• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

"Giải cứu" người nuôi heo: Bài 2: Khâu trung gian "đục nước béo cò"

Nguồn tin: Báo Ấp Bắc, 10/05/2017
Ngày cập nhật: 13/5/2017

Giá heo xuống thấp đồng nghĩa với các sản phẩm thịt heo cũng sẽ giảm theo. Nhưng thực tế, hệ thống thương lái mua heo, tiểu thương bán thịt heo tại các chợ lại chỉ giảm nhỏ giọt. Động thái này đã mang lại cho họ một khoản lợi không nhỏ.

Quyền trong tay thương lái

Sáng 4-5, chúng tôi có mặt tại hộ chăn nuôi Nguyễn Văn Minh, ấp An Lạc Trung, xã Xuân Đông (huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang). Thời điểm này, ông Minh đang tắm cho đàn heo 13 con để chuẩn bị xuất chuồng vào trưa cùng ngày. Sau khi trao đổi với chúng tôi, ông Minh dùng điện thoại gọi cho thương lái mua heo tên Mai để hỏi thời điểm đến bắt heo. Thương lái Mai nói rằng heo đang bị dội nên phải chờ thêm vài ngày nữa. Năn nỉ hồi lâu (vì heo đã đến ngày xuất chuồng, gia đình không còn tiền mua thức ăn), thương lái Mai mới chấp nhận đến chuồng xem heo.

Một điểm bán thịt heo tại chợ Thạnh Trị, phường 4 (TP. Mỹ Tho).

Trưa cùng ngày, thương lái Mai đến xem heo như đã hẹn. Sau khi rảo quanh một vòng chuồng, thương lái Mai nói rằng heo xấu quá, giá đang tuột, đầu ra khó khăn nên chỉ mua với giá 2,3 triệu đồng/tạ nhưng 3 ngày sau mới trả tiền. Ông Minh phân bua: “Heo tôi vừa tạ, cũng đẹp và mấy người ở đây vừa bán 2,7 triệu đồng/tạ mà”. Thương lái Mai lên giọng: “Đó là heo trang trại, còn ông nuôi nhỏ, lẻ, tôi mua giá vậy đó. Được thì chiều đến cân và 3 ngày sau trả tiền, không thì thôi”. Nói xong, thương lái bỏ đi. Ông Minh phải theo năn nỉ và trả giá thêm một lúc mới được thương lái này chấp nhận mua 2,33 triệu đồng/tạ.

Còn gia đình ông Đinh Văn Toàn, ấp Tân Hiệp, xã Tân Phú (TX. Cai Lậy) cũng vừa bán đàn heo 25 con. Ông Toàn cho biết, mỗi con heo lỗ gần 1,5 triệu đồng mà thương lái kỳ kèo mấy ngày mới chịu mua. Từ 2,2 triệu đồng/tạ, ông phải trả giá nhiều lần mới bán được 2,4 triệu đồng/tạ. “Bán lỗ vốn tôi không tức mà chỉ tức thái độ của thương lái. Họ vào xem heo rồi không nói tiếng nào mà bỏ đi. Tôi hỏi lý do vì sao, họ chỉ nói heo xấu, heo đang rẻ, nuôi kiềm lại để chờ giá lên, chứ nguồn heo trong dân rất nhiều, bắt không kịp”- ông Toàn nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những ngày qua, thương lái mua heo dưới 100 kg có giá 27.000 đồng/kg, còn trên 100 kg xuống còn dưới 23.000 đồng/kg. Nhiều hộ chăn nuôi cho biết, người chăn nuôi bán với giá rất thấp, trong khi thương lái lại có lợi nhuận quá cao, có thể lãi trên 1 triệu đồng/con heo trên 1 tạ. Thế nhưng, thực trạng chăn nuôi hiện nay, hệ thống thương lái đang giữ vai trò rất quan trọng trong khâu trung gian tiêu thụ sản phẩm. Chính từ thực trạng này mà thời gian qua ngành chuyên môn đã nỗ lực tìm giải pháp chăn nuôi theo chuỗi nhưng kết quả chưa mấy khả quan. Vì vậy, hiện nay, thương lái vẫn là một “mắt xích” quan trọng trong việc tiêu thụ heo của người chăn nuôi. Và việc thương lái lợi dụng tình hình chăn nuôi heo khó khăn hiện nay để “đục nước béo cò” càng làm cho người chăn nuôi thêm khó khăn.

Tiểu thương lãi lớn

Có một nghịch lý đang diễn ra là mặc dù giá heo hơi đang ở mức trên dưới 25.000 đồng/kg nhưng người tiêu dùng lại không mua được thịt heo với giá rẻ. Ở nhiều chợ, thịt heo vẫn bán giá cao gần gấp đôi so với giá heo xuất chuồng. Theo khảo sát của chúng tôi tại một số chợ trên địa bàn TP. Mỹ Tho, thịt heo ba rọi đang có giá 60.000 đồng/kg, sườn chéo 100.000 đồng/kg, đùi 45.000 đồng/kg, xương ống 30.000 - 35.000 đồng/kg…Với giá này, các tiểu thương đã giảm gần 20.000 đồng/kg so với thời điểm trước đó. Tuy vậy, người tiêu dùng vẫn cho rằng giá này còn cao gấp đôi so với giá người chăn nuôi bán ra. Đang lật qua, lật lại miếng thịt tại một sạp bán thịt heo ở chợ Thạnh Trị, phường 4, bà Hồng Anh ở xã Mỹ Phong nói: “Tôi vừa ra chợ mua 1 kg thịt heo với giá trên 70.000 đồng, trong khi đó giá heo hơi chỉ 22.000 - 23.000 đồng/kg. Cuối cùng, người nuôi lẫn người tiêu dùng đều bị thiệt thòi”.

Lý giải nghịch lý trên, một tiểu thương ở chợ Mỹ Tho cho biết, đa số tiểu thương lấy thịt heo qua nhiều khâu trung gian: Thương lái mua heo từ người chăn nuôi bán lại cho những thương lái lớn hơn, rồi chi phí giết mổ, vận chuyển đến sạp và bán cho người tiêu dùng. Mỗi khâu như thế, trung gian đều có lợi nhuận. “Giá heo mua tại trang trại 23.000 - 25.000 đồng/kg (trọng lượng heo mua từ 90 - 100 kg/con), chi phí vận chuyển một xe heo 10 con khoảng cách 20 - 30 km với giá 400.000 đồng/chuyến, chi phí giết mổ 60.000 đồng/con, tính ra mỗi kg thịt heo thành phẩm cao hơn so với heo tại chuồng từ 13.000 - 15.000 đồng”- tiểu thương này phân tích. Dù vậy, có những điểm bán thịt heo không qua nhiều khâu trung gian nhưng vẫn không thể bán giá thấp hơn mặt bằng chung. Ông Trần Hoàng Nam, chủ sạp thịt heo Nam - Yến ở chợ Thạnh Trị cho biết dù có tổ chức được hệ thống chăn nuôi heo nhưng sạp của ông vẫn phải bán thịt có giá ngang bằng với các sạp khác. Bởi nếu sạp hạ giá sẽ bị coi là bán phá giá và bị tẩy chay, thậm chí không thể tiếp tục bán hàng ở chợ nữa.

Thực trạng này có thể thấy, người chăn nuôi bỏ công sức nhiều nhất nhưng lại hưởng lợi ít nhất. Trong khi hệ thống thương lái, tiểu thương chỉ trong khoảng thời gian ngắn đã thu lãi từ 600.000 - 1.000.000 đồng/con, kể cả khi giá heo xuống rất thấp.

Sĩ Nguyên

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang