• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Cúc Phương: Mùa thu hoạch nhung hươu

Nguồn tin: Báo Ninh Bình, 12/04/2017
Ngày cập nhật: 15/4/2017

Về xã Cúc Phương (Nho Quan, Ninh Bình) vào thời điểm đang mùa cắt “lộc” nhung hươu (là sừng non của hươu đực), chúng tôi nhận thấy nghề nuôi hươu đang khá phát triển ở đây, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người chăn nuôi.

Nuôi hươu lấy nhung ở xã Cúc Phương.

Tận mắt chứng kiến một con hươu đực đã đủ tuổi lấy nhung được dụ ra ngoài khu chuồng nhốt để đội khai thác nhung thực hiện thao tác cắt nhung. Những chú hươu được chọn lấy nhung thường khi tuổi của sừng đã đủ tháng, khỏe mạnh, có con mắt tinh anh.

Chỉ trong nháy mắt, con hươu to khỏe cỡ nửa tạ được vài người thợ giữ chặt chân, ghì xuống đất rồi đưa con dao sắc lẻm từ từ cưa hai chiếc sừng nhung hai bên.

Công việc cắt nhung hươu tuy đơn giản nhưng phải là những người thợ khéo tay, nhanh nhẹn, có máu lành mới làm được. Con hươu sau khi cắt lộc được băng vết thương vừa cắt bằng lá rừng giúp cầm máu và nhanh lành vết thương, chuẩn bị cho mùa lấy lộc sang năm.

Anh Đinh Ngọc Lan, đội khai thác nhung hươu xã Cúc Phương cho biết: Đội có 5 người, chuyên đi khai thác nhung hươu cho các gia đình khi vào vụ thu hoạch. Việc cắt nhung hươu được thực hiện theo đúng quy trình, từ bắt nhẹ nhàng, ghì chặt để người cắt nhanh, đúng vị trí, vừa đảm bảo nhung hươu chất lượng vừa đảm bảo con hươu không đau, không bị nhiễm trùng sau cắt.

Công cắt nhung cho hươu hiện có giá từ 250-300 nghìn đồng/con. Toàn xã hiện có khoảng 150 hộ nuôi với gần 500 con hươu. Vào mùa thu hoạch nhung, đội khai thác sẽ thu hoạch lộc cho trên 400 con hươu, không chỉ tạo việc làm và thu nhập cho các thành viên trong đội, mà còn góp phần thúc đẩy nghề nuôi hươu trên địa bàn ngày càng phát triển.

Anh Bùi Văn Tuyên, thôn Nga 2, dẫn chúng tôi ra khu chuồng trại của gia đình giới thiệu về những con hươu được nuôi lấy nhung – đó là những con hươu đực được nuôi từ vài năm trở lên mới mọc được lộc nhung. Hàng năm, từ khoảng tháng 12 âm lịch đến hết tháng 4 âm lịch là mùa cắt lộc nhung hươu.

Khi con hươu bắt đầu mọc nhung, người chăn nuôi sẽ theo dõi quá trình phát triển của nhung, đánh dấu đủ ngày, đủ tháng để cắt lộc đảm bảo lộc nhung vừa đủ tuổi (không quá già, không quá non), đạt tiêu chuẩn chất lượng về dinh dưỡng và đặc biệt để đảm bảo sức khỏe cho hươu nhằm tái lộc đúng vụ năm sau. Hơn 10 năm nuôi hươu, từ ban đầu chỉ vài con, đến nay gia đình anh Tuyên đang nuôi 14 con hươu đực và tất cả đều đang cho thu hoạch lộc.

Anh Tuyên chia sẻ: Nuôi hươu không khó, chỉ cần một diện tích nhất định đủ xây dựng chuồng trại cho hươu ở, khoảng sân cho hươu đi lại, chạy nhảy.

Quan trọng hơn là cần lao động hàng ngày đi lấy những loại lá rừng (có đến 8 loại lá rừng mà hươu thường ăn), trong đó phải có một số lá cây mà loài hươu yêu thích như lá dướng, lá sung, vải… để đảm bảo đủ thành phần dinh dưỡng cho hươu nhanh lớn, phát triển khỏe mạnh. Hiện nay, giá mỗi con hươu giống từ 15-17 triệu đồng/con, nuôi sau 1 năm là có thể thu hoạch lộc nhung.

Mỗi năm, một con hươu khỏe mạnh, nhung phát triển bình thường có thể cho 6-7 lạng lộc, với giá bán trên thị trường hiện nay là 2-2,2 triệu đồng/lạng, bình quân từ lộc nhung, mỗi con hươu cho thu hoạch 13-15 triệu đồng/năm.

Dự kiến mùa lộc nhung năm nay, 14 con hươu nhà anh Tuyên sẽ cho thu hoạch từ 8-10kg nhung, thu về 150-160 triệu đồng.

Anh Tuyên bảo, ngoài công lao động bỏ ra, mọi chi phí cho cả đàn hươu một năm chỉ bằng giá trị của 1 bộ nhung hươu mà thôi.

Nói như vậy là có cơ sở, bởi vợ chồng anh khi lấy nhau bằng hai bàn tay trắng, nay sau hơn chục năm phát triển kinh tế chủ đạo bằng nuôi hươu đã xây dựng được một cơ ngơi khang trang, đồ đạc, xe cộ đầy đủ và số vốn liếng kha khá.

Anh Tuyên đang dự định sắp tới nuôi khoảng 5 con nai, bởi theo tìm hiểu thị trường thì giá nhung của nai tuy thấp hơn, nhưng mỗi con nai lại cho lộc nhung nặng hơn 1 kg, đấy là chưa kể thịt nai thương phẩm đang là hàng đặc sản khan hiếm trên thị trường, có giá khá cao tới vài trăm nghìn/kg.

Theo ông Đinh Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Cúc Phương, nghề nuôi hươu ở Cúc Phương được bắt đầu từ hàng chục năm nay, tuy không mở rộng nhưng duy trì chăn nuôi tại gần 200 hộ với tổng đàn trên 500 con.

Điều đáng lưu ý là vài năm gần đây, trên địa bàn xã đã hình thành những tổ, nhóm lao động chuyên đi lấy lá rừng về bán cho các hộ nuôi hươu không có điều kiện về lao động để vào rừng lấy lá.

Mỗi ngày 1 con hươu có thể ăn hết vài chục kg lá cây các loại, do đó để nuôi được hươu, ngoài đầu tư số vốn ban đầu khá lớn xây dựng chuồng trại và mua con giống, các gia đình chăn nuôi phải có lượng lao động nhất định để chăm sóc hươu.

Nhiều gia đình chăn nuôi quy mô lớn hàng chục con đã tính đến phương án trồng thêm cây nguyên liệu để chủ động nguồn thức ăn cho hươu.

Nhiều năm nay, nhờ giá lộc hươu luôn ổn định nên nghề này mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi. Được biết, nhung hươu ở Cúc Phương đã được khách xa, gần biết tiếng nên thường tìm đến tận nơi mua hàng. Người mua thường tự chọn cặp lộc hươu ưng ý rồi người nuôi mới cắt sản phẩm còn tươi nguyên giao cho khách.

Ngoài bán lộc tươi, một số gia đình đã nuôi hươu sinh sản để bán giống và nuôi hươu thương phẩm cung cấp thịt cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

Đầu tư nuôi hươu đang là một hướng đi đúng của nhiều hộ dân trên địa bàn xã Cúc Phương cùng với nhiều con nuôi đặc sản khác như nhím, ong, lợn rừng… Những con nuôi cho giá trị kinh tế cao, phù hợp với địa hình, đồng đất địa phương đang tiếp tục được xã tập trung chỉ đạo, góp phần làm cho cuộc sống người dân Cúc Phương ngày càng no ấm, đầy đủ.

Theo y học cổ truyền Việt Nam, huyết nhung và nhung yên ngựa là quý nhất. Người ta đã phân tích được thành phần hóa học của nhung hươu nai, gồm canxi cacbonat, canxi phosphas, chất keo, protid, kích tố (testosteron, pentocrin...), acid amin (hơn 17 loại).

Theo Tây y, nhung hươu giúp tăng sức mạnh cơ bắp, sảng khoái tinh thần, vết thương mau lành, ăn ngủ tốt, lợi niệu và tăng nhu động dạ dày - ruột, chuyển hóa tốt protid và glucid.

Theo y học cổ truyền, nhung có tác dụng sinh tinh, bổ tủy, ích huyết; chữa các chứng hư tổn cơ thể, di tinh, liệt dương, vô sinh, bệnh lậu, giúp khỏe gân xương, tăng tuổi thọ... Từ lâu đời, các thầy thuốc Đông y của Trung Quốc và Nhật đã dùng nhung như vị thuốc bổ, giúp cơ thể lâu già, chống co giật, chữa ung bướu, thấp khớp.

Hạnh Chi

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang