• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Vĩnh Thạnh: Sắp xếp lại sản xuất, ổn định nghề chăn nuôi heo

Nguồn tin: Báo Cần Thơ, 30/04/2017
Ngày cập nhật: 4/5/2017

Với tổng đàn gần 40.000 con, chăn nuôi heo là ngành kinh tế chủ lực thứ hai (sau cây lúa) của huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ. Tuy nhiên, nhiều tháng nay, giá heo hơi liên tục ở mức thấp kỷ lục, khiến hộ chăn nuôi heo ở Vĩnh Thạnh thua lỗ. Trước tình hình này, ngành chức năng và người chăn nuôi đã và đang tổ chức sắp xếp lại sản xuất, tìm đầu ra để ổn định nghề nuôi heo của địa phương.

Mô hình chăn nuôi heo của anh Nguyễn Ngọc Khánh ở xã Thạnh An.

Hơn 10 năm chăn nuôi heo, chưa bao giờ anh Nguyễn Ngọc Khánh ở ấp E1, xã Thạnh An lại chứng kiến giá heo hơi sụt giảm mạnh như từ cuối năm 2016 đến nay. Gia đình anh đầu tư chuồng trại khá kiên cố với khoảng 100m2, bao giờ trong chuồng cũng có từ 8-10 con heo sinh sản và hơn 150 con heo thịt. Đầu năm 2017, anh xuất bán 35 con heo thịt giá 28.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí anh lỗ hơn 24 triệu đồng. Mới đây anh tiếp tục cân 40 con heo thịt với giá 30.000 đồng/kg, lỗ khoảng 25 triệu đồng. Anh nói: "Từ trước đến giờ ngoài sản xuất lúa, gia đình có thêm việc làm từ nghề nuôi heo để trang trải cuộc sống, lợi nhuận mỗi năm khoảng 50 – 60 triệu đồng. Từ hôm trước Tết Nguyên đán 2017 tới nay, bán đợt nào cũng lỗ từ 500.000 – 700.000 đồng/con". Anh Phạm Bắc Hải ở ấp E1 xuất bán 70 con heo lỗ hơn 50 triệu đồng. Hiện tại trong chuồng còn khoảng 160 con heo lứa, dự kiến một tháng nữa là xuất chuồng, trong đó có 60 con từ 80 – 90kg. Nhưng giá heo vẫn đang ở mức thấp, từ 30.000-31.000 đồng/kg. Anh Hải cho rằng, đợt xuất chuồng sắp tới chắc chắn sẽ tiếp tục lỗ.

Ông Nguyễn Văn Phán, Trưởng ấp E1, xã Thạnh An, cho biết: "Toàn ấp E1 có khoảng 600 hộ dân thì có đến hơn 500 hộ có chuồng nuôi heo. Hộ nuôi ít nhất từ vài chục con, hộ nuôi nhiều từ 200-300 con. Đây được xem là một trong những ngành nghề phổ biến của địa phương. Thế nhưng nhiều tháng qua do giá heo xuống thấp, người chăn nuôi liên tục bị thua lỗ". Ông Lê Văn Sỹ, Chủ tịch UBND xã Thạnh An cũng nhìn nhận: "Do giá heo hơi sụt giảm mạnh người chăn nuôi đang gặp khó, từ đó ảnh hưởng đến thu nhập và quá trình phát triển kinh tế địa phương".

Huyện Vĩnh Thạnh có tổng đàn heo gần 40.000 con, tập trung chủ yếu ở các xã Thạnh An, Thạnh Thắng, Thạnh Lợi và thị trấn Thạnh An. Bà con chăn nuôi theo hình thức hộ gia đình có quy mô từ vài chục con đến vài trăm con. Những năm qua, giá cả heo hơi ổn định, đảm bảo lợi nhuận, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư mở rộng chuồng trại, tăng tổng đàn. Chị Nguyễn Thị Tố Hạ, ấp E2 xã Thạnh Lợi, nói: "Bây giờ tình hình chăn nuôi khó khăn, để bớt lỗ, chúng tôi chỉ còn cách tự nuôi heo sinh sản để nhân giống góp phần giảm chi phí".

Giúp nông dân tháo gỡ khó khăn, huyện Vĩnh Thạnh chủ trương thành lập các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) trong chăn nuôi nhằm liên kết trong sản xuất và tiêu thụ. Ông Lê Văn Sỹ, Chủ tịch UBND xã Thạnh An nói: "Xã đã chỉ đạo các ban, ngành phối hợp với các đoàn thể vận động hội viên thành lập các THT trong chăn nuôi, thường xuyên tổ chức sinh hoạt chia sẻ kinh nghiệm trong chăm sóc, phòng bệnh và nhân giống để không chỉ giảm chi phí mà còn tăng chất lượng đàn vật nuôi". Ông Trần Đình Triệu, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Lợi, cho biết: "Xã đã chủ động rà soát các hộ chăn nuôi có quy mô từ 50 con trở lên để tập hợp lại thành lập HTX chăn nuôi heo. Trước mắt, Thạnh Lợi chọn ấp E2 làm điểm thực hiện mô hình này. Bà con rất phấn khởi đăng ký tham gia. Xã cũng đã phân công cán bộ hỗ trợ bà con xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất kinh doanh để HTX sớm ra mắt và đi vào hoạt động".

Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Trưởng phòng Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: "Ngành chăn nuôi ở huyện Vĩnh Thạnh phát triển từ nhiều năm qua và trở thành ngành nghề truyền thống của địa phương. Nhưng sản xuất vẫn còn nhỏ lẻ, chủ yếu theo hình thức hộ gia đình, chưa có trang trại tập trung theo quy mô lớn. Trước những khó khăn, bất lợi của thị trường, chỉ có thành lập THT hoặc HTX mới giúp ngành chăn nuôi phát triển bền vững. Vì liên kết trong sản xuất thời gian qua ở lĩnh vực sản xuất lúa đã bước đầu phát huy được hiệu quả, để nhân rộng mô hình này, Phòng NN&PTNT sẽ phối hợp với các xã, thị trấn hỗ trợ bà con thành lập các THT, HTX. Đồng thời tổ chức tập huấn, hướng dẫn người chăn nuôi kiểm soát quy trình sản xuất, đảm bảo tạo ra sản phẩm sạch, đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và giảm được chi phí trong chăn nuôi,… Phòng NN&PTNT sẽ tích cực làm cầu nối giới thiệu các công ty, doanh nghiệp chuyên cung ứng thức ăn, thuốc thú y và chế biến thực phẩm đến hợp tác làm ăn với bà con". Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Hiền, để giúp ngành chăn nuôi nói chung phát triển bền vững, rất cần Chính phủ và các bộ ngành hữu quan có những chính sách cụ thể về xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ.

Minh Hải

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang