• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Hiệu quả từ mô hình nuôi ong mật

Nguồn tin: Báo Bắc Ninh, 04/05/2017
Ngày cập nhật: 7/5/2017

Mô hình nuôi ong mật của ông Nguyễn Quang Hường, thôn Cao Thọ, xã Vạn Ninh (Gia Bình, Bắc Ninh) mỗi năm cho thu nhập hơn 150 triệu đồng từ sản phẩm ong mật, nhờ có đầu ra ổn định, giá cao.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hường cho biết: “Trước khi đến với nghề nuôi ong, tôi đã làm đủ thứ nghề mưu sinh, từ trồng trọt, chăn nuôi cho đến làm phụ hồ. Mặc dù rất cố gắng nhưng với việc làm ăn manh mún, chăn nuôi nhỏ lẻ nên đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn. Được sự tư vấn của cán bộ khuyến nông xã và qua tìm hiểu thực tế, năm 2012, tôi đã nuôi thử nghiệm 3 đàn ong mật với số vốn 3 triệu đồng. Thời điểm bắt đầu nuôi, do chưa có nhiều kinh nghiệm, hiểu biết về kỹ thuật nuôi và chăm sóc ong nên một số đàn ong bay mất, một số đàn bị chết do mắc bệnh gây thiệt hại không nhỏ. Không nản chí, tôi lặn lội nhiều nơi tìm đến các hộ nuôi ong ở địa phương khác học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, đồng thời tham khảo tài liệu, sách, báo. Bên cạnh đó, còn được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc ong. Có kiến thức trong tay tôi mua tiếp 2 đàn ong gây lại từ đầu, nhờ vậy đàn ong của gia đình sinh trưởng, phát triển đều đặn.

Đến nay, gia đình ông Hường đã có hơn 150 đàn ong. Tùy thuộc vào mùa vụ và thời tiết, lượng hoa mà trung bình một năm thu từ 1,7-2 tấn mật ong, bán với giá từ 180-200 nghìn đồng/lít. Trừ chi phí thì cho gia đình ông thu nhập từ 150-170 triệu đồng.

Sau một thời gian dài tích lũy kinh nghiệm, ông nhận thấy nuôi ong lấy mật khá đơn giản, không khó nhưng đòi hỏi người nuôi phải khéo léo, tỷ mỉ. Hơn nữa người nuôi cần phải am hiểu về đặc tính của chúng như xây tổ, chia đàn, am hiểu về các loài hoa, mùa hoa nở, mùa ong đi lấy mật, biết cách luân chuyển đàn ong tìm kiếm những nơi có nguồn mật hoa dồi dào. Để tăng đàn ong, cứ cách khoảng 2 năm tiến hành thay giống ong chúa đã già một lần, thường xuyên vệ sinh thùng, gỗ đóng thùng nên chọn gỗ không mùi như sung, gạo, sau sau… Mùa đông che chắn cẩn thận, không để ong bị lạnh, không để mưa, thấm ướt vào thùng. Mỗi thùng để khoảng 3-4 cầu ong đến mùa xuân mật hoa nhiều hơn thì để 6 cầu ong.

Để chống đói cho đàn ong trong mùa đông, ông đã cho ăn đường, ủ ấm cho ong, hết mùa hoa nhãn, vải ông di chuyển đàn ong đến thôn An Lĩnh (xã Lê Lợi, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) nơi đây có nguồn mật hoa dồi dào cho ong lấy mật như hoa bạch đàn, keo, hoa rừng… Để nguồn ong quay được tốt, mật ong được nhiều người ưa chuộng, ông thường xuyên di chuyển đàn ong đi để cho ong có nguồn thức ăn liên tục.

Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi ong, ông Hường cho biết: “Điều quan trọng nhất trong quá trình nuôi ong là chọn ong chúa. Nếu ong chúa khỏe mạnh thì cả đàn ong và những lứa sau sẽ khỏe mạnh, cho lượng mật nhiều. Tiếp theo là nguồn phấn hoa phải là hoa nhãn, hoa táo và từ các loại hoa rừng khác… như vậy sẽ cho chất lượng mật ong tốt. Việc phòng, chống bệnh cho ong cũng được đặt lên hàng đầu. Tuy nghề nuôi ong mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng đây cũng là nghề khá vất vả, đòi hỏi sự chăm chỉ, chịu khó. Do đàn ong sống trong một quần thể lớn, bay rất nhiều nơi để kiếm phấn hoa nên khả năng nhiễm và lây lan bệnh rất cao nhất là mùa hoa vải, nhãn người dân sử dụng thuốc BVTV nhiều. Khi bệnh phát ra, rất khó kiểm soát sự lây lan giữa các cá thể ong với nhau. Bệnh dịch có thể tiêu diệt một, thậm chí là nhiều đàn ong một cách nhanh chóng. Do đó, việc phòng bệnh cho ong là hết sức quan trọng. Chính vì vậy, người nuôi ong phải biết cách chăm sóc, tỉ mỉ thì mới có những đàn ong tốt, cho năng suất và sản lượng mật lớn”.

Với niềm say mê lao động, gia đình ông Nguyễn Quang Hường hiện nay đã trở thành một trong những hộ nuôi ong tiêu biểu tại xã Vạn Ninh, là một tấm gương tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế để người dân học tập và làm theo.

Huyền Dịu (Trung tâm Khuyến nông)

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang