• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Vụ "đeo vòng" cho heo: Cần siết chặt quản lý

Nguồn tin: Báo Đồng Nai, 09/04/2017
Ngày cập nhật: 11/4/2017

Người chăn nuôi là đối tượng chính tham gia thực hiện đề án truy xuất nguồn gốc heo vào thị trường TP.Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, dù đề án đã được áp dụng hơn 3 tháng qua, nhưng đến nay đây là chuyện của thương lái vì người chăn nuôi vẫn đứng ngoài cuộc.

Người chăn nuôi lo lắng vì giá vòng đeo truy xuất nguồn gốc heo đang bị bán theo kiểu “chợ đen”. Trong ảnh: Trại chăn nuôi thuộc xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất).

TP. Hồ Chí Minh đang có chính sách giảm 50% chi phí vòng đeo cho heo để hỗ trợ người chăn nuôi. Nhưng thực tế, các trại chăn nuôi chưa tiếp cận được chính sách hỗ trợ mà đang phải mua vòng với giá cao theo kiểu “chợ đen” thông qua thương lái.

* Mua vòng đeo giá “chợ đen”

Với chính sách hỗ trợ, người chăn nuôi hiện chỉ mất 3 ngàn đồng tiền phí mua vòng đeo. Nhưng muốn mua vòng đeo truy xuất nguồn gốc cho heo, người chăn nuôi phải liên hệ với Sở Công thương TP.Hồ Chí Minh và lên tận nơi để mua. Điều này rất bất tiện nên đa số các trại nuôi đều mua lại từ thương lái.

Thực tế đã xảy ra tình trạng thương lái cung cấp vòng đeo truy xuất nguồn gốc cho heo mỗi nơi mỗi giá. Một chủ trại heo ở xã Suối Nho (huyện Định Quán) cho biết: “Tôi vừa bán đợt heo và mỗi con heo, tôi bị thương lái trừ hơn 10 ngàn đồng chi phí vòng đeo. Dù rất bức xúc nhưng nói ra cũng chỉ thiệt cho mình vì người chăn nuôi đang “lụy” thương lái”.

Ông Phạm Đức Thu, chủ trại heo tại xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất), chia sẻ: “Tôi dự nhiều hội thảo triển khai đề án đeo vòng truy xuất nguồn gốc heo, nghe rất nhiều lời hứa hỗ trợ người chăn nuôi nhưng thực tế chưa có gì. Tôi không thể mỗi lần bán vài chục con heo là mỗi lần lên TP.Hồ Chí Minh để mua vòng, vì không có nơi nào khác cung cấp mặt hàng này nên người chăn nuôi buộc phải mua vòng qua thương lái theo kiểu “chợ đen”. Họ tính bao nhiêu, chúng tôi trả bấy nhiêu dù họ bán cao hơn giá gốc chứ nói gì đến giá hỗ trợ”.

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết: “Hiện đa số các trại chăn nuôi của Đồng Nai đều mua vòng đeo truy xuất nguồn gốc từ thương lái, mức giá như thế nào đều do thương lái đưa ra. Gần đây, hiệp hội có nhận một số phản ánh từ các trại nuôi về việc phải trả từ 10-12 ngàn đồng/cặp vòng đeo cho heo, cao gấp 3-4 lần mức giá hỗ trợ Sở Công thương TP.Hồ Chí Minh công bố”.

* Cần siết chặt quản lý

Việc đeo vòng cho heo chỉ có tác dụng thực sự khi người chăn nuôi ý thức rõ về chương trình và nghiêm túc thực hiện từ trại nuôi. Việc thương lái đưa heo về các lò mổ mới tổ chức đeo vòng để đủ điều kiện tiêu thụ tại TP.Hồ Chí Minh chỉ mang tính ứng phó tạm thời. Tuy nhiên, với lý do người chăn nuôi chưa biết đeo vòng cho heo, Sở Công thương TP.Hồ Chí Minh đã chấp nhận để thương lái tiếp tục đeo vòng cho heo trước khi đưa vào thị trường TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ.

Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, những chương trình tập huấn, hướng dẫn cho nông dân về thực hiện đeo vòng cho heo chủ yếu mới tổ chức một số hội nghị điểm ở cấp tỉnh. Việc triển khai về tận địa phương hầu như chưa được quan tâm nên đa số các trại chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn “mù mờ” về chương trình. Đề án nên tăng cường tập huấn, hướng dẫn cho người chăn nuôi theo kiểu “cầm tay chỉ việc”. Việc cung cấp vòng đeo cũng cần tổ chức lại kênh phân phối, có sự quản lý không để tình trạng người chăn nuôi phải mua vòng theo kiểu “chợ đen” với mức giá bất hợp lý như hiện nay.

Các chủ trại nuôi cũng cho rằng, chương trình nên quan tâm đến việc tổ chức các kênh phân phối vòng đeo chân truy xuất nguồn gốc heo về tận địa phương, công khai giá bán, có dịch vụ tư vấn, hỗ trợ cho người chăn nuôi trong việc sử dụng sản phẩm... Ông Phạm Ngọc Bình, chủ trại heo tại xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất), nêu ý kiến: “Thời gian đầu còn mới, người chăn nuôi chúng tôi chấp nhận mua vòng qua thương lái vì khá tiện lợi. Nhưng Nhà nước phải quản lý và có quy định rõ mức giá cung cấp chứ không nên để thương lái thao túng giá như hiện nay”.

Theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, hiện việc thực hiện truy xuất nguồn gốc heo mỗi tỉnh làm một kiểu nên gặp nhiều khó khăn. Hiệp hội vừa gửi văn bản kiến nghị Bộ Công thương nên thống nhất để đưa ra quy định chung trong việc truy xuất nguồn gốc heo. Ông Công cũng góp ý thêm, đề án truy xuất nguồn gốc heo vì lợi ích chung của người tiêu dùng nên người tiêu dùng cũng nên tham gia ủng hộ. Cụ thể, những điểm bán thịt heo an toàn nên có mức giá cao hơn đôi ba trăm đồng/kg để hỗ trợ phần nào khó khăn cho người chăn nuôi tham gia đề án

Bình Nguyên

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang