• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nuôi bò trên vùng cát

Nguồn tin: Báo Quảng Trị, 09/05/2017
Ngày cập nhật: 11/5/2017

Thực hiện chương trình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng đa dạng hóa, những năm qua chính quyền xã Triệu Vân (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) đã vận động nông dân đưa vào chăn nuôi, trồng trọt nhiều loại cây trồng và vật nuôi đem lại giá trị kinh tế thiết thực. Trong đó, mô hình trồng cỏ nuôi bò nhốt chuồng đã góp phần giúp người nông dân nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững.

Mô hình trồng cỏ nuôi bò ở Triệu Vân, Triệu Phong

Sống ở vùng cát bãi ngang nên việc phát triển kinh tế của gia đình ông Hoàng Văn Hiệu ở tại thôn Sinh Thái (xã Triệu Vân) gặp rất nhiều khó khăn. Quanh năm gia đình ông Hiệu tảo tần với gần 10 sào đất cát trồng các loại cây rau màu như khoai lang, sắn, đậu các loại… nhưng hiệu quả kinh tế đem lại rất thấp. Thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng, vật nuôi của UBND xã, gia đình ông Hiệu đã chuyển gần 3 sào đất cát sang trồng cỏ để nuôi bò nhốt chuồng. Theo ông Hiệu, trước đây khi nuôi theo hướng bán chăn thả, tận dụng nguồn cỏ tự nhiên sẵn có ở địa phương, bò thường chậm lớn, hay bị các bệnh như đầy bụng chướng hơi, tiêu chảy… do nguồn thức ăn không đảm bảo, trung bình mỗi con phải nuôi gần 2 năm mới có thể xuất bán được. Từ khi chuyển sang mô hình trồng cỏ nuôi bò nhốt chuồng ông thấy bò phát triển rất nhanh.

Ông Hiệu chia sẻ: “Việc trồng cỏ nuôi bò nhốt chuồng đem lại lợi ích nhiều mặt. Thứ nhất là đỡ mất công đi cắt cỏ, thứ hai là bảo đảm được nguồn cỏ sạch và chất lượng. Hơn nữa cỏ khi trồng tốt rồi thì thu hoạch quanh năm, cứ cắt cuốn chiếu khoảng 15 - 20 ngày sau là có cỏ để cắt lại. Hiệu quả kinh tế từ mô hình này đem lại rất cao. Chỉ với 3 sào cỏ này là đã đủ cỏ cho đàn bò. Cỏ lại có chất lượng tốt, bò rất thích ăn và phát triển rất nhanh”. Hiện nay bình quân mỗi lứa ông Hiệu nuôi từ 6 - 9 con bò lai Zebu, lúc cao từ 12 - 15 con/lứa, hàng năm mang lại thu nhập từ 80 - 100 triệu đồng.

Trao đổi với chúng tôi ông Hồ Xuân Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Vân cho biết: “Hiện nay trên địa bàn xã Triệu Vân có hơn 200 hộ gia đình nuôi bò trên cát với tổng đàn bò gần 530 con, trong đó có khoảng 10 hộ nuôi trên 10 con, 30 hộ nuôi trên 6 con… Tuy nhiên hầu hết người dân nuôi theo hướng bán chăn thả, tận dụng nguồn cỏ tự nhiên có sẵn ở địa phương. Trong điều kiện các đồng cỏ tự nhiên ngày càng cạn kiệt, thực hiện đề án chuyển đổi kinh tế vùng cát sau sự cố ô nhiễm môi trường biển, UBND xã đã tiến hành quy hoạch đất để xây dựng 8 mô hình trồng cỏ nuôi bò nhốt chuồng. Để thực hiện tốt mô hình này bên cạnh việc hỗ trợ mỗi hộ từ 10 - 25 triệu đồng, UBND xã còn phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Trạm Khuyến nông huyện mở các lớp hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi bò trên vùng cát. Đồng thời các cán bộ khuyến nông và cán bộ tăng cường của Sở Nông nghiệp-PTNT cũng trực tiếp về tận địa phương hướng dẫn người dân về cách trồng cỏ, làm chuồng trại, chăm sóc phòng trị bệnh cho bò”.

Theo kỹ sư Phạm Hữu Cường, cán bộ tăng cường của Sở Nông nghiệp- PTNT, thay vì sử dụng các giống cỏ như cỏ voi, cỏ sả… khi bắt đầu triển khai mô hình trồng cỏ nuôi bò nhốt chuồng anh đã cùng với chính quyền địa phương lựa chọn giống cỏ Superdan đưa vào trồng thử nghiệm tại các mô hình này. Theo anh Cường, đây là giống cỏ dễ trồng, dễ chăm sóc tốt, năng suất cao (35 - 40 tấn/ha/lần cắt), chất lượng tốt (hàm lượng đạm đạt 12 - 18%, đạt 20% khi cây cao 1m), thích hợp cho nhiều loại gia súc, đặc biệt là chăn nuôi bò dưới dạng ăn tươi, phơi khô dự trữ hoặc ủ chua lên men. Cỏ Superdan phát triển rất nhanh, sau khi gieo khoảng 5 tuần là có thể cho thu hoạch, khả năng tái sinh nhanh (20 - 25 ngày/lứa cắt) nên cho sản lượng rất cao, từ 250 - 400 tấn/ha/năm.

Ông Đức cho biết thêm, trong thời gian tới UBND xã sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân triển khai các mô hình như sử dụng chế phẩm EM, urê để ủ thức ăn, chăn nuôi trên đệm lót sinh học, xây dựng hầm biogas để xử lý môi trường chăn nuôi... hướng đến chăn nuôi an toàn sinh học và bền vững. Bên cạnh đó ông Đức cũng kiến nghị để việc chăn nuôi bò trên vùng cát đem lại hiệu quả cao, các ngành chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác cải tạo chất lượng nguồn giống đàn bò, quản lý chặt chẽ công tác thú y, đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh… có như vậy người chăn nuôi mới yên tâm sản xuất.

Thục Quyên

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang