• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nhập khẩu ào ạt, nông dân lao đao

Nguồn tin: Báo An Giang, 19/04/2017
Ngày cập nhật: 20/4/2017

Thịt bò Úc, thịt trâu Ấn Độ, thịt gà từ Mỹ, Brazil, Hàn Quốc... tràn vào Việt Nam khiến người chăn nuôi trong nước đứng ngồi không yên. Lợi thế giá rẻ và chất lượng của thịt ngoại khiến nông dân trong nước khó theo kịp.

Bò nội tỉnh rớt giá

Gia đình ông Nguyễn Văn Châu (ấp Vĩnh Bường, xã Vĩnh Hòa, TX. Tân Châu, tỉnh An Giang) có trên 20 năm sống với nghề chăn nuôi bò thịt, bò cái sinh sản. 5 năm trước, đàn bò nhà ông luôn duy trì ở mức 30 con trở lên. Nuôi bò thịt, bò cái sinh sản đã trở thành nghề giúp gia đình ông có cuộc sống khá giả. Tuy nhiên, 3 năm gần đây, giá bò thịt trên thị trường nội tỉnh rớt thê thảm, người chăn nuôi thua lỗ nặng, gia đình ông Châu cũng không bị loại trừ. Việc tái đàn xem như chấm dứt. Những ngày qua, ông đã bán bớt đàn bò để thu dọn chuồng trại với ý định chuyển sang nghề khác sinh sống. “Giá bò hơi có lúc xuống chỉ còn 68.000 đồng/kg, trong khi giá thành nuôi thấp nhất cũng 105.000 đồng/kg. Bán bò thì có tiền nhưng đó là tiền cũ đổi tiền mới” - ông Châu tâm sự.

3 năm qua, nông dân chăn nuôi bò bị thua lỗ vì giá bán dưới giá thành nuôi

Ý định bỏ nghề nuôi bò không chỉ riêng ông Châu khi các cơ quan quản lý Nhà nước trên lĩnh vực chuyên ngành cho nhập khẩu ồ ạt các loại thịt bò từ Úc, Mỹ, thịt trâu từ Ấn Độ khiến giá bò thịt trong nước “tuột dốc” không phanh. “Thịt trâu Ấn Độ (loại thịt thăn) bán tại Vinmart Long Xuyên có giá chỉ 154.900 đồng/kg, trong khi thịt bò (thịt thăn) bán tại chợ Mỹ Bình có giá trên 220.000 đồng/kg. Thử hỏi, người tiêu dùng chọn mua loại nào?” - ông Châu so sánh.

Giá thịt trâu Ấn Độ, bò Úc, gà Mỹ niêm yết tại các siêu thị trong tỉnh là giá bán đến tay người tiêu dùng. Giá này đã cộng thêm 25% chi phí gồm thuế nhập khẩu, cước tàu, kho bãi và các loại chi phí khác.

Cần một chiến lược

Trước sự đổ bộ ào ạt của các loại thịt nhập khẩu, tâm trạng chung của nông dân hiện nay đang rất lúng túng, không biết phải đối phó bằng cách nào. Ngoài thịt trâu, thịt bò, các đối tượng nuôi khác có: Gà, vịt, heo cũng gặp khó. An Giang là tỉnh nông nghiệp, 80% nông dân sống với nghề nông, 5 năm trước, việc chăn nuôi gia súc, gia cầm là một thế mạnh. Tuy nhiên, 3 năm trở lại đây, người chăn nuôi gia súc, gia cầm của tỉnh phá sản rất nhiều. Số hộ bỏ đi Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh để… trốn nợ khá nhiều. “Nợ của những người chăn nuôi gia súc, gia cầm không lớn và nhiều như số nợ của các hộ nuôi cá tra. Tuy nhiên, số hộ tham gia nuôi trong tỉnh rất lớn. Chúng tôi bị phá sản bởi yếu tố giá thành đầu vào cao, trong khi giá đầu ra thấp, tỷ suất lợi nhuận trên vốn là con số âm. Đó là chưa kể đến yếu tố rủi ro khác như thời tiết, dịch bệnh. Năm nào có dịch cúm gia cầm xem như năm đó người nuôi vịt lãnh đủ. Thịt rớt giá mà trứng vịt cũng rớt luôn” - ông Trần Văn Lễ, nông dân nuôi vịt xã Tân Lập (Tịnh Biên), chia sẻ.

“Thức ăn chiếm tỷ trọng trên 65%, nghĩa là người chăn nuôi phải bỏ chi phí cho vấn đề này rất lớn. Giá thịt hơi giảm mà giá thức ăn thì không giảm. Doanh nghiệp sản xuất thức ăn cho gà, vịt, heo phần lớn là những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, họ chiếm thị phần chi phối, điều tiết thị trường nên người chăn nuôi phải phụ thuộc, đi theo sự “dẫn dắt” của họ. Đây là một thực tế mà Nhà nước cần có hướng tháo gỡ” - bà Trần Lệ Thu, nông dân nuôi heo xã Vĩnh Khánh (Thoại Sơn), kiến nghị. Ngoài những vấn đề vừa nêu, theo bà Thu, còn rất nhiều vấn đề khác cần tháo gỡ. “3 năm trở lại đây, các cơ quan chức năng của tỉnh hay nhắc nhiều đến phong trào kinh tế hợp tác như xây dựng hợp tác xã (HTX) kiểu mới. Đây là mô hình hay mà thế giới đã làm trong một thế kỷ qua. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng thường nói đến HTX kiểu mới trên lĩnh vực lúa gạo, ít đề cập đến lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đây là điều cần xem xét dưới góc độ tổng thể để có định hướng cho người chăn nuôi trong tỉnh”.

Đến thời điểm này, tổng đàn bò của tỉnh trên 100.000 con, đàn vịt trên 3,3 triệu con, gà trên 1 triệu con. Số hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm gần 20.000 hộ. Đây là 1 con số không nhỏ. Trước thực tế của quá trình hội nhập, ngành Nông nghiệp cần có một chiến lược giúp nông dân phát triển chăn nuôi mang tính bền vững, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh hội nhập toàn cầu như hiện nay.

“Chúng tôi đang trông chờ sự hướng dẫn hoặc khuyến cáo của ngành Nông nghiệp An Giang. Hơn lúc nào hết, chúng tôi cần Nhà nước chỉ ra cho nông dân biết trồng cây gì, nuôi con gì mang lại hiệu quả kinh tế cao để cùng Đảng và Nhà nước xây dựng nông thôn mới. Thực tế hiện nay, nông dân đang rất lúng túng” - ông Nguyễn Văn Lẵm (xã An Thạnh Trung, Chợ Mới) bức xúc.

Minh Hiển

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang