• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Cần khoanh nợ, giảm nợ cho người chăn nuôi heo

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng, 21/04/2017
Ngày cập nhật: 22/4/2017

Năm 2015, chăn nuôi heo từng tạo nên thu nhập cao cho bà con nông dân, thì giờ đây chính heo lại đẩy nhiều bà con nông dân vào đường cùng. Từ nửa cuối năm 2016 đến nay, giá heo thấp thảm hại, không cách nào vực dậy. Nhiều hộ chăn nuôi heo tại Đồng Nai - thủ phủ ngành chăn nuôi heo cả nước, đang đổ nợ vì con số lãi ngân hàng ngày càng tăng nhưng không có thu nhập để trả nợ.

Nhiều chủ trang trại heo “treo” chuồng

Đổ nợ vì heo

Đến khu vực huyện Thống Nhất, thị xã Long Khánh, huyện Xuân Lộc - địa phương nuôi heo nhiều nhất tỉnh Đồng Nai, hầu như đều nghe chuyện buồn vì heo rớt giá. Nhiều nơi treo bảng bán đất, bán nhà để trả nợ cám, nợ ngân hàng, nhiều chuồng trại trống trơn, còn chủ trại thì thất nghiệp…

Hộ chăn nuôi của chị Lê Thị Tuyết Linh, ấp Bắc Sơn, xã Quang Trung, huyện Thống Nhất ôm số nợ lên đến tiền tỷ. Trước đây, vợ chồng chị chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ, nhưng vào năm 2015 họ đã mạnh dạn đầu tư chuồng trại và tăng đàn lên 1.000 con heo/đợt, riêng đầu tư chuồng trại đã mất gần hai tỷ đồng, nhưng chưa thắng được lứa heo nào thì nay họ rơi vào tình cảnh mất khả năng trả nợ. “Giá heo xuống quá thấp nên gia đình tôi vừa bán mão (bán đổ bán tháo, tính đầu heo trả tiền chứ không cân heo) hết và chịu thua lỗ từ 1 - 1,2 triệu đồng/con. Cuộc sống chỉ chăm chăm vào mấy con heo giờ kiệt quệ. Muốn bán đất trả nợ nhưng cũng không ai mua vì trại lớn, trại bé đều thua hết, làm gì có ai còn tiền mà mua đất”, chị Linh buồn rầu nói.

Ông Nguyễn Văn Bàng, chủ trại heo tại ấp Đồi Rìu (xã Hàng Gòn, thị xã Long Khánh) than thở: “Nửa năm qua, gia đình tôi lỗ hàng trăm triệu đồng do giá heo thấp, buộc phải cầm sổ đỏ vay vốn ngân hàng để duy trì đàn. Nhưng đợt nào xuất heo cũng phải đi vay nợ thêm để bù lỗ”. Theo ông Bàng, rất nhiều trại trong khu vực này phải treo chuồng vì không còn vốn để duy trì đàn, rao bán trại heo nhưng tìm không ra người mua. Ông Nguyễn Hoàng Yên, ấp Tân Phong, mới xây trại heo vào cuối năm 2016, cả tiền đất và đầu tư trại khoảng 1,5 tỷ đồng, chưa kịp nuôi lứa heo nào thì heo liên tục rớt giá, nên ông quyết định bán trại. Để giảm lỗ, ông Yên cũng đã giảm 50% sản lượng đàn heo thịt đang nuôi tại trại cũ...

Không chỉ hộ chăn nuôi mà chủ đại lý cám cũng đang thấp thỏm đứng ngồi không yên vì nợ ngập đầu. “Thường thì các trại lấy cám không trả tiền liền mà để đến khi cân heo mới trả tiền cám một lần. Nhưng 5, 6 tháng rồi bỏ vốn nhập cám từ công ty giao cho các trại nhưng không thu về được đồng nào, giờ đến hạn các công ty đòi tiền, chúng tôi lại phải vay ngân hàng để đắp vào. Nông dân khổ thì chúng tôi cũng đổ nợ, không sung sướng gì”, bà N.K.L. một chủ trại cám chia sẻ.

Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai thì có khoảng 40% hộ chăn nuôi đang dẹp đàn heo vì không trụ nổi. Giá heo hiện chỉ giao động từ 25.000 - 28.000 đồng/kg, còn heo để đẻ thì bán tháo giá tầm 12.000 - 15.000 đồng/kg, nông dân lỗ mỗi con heo tầm 1 - 1,2 triệu đồng.

Thiếu quản lý và quy hoạch

Đề cập về thực trạng của ngành chăn nuôi heo trong những tháng qua, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, cho biết: “Đối với chăn nuôi theo quy mô trang trại, giải pháp để kiểm soát việc tăng đàn đầu tiên là cơ quan chức năng có thể áp dụng các quy định môi trường. Đây là biện pháp nhẹ nhất và phù hợp nhất. Tại các nước có ngành chăn nuôi phát triển, họ quy định đàn nuôi theo diện tích trang trại. Từ đó, quy định 1ha đất sẽ được nuôi bao nhiêu đơn vị vật nuôi để đảm bảo các quy định về môi trường. Cách làm này, giúp họ quản lý được số lượng đàn và không xảy ra tình trạng tăng đàn nóng. Ở Việt Nam, do điều kiện chưa thể áp dụng như vậy, nhưng các địa phương vẫn có thể quản lý thông qua việc đăng ký mã số trang trại. Trong tình hình hiện nay, phải đặt chất lượng chăn nuôi lên hàng đầu, bởi giảm được chi phí chăn nuôi sẽ giảm được giá thành, tăng khả năng cạnh tranh.

Mới đây, trong Công văn số 3046/BNN-CN về một số giải pháp ổn định phát triển chăn nuôi gửi lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT đã đưa ra một số giải pháp trước mắt và lâu dài. Trong đó, các giải pháp trước mắt là kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các ngân hàng, các tổ chức tín dụng có giải pháp khoanh nợ, giảm nợ cho người chăn nuôi, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thú y. Bộ này cũng kiến nghị Thủ tướng yêu cầu các đơn vị có tiềm lực như Vissan, Saigon Co.op, Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, các đơn vị quân đội… tăng cường mua giết mổ cấp đông thịt heo, thịt gia cầm trữ cho các tháng hè sắp tới; kiến nghị xem xét, dừng các hoạt động tạm nhập tái xuất sản phẩm thịt, phủ tạng từ bên ngoài qua Việt Nam vào thị trường các nước trong khu vực nhằm bảo vệ thị phần cho ngành chăn nuôi trong nước. Còn giải pháp lâu dài, theo Bộ NN-PTNT, là quy hoạch lại ngành chăn nuôi gắn liền với thị trường và một trong các biện pháp là giảm tổng đàn heo.

Đức Trung - Tráng Phan

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang