• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Khó khăn quản lý thuốc thú y

Nguồn tin: Hà Nội Mới, 26/04/2017
Ngày cập nhật: 28/4/2017

Do quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, chăm sóc theo kinh nghiệm là chính, nên nhiều trang trại, nông hộ vẫn tự ý mua thuốc kháng sinh về chữa bệnh cho vật nuôi. Hơn nữa, công tác quản lý thuốc thú y ở một số nơi bị thả nổi, thậm chí một số cơ sở kinh doanh thuốc thú y ngoài danh mục, hết hạn sử dụng... là những khó khăn chưa được tháo gỡ.

Lực lượng chức năng kiểm tra một cửa hàng kinh doanh thuốc thú y tại phường Liên Bảo (TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc). Ảnh: Trường Khanh

Bất cập và tùy tiện

Theo quy định, khi vật nuôi mắc bệnh phải có bác sĩ thú y chẩn đoán, xác định rõ nguồn bệnh để sử dụng thuốc phù hợp. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, đa số người dân vẫn tự ý mua thuốc kháng sinh về trị bệnh cho vật nuôi theo kinh nghiệm. Trao đổi về vấn đề này, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: Việc sử dụng kháng sinh tùy tiện đang phổ biến ở trang trại và nông hộ, dẫn đến tốn kém tiền bạc cho hộ gia đình vì chi phí thuốc thú y tương đối cao mà hiệu quả vẫn thấp. Đặc biệt, việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi bừa bãi diễn ra từ khi vật nuôi còn nhỏ đến khi xuất bán, không theo nguyên tắc hướng dẫn. Mặt khác, một số người dân chưa qua đào tạo chuyên ngành thú y, nhưng bằng kinh nghiệm vẫn nhiệt tình chữa bệnh cho vật nuôi...

Việc quản lý nhà nước về thuốc thú y tại cơ sở cũng gặp khó khăn. Theo Hội Thuốc thú y Việt Nam, cả nước có 58 công ty sản xuất, phân phối với 6.768 loại thuốc có trong danh mục thuốc thú y được phép lưu hành và hơn 3.000 loại thuốc của 40 nước nhập khẩu. Mỗi tỉnh có khoảng 200 cửa hàng thuốc thú y, nhưng quy mô nhỏ lẻ nên chưa quản lý được các loại thuốc được phép lưu hành. Vì vậy, theo khảo sát của Hội Thuốc thú y Việt Nam, hiện có hơn 60% cửa hàng bán các loại hóa chất, kháng sinh thuộc danh mục cấm sử dụng và hạn chế sử dụng; việc dán, đính nhãn tem phụ nhập khẩu của một số doanh nghiệp chưa thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Cục Thú y đã cập nhật các loại thuốc, vắc xin được phép lưu hành tại Việt Nam, nhưng các cơ sở hầu như chưa nắm rõ được vấn đề này, nên vẫn còn tình trạng người dân sử dụng vắc xin ngoài danh mục.

Về vấn đề này, Phó Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Thị Hằng cho biết, qua kiểm tra thực tế ở cửa hàng thuốc thú y trên địa bàn thành phố cho thấy, đối với cơ sở quy mô nhỏ, chưa bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, thiết bị sản xuất lạc hậu, dẫn tới chất lượng thuốc chưa đạt chuẩn. Một số cửa hàng còn bán thuốc hết hạn sử dụng, ngoài danh mục... Từ đầu năm 2017 đến nay, Thanh tra Sở đã xử phạt hơn 10 cơ sở kinh doanh thuốc thú y vi phạm quy định về tem nhãn, chất lượng.

Kiểm soát chặt chẽ từ sản xuất tới tiêu thụ

Trước thực trạng trên, mặc dù các ngành chức năng đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng nhưng mới dừng ở xử phạt hành chính, chưa đủ sức răn đe, thậm chí như "bắt cóc bỏ đĩa"... Vì vậy, để công tác quản lý thuốc thú y đạt hiệu quả, các cơ quan chức năng cần tăng cường rà soát, kiên quyết loại bỏ thuốc thú y kém chất lượng, xử phạt nghiêm những cơ sở kinh doanh thuốc vi phạm. Bên cạnh đó, cần nâng cao kiến thức cho thú y viên cơ sở để họ có đủ điều kiện hành nghề và tư vấn cho người dân trong điều trị bệnh trên vật nuôi.

Ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho rằng, nên chú trọng tuyên truyền để người chăn nuôi nâng cao kiến thức, kỹ năng nhận biết các loại bệnh trên vật nuôi và điều trị đúng cách, dùng thuốc phù hợp, tránh tình trạng "tiền mất tật mang" và ảnh hưởng tới chất lượng thực phẩm do tồn dư kháng sinh...

Hiện nay việc quản lý thuốc thú y ở cơ sở còn nhiều bất cập, vì vậy, các cơ quan chức năng cần phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra các đại lý thuốc thú y ở xã, phường, thị trấn, yêu cầu chủ kinh doanh chấp hành đầy đủ các điều kiện về kinh doanh thuốc thú y, nếu phát hiện vi phạm, cần có hình thức xử phạt nghiêm minh và tiêu hủy theo quy định. Đối với cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, cần siết chặt hơn nữa quy trình sản xuất, nguyên liệu đầu vào.

Việc quản lý, sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc thú y cho đàn gia súc, gia cầm là điều cần thiết trong chăn nuôi. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả như mong muốn rất cần sự nỗ lực từ nhiều phía: Người chăn nuôi, nhà sản xuất - kinh doanh thuốc thú y và cơ quan quản lý, các ngành chức năng liên quan... Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng tạo nền tảng cho ngành Chăn nuôi phát triển bền vững.

Ngọc Quỳnh

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang