• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Thanh Hóa: Nhộn nhịp mùa con ong lấy mật

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa, 02/05/2017
Ngày cập nhật: 5/5/2017

Mô hình nuôi ong của gia đình anh Phạm Đắc Hà, thị trấn Cẩm Thủy cho hiệu quả kinh tế khá.

Những năm gần đây, với lợi thế về địa hình và điều kiện thời tiết, cộng với diện tích rừng lớn nên nghề nuôi ong lấy mật ở tỉnh Thanh Hóa phát triển khá mạnh. Nhiều gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhờ biết đầu tư vào nuôi ong.

Thời điểm tháng 3 âm lịch hàng năm, là lúc “vào mùa” của những hộ nuôi ong, trên các vườn trại ở nhiều địa phương trong tỉnh lại râm ran tiếng ong mật đua nhau tìm hoa làm mật. Nhờ nuôi ong, nhiều gia đình đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Gia đình ông Nguyễn Đức Nhuận, ở xã Thạch Sơn (Thạch Thành, Thanh Hóa) hiện đang nuôi 180 đàn ong, mỗi năm cho thu nhập gần 80 triệu đồng. Ông Nhuận cho biết: Làm trang trại đồi rừng kết hợp với nuôi ong lấy mật rất tiện lợi và kinh tế vì có thể khai thác được nguồn nguyên liệu tự nhiên của hoa rừng. Gia đình ông đang tiếp tục nhân đàn để nâng cao thu nhập hơn nữa.

Gia đình anh Phạm Đắc Hà, ở tổ 7, thị trấn Cẩm Thủy (Cẩm Thủy) cũng là một trong những người có thâm niên nuôi ong. Gia đình anh nuôi từ 600 đến 800 đàn ong. Theo anh Hà, nuôi ong không khó, kỹ thuật cũng hết sức đơn giản, mà thu nhập cũng khá cao. Một năm anh thu được từ 1.000 – 1.200 lít mật ong, bán với giá 150.000 đồng - 180.000 đồng/1 lít. Sau vụ mật chính, người nuôi có thể tiến hành nhân giống đàn ong, mỗi năm gia đình anh Hà bán từ 400 - 500 đàn ong giống với giá từ 350.000 đồng - 550.000 đồng/1 đàn. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh Hà thu lãi hơn 200 triệu đồng từ nuôi ong.

Tính đến trung tuần tháng 4-2017, toàn tỉnh có 16.600 đàn ong. Trong đó, huyện Thạch Thành có số đàn ong nhiều nhất với 4.680 đàn; các xã có nghề nuôi ong phát triển như, Thành Kim 800 đàn, Thành Tâm 670 đàn, Thành Yên 500 đàn... Các huyện khác cũng phát triển đàn ong với số lượng lớn, như: Cẩm Thủy 3.500 đàn; Thọ Xuân 3.300 đàn; thị xã Bỉm Sơn 1.400 đàn... Các sản phẩm từ ong rất đa dạng, như: Mật ong phấn hoa, sáp ong, nọc ong, keo ong, ong chúa, sữa ong chúa, nhộng ong, ong thợ... Tìm hiểu tại nhiều hộ nuôi ong cho thấy, với vốn đầu tư ban đầu từ 3 đến 6 triệu đồng, người dân có thể nhận được từ 5 đến 10 đàn ong, sau 3-4 tháng nuôi, mỗi đàn thu được 1,5-2 kg mật. Như vậy, mỗi năm lợi nhuận từ 3,5 đến 4 triệu đồng. Hiện nay, ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh, phong trào nuôi ong phát triển sâu rộng, đã có hàng chục câu lạc bộ nuôi ong với số thành viên lên đến hàng trăm người. Nhiều câu lạc bộ nuôi ong có những hoạt động thiết thực, như thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm nhằm trao đổi cách phòng, chữa bệnh cho ong, thông tin cho nhau về thị trường, tiêu thụ sản phẩm, hướng dẫn tham quan, học tập mô hình có hiệu quả. Đồng thời, giúp các hộ có nhu cầu vay vốn để phát triển đàn ong... nhờ đó hội viên được tích lũy kinh nghiệm, có thêm kiến thức kỹ thuật để áp dụng vào mô hình sản xuất của gia đình.

Có thể thấy, nghề nuôi ong lấy mật ngày càng khẳng định hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, thực tế đến nay, phần lớn các hộ nuôi ong lấy mật trên địa bàn tỉnh ta vẫn dừng lại ở quy mô nhỏ lẻ, tự phát. Các sản phẩm từ ong có chất lượng tốt song lại chưa có được thị trường tiêu thụ ổn định. Do đó, các hộ nuôi ong đều có chung mong muốn là được sự quan tâm nhiều hơn nữa của các cấp, các ngành trong việc đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật; phổ biến kiến thức nuôi ong hiệu quả; có chính sách quảng bá sản phẩm từ ong rộng rãi, tạo dựng thương hiệu mật ong cho các địa phương. Như vậy, nghề nuôi ong lấy mật mới thực sự có điều kiện phát triển bền vững, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.

Lương Khánh

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang