất nguồn gốc. Ông Phú cho biết thêm: "Nhu cầu 2017 tăng và sản lượng heo thịt Vissan tiêu thụ lên đến 2.000 con/ngày và sẽ tăng thêm 35% vào thời gian tới. Yêu cầu đặt ra cho Long An là cần quy hoạch lại vùng nuôi và hướng người chăn nuôi theo quy trình sản xuất chuẩn VietGAP hoặc cao hơn để có thể cung ứng nguồn heo chất lượng cho nhiều đơn vị khác". Song song với các chuỗi liên kết, nhiều ý kiến cho rằng, cần sự nhập cuộc của các ngân hàng trong cho vay chăn nuôi mới giải quyết căn nguyên của yếu kém trong ngành.

Nhóm PV Kinh tế

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang