• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Câu chuyện thị trường từ gà mặt quỷ

Nguồn tin: Báo Bình Thuận, 14/04/2017
Ngày cập nhật: 15/4/2017

1. Khoảng 1 tháng nay, điểm bán gà tại ngã tư đường Nguyễn Tương, đường Lê Văn Phấn, phường phú Thủy - TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận thu hút nhiều người đến xem và mua gà Indonesia. Không chỉ bởi đây là giống gà ngoại, còn sống mà còn vì hình dáng của nó rất lạ, gần với cái tên mà người Việt Nam hay gọi là gà mặt quỷ. Chúng có nguồn gốc từ đảo Java – Indonesia với tên gọi là gà Lamborghini Ayam có nghĩa là gà và Cemani mang nghĩa “đen hoàn toàn”. Gà này đen toàn thân, đen từ xương, thịt, nội tạng, lông, mào, chân… và chỉ có máu là có màu đỏ sẫm. Người dân địa phương coi giống gà này như một biểu tượng của sự may mắn và từ lúc nào chẳng biết, giống gà này được nhiều người giàu có trên thế giới săn lùng nên giá cả rất đắt đỏ. Dù hiện tại, chúng được gây giống nhiều hơn ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam nhưng giống gà đen này vẫn đang là một trong những giống gà đắt nhất thế giới, một con gà có giá 2.500 USD.

Đó là giá rao trên mạng, còn giá tại điểm bán gà trên chỉ 200.000 đồng/con nặng khoảng 1 kg. Nếu so với giá gà ta, mặt hàng có giá cao nhất đang bán phổ biến trên đường Lê Văn Phấn ở khoảng 100.000-120.000 đồng/kg thì giá gà Indonesia có phần đắt hơn. Thế nhưng, vì hàng lạ lại nghe thông tin gà đen là một vị thuốc, nhất là cung cấp một lượng chất sắt đáng kể bổ máu cho cơ thể, nhiều người đến mua ăn thử. Ngày hôm qua, điểm bán này chỉ còn lại 2 con gà mặt quỷ giữa hàng chục con gà ta. Số lượng bán được bao nhiêu, người bán có vẻ muốn giấu, nhưng cách chê bai loại gà này của những người bán gà ta gần đó cho thấy gà mặt quỷ đang hút hàng.

2. Nếu thời gian trước, mặt hàng gà ta với nhiều thế mạnh so với gà công nghiệp như được nuôi thả tự nhiên, ăn lúa gạo mà không phải chất tăng trọng… và đặc biệt là người mua được lựa gà còn sống thì hiện tại, nó đang có đối thủ cạnh tranh gay gắt, đó là gà Indonesia. Cũng với hình thức bán gà còn sống, người mua có quyền lựa chọn con nào tùy thích, rồi khi ăn thấy thịt gà thơm ngon và chính nó lại là vị thuốc bổ cho cơ thể nữa thì không lâu sau, mặt hàng gà Indonesia sẽ có mặt nhiều hơn trong mâm cơm người Việt thay cho gà ta. Để giữ thị phần, những người nuôi gà ta tại tỉnh, thôi tự tin gà nuôi tự nhiên tốt lâu nay ai chẳng biết, mà cần chứng minh điều đó với người mua qua sự chứng nhận nuôi theo quy trình sạch, an toàn, qua truy xuất nguồn gốc… Nếu không, sẽ lâm vào cảnh “vỡ trận” như gà công nghiệp, heo nuôi hiện tại, khi thịt gà, thịt heo nhập khẩu ồ ạt vào với giá rẻ hơn đã khiến nhiều vùng chăn nuôi rơi vào cảnh đìu hiu, người nuôi phải bán đất, treo chuồng… và không thể trả hết nợ cho ngân hàng. Có thể hình dung quang cảnh vỡ trận trên sẽ tiếp tục tệ hại thế nào, bởi đến năm 2018, khi các mặt hàng thịt nhập khẩu này về thuế suất 0% thì giá còn rẻ hơn nhiều so với hàng chăn nuôi tại chỗ. Ngay lúc này, ngành chăn nuôi tỉnh cần có động thái trong đốc thúc các hộ dân chăn nuôi liên kết sản xuất ra những mặt hàng sạch thì mới mong ngăn cảnh vỡ trận tiếp theo, không phải thua ngay trên sân nhà.

Bích Nghị

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang