• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Từ ruộng sâu đến làm giàu trên đồng cạn

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng, 25/04/2017
Ngày cập nhật: 26/4/2017

Bà Tạ Thị Loan (thôn 10, xã Đại Lào, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) là một hộ nông dân sản xuất giỏi của địa phương. Từ một hộ nghèo phải vay vốn của Ngân hàng Chính sách để chăn nuôi bò, đến nay, bà đã phát triển đàn bò sữa rất tốt với số lượng hơn 30 con, cho thu nhập bình quân mỗi tháng khoảng 600 triệu đồng. Gia đình bà cũng là một trong những điển hình giúp đỡ bà con lối xóm cùng phát triển kinh tế gia đình. Thế nhưng, ít ai biết được rằng để có được như ngày hôm nay, bà đã cùng chồng trải qua một giai đoạn rất vất vả, cùng cực.

Bà Tạ Thị Loan băm cỏ cho đàn bò sữa ăn. Ảnh: Đông Anh

Đi kinh tế mới từ cuối những năm 80, vợ chồng bà Tạ Thị Loan và ông Lê Đức Thọ đã gặp vô vàn khó khăn khi lập nghiệp trên vùng đất thuộc Nông trường B’Lao Srê (xã Đại Lào, TP Bảo Lộc). Ông vào trước bà một năm rồi hai người cùng nên vợ nên chồng trên vùng đất mới này. Cả hai vợ chồng đều làm công nhân nhận khoán đất của Nông trường để trồng dâu, nuôi tằm. Thế nhưng, với tập tục trồng lúa nước từ vùng quê nhà Thái Thụy (Thái Bình) nên cả hai không quen với việc trồng dâu, nuôi tằm. Năm nào, sản lượng đóng cho Nông trường đều không đủ nên càng làm càng nợ. Bà Tạ Thị Loan nhớ lại: “Ngày mới vào, Nông trường chia đất cho làm nhà, giao đất cho trồng dâu, nuôi tằm. Gần 10 năm làm việc cho nông trường, đến năm 2008, khi Nông trường giải thể thì số nợ của gia đình cũng lên đến 23 triệu đồng. Người dân quê như chúng tôi khi thấy số nợ ngày càng nhiều nên rất sợ. Vì vậy, chúng tôi trả đất lại cho Nông trường, bán đất vườn cà phê tự khai hoang trước đó để trả nợ. Lúc này, cuộc sống khó khăn càng thêm khó khăn. Hai vợ chồng, hai đứa con nhỏ chỉ trông chờ vào mấy sào cà phê. Bữa đói, bữa no. Cả nhà chủ yếu ăn cơm trắng với rau hái được quanh nhà. Bữa nào mua được ít cá khô thì về kho với lá mì để ăn. Ăn hết lá mì vẫn chưa dám ăn đến cá. Nhiều khi cùng cực muốn trở về quê nhà lại. Giờ ngẫm lại thì phải có đến một nửa số người đi kinh tế mới cùng mình đợt đó đã phải bỏ đất trở về quê”.

Đất vườn không đủ sống, ông bà lại đi làm thêm, làm mướn để có thêm thu nhập trang trải kinh tế gia đình. Nhiều năm, gia đình luôn được xếp vào diện hộ nghèo của xã. Đến năm 2009, một lần được đi tham quan mô hình chăn nuôi bò sữa của một hộ dân trong xã, bà Loan nhen nhóm ý định cũng nuôi bò sữa. Thế nhưng, khó khăn lúc đó là về vốn để mua bò, về kỹ thuật chăm sóc bò sữa mà trước đây bà chưa từng biết. Tham khảo ý kiến nhiều người, bà quyết định mua 4 con bê để về gầy đàn. Giá trị của 4 con bê lúc này là 60 triệu đồng, bà được Ngân hàng Chính sách cho vay 10 triệu đồng theo diện hộ nghèo, số còn lại thì vay mượn bà con lối xóm. Có bò rồi nhưng lại chưa có chuồng, bà lại cầm sổ đất để vay ngân hàng 30 triệu đồng làm chuồng.

“Chăn nuôi bò sữa vào thời điểm đó chủ yếu là do mình tự phát nên mọi thứ rất khó khăn. Không có đồng cỏ để cho bò ăn nên phải đi cắt cỏ bên ngoài. Lắm khi gặp đám cỏ bị nhiễm thuốc trừ sâu thì bò lại lăn ra đau bệnh. Không có kỹ thuật chăm sóc nên bò bệnh nặng, bệnh nhẹ gì cũng phải gọi thú y đến chữa trị. Chuồng trại lại không đầu tư bài bản, không có máy vắt sữa như bây giờ nên phải vắt tay, lượng sữa thu được vừa ít vừa gây viêm vú cho bò” - bà Loan chia sẻ khó khăn của những ngày đầu mới bắt đầu nuôi bò sữa. Lâu dần, bà được tham gia nhiều lớp tập huấn khoa học kỹ thuật nên bây giờ bà đã chở thành “chuyên gia” nuôi bò sữa. Bà có thể nhìn bò bắt bệnh, rồi tự mua thuốc chữa bệnh. Bà có thể tự đỡ đẻ cho bò, chăm sóc bò với những kỹ thuật học được để cho lượng sữa nhiều nhưng vẫn đảm bảo độ khô, độ béo và hàm lượng soma. Đến nay, nhờ chất lượng sữa cao nên luôn được công ty thu mua với giá cao “kịch trần”.

Hiện tại, gia đình bà Loan đã xây dựng hai khu chuồng trại đảm bảo vệ sinh với tổng đàn bò là 31 con; trong đó, có 11 con đang cho sữa. Bình quân mỗi ngày bà thu được hơn 2 tạ sữa bán với giá 14.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, bà còn lại khoảng 2 triệu đồng/ngày. Để đảm bảo đồng cỏ phục vụ chăn nuôi, bà đang tiếp tục trồng mới 3 sào cỏ, nâng tổng diện tích đồng cỏ của gia đình lên 1,8 ha. Bà Loan cho biết: “Đối với những người có ý định hoặc mới bắt đầu nuôi bò sữa thì cần đảm bảo các yếu tố về đồng cỏ, chuồng trại và con giống. Bắt buộc người nuôi bò sữa phải có đồng cỏ cho riêng mình thì mới đảm bảo được nguồn thức ăn an toàn cho bò. Chuồng trại phải được đầu tư đúng kỹ thuật, thoáng mát để tránh bệnh cho bò. Con giống cần mua nơi có uy tín, rõ nguồn gốc mới đảm bảo cho sự sinh trưởng và sản lượng sữa sau này”.

Còn theo ông Lê Đức Thọ, chồng bà Loan, đồng cỏ của gia đình chủ yếu được tưới bằng nước phân từ hầm biogas tận dụng từ phân bò nên rất tươi tốt và đảm bảo an toàn. Quy trình trồng cỏ, chăm sóc, thu hoạch sữa đều phải đảm bảo theo yêu cầu của đơn vị ký hợp đồng thu mua sữa là Công ty Vinamilk. Nhờ có hợp đồng tiêu thụ sữa được ký kết nên những khi thị trường sữa giảm sút thì nguồn tiêu thụ của gia đình vẫn được đảm bảo.

Từng trải qua thời kỳ khó khăn nên bà thông hiểu và thường hay giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Đến nay, bà đã giúp cho 6 hộ gia đình mua bê thiếu, khi nào nuôi có hiệu quả thì mới trả lại tiền cho bà. Bà cũng thường xuyên giúp người mới bắt đầu nuôi bò về kỹ thuật, mà theo lời bà nói, không cần người ta hỏi, chỉ cần thấy bò gia đình đó có biểu hiện bệnh là mình nói ngay để họ chữa, hay chỉ dẫn cho họ những kỹ thuật giúp bò khỏe, cho năng suất và chất lượng sữa cao. Năm 2016, bà Loan được UBND tỉnh Lâm Đồng tặng bằng khen vì những thành tích trong phong trào thi đua yêu nước. Nói về những dự định sắp tới, bà Loan cho biết sẽ tiếp tục giữ ổn định số lượng đàn bò sữa. Bà cũng dự định “thử sức” với một số cây, con mới như: trồng mắc ca, nuôi hươu lấy nhung, nuôi yến.

Đông Anh

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang