• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Có một trại gà thả vườn trên vùng Bảy Núi

Nguồn tin: Nông Nghiệp VN, 09/01/2017
Ngày cập nhật: 10/1/2017

Mô hình kinh tế trang trại ở ĐBSCL đang phát triển khá mạnh. Từ đồng bằng đến miền núi đâu đâu cũng có những trang trại nuôi gà, phổ biến nhất là gà công nghiệp.

Gà ta nuôi thả lan trong sâ vườn tự kiếm ăn

Tại vùng Bảy Núi (An Giang) mới đây lại xuất hiện một mô hình nuôi gà ta thả vườn quy mô trên 7.000 con, bước đầu đạt hiệu quả kinh tế khá cao.

Khởi nghiệp trên đất nghèo

Ông Mai Nhụt Tồn là người từng sống bằng nghề mua bán ở quận Thốt Thốt (Cần Thơ). Sau nhiều năm kinh doanh vất vả ông đã chuyển nghề, gom hết vốn liếng về vùng Bảy Núi mua lại 5ha đất rừng dưới chân núi Cấm thuộc ấp Tân Long, xã Tân Lợi, huyện Tịnh Biên (An Giang) để phát triển chăn nuôi và trồng trọt.

Những ngày đầu đặt chân đến vùng đất khô cằn nầy, ông phải đương đầu với thiên nhiên khắc nghiệt, nào đất cát bạc màu, cây rừng hoang dại, đường sá chông chênh, trắc trở, cái gì cũng thiếu, thiếu nước, thiếu điện, thiếu nhân công vì chỗ ở vắng vẻ thưa người. Nhưng với ý chí quyết tâm biến rừng thành vàng, biến sỏi đá thành cơm, ông đã ngày đêm ưu tư, tìm đủ mọi cách để chinh phục thiên nhiên và vượt qua mọi rào cản bằng cách khoan giếng, đào ao để trữ nước, trồng cỏ nuôi bò và giữ độ ẩm cho vườn cây ăn trái. Kế đến là tự kéo điện về trang trại, mua sắm thiết bị máy móc để phục vụ sản xuất.

Với số vốn vài trăm triệu, khởi đầu ông trồng cây ăn trái để thử nghiệm coi cây nào thích hợp và mang lại hiệu quả cao. Sau nhiều năm, vườn xoài, vườn quít, mít, mãng cầu… đã bắt đầu cho trái, mỗi năm ông thu về được vài ba trăm triệu. Có thêm được số vốn, ông mạnh dạn đầu tư vào việc xây dựng hàng rào bao quanh và dành riêng 1ha để làm chuồng trại chăn nuôi, trong đó trại gà chiếm hơn 1.000m2.

Gà ta (nòi lai) nuôi thả lan trong sân vườn

Trước khi bắt tay vào việc, ông đã nuôi thử nghiệm nhiều loại gia súc, gia cầm, kể cả động vật hoang dã, sau cùng ông quyết chọn con bò, heo rừng, bồ câu và gà làm vật nuôi chủ lực, trong đó mô hình bền vững và hấp dẫn nhất là gà thả lan (thả vườn) theo hướng an toàn sinh học.

Hiện đàn bò của ông lên đến hàng trăm con, rồi nào heo rừng cũng trên 100 con, đông nhất là đàn bồ câu có đến hàng ngàn con đủ loại. Theo ước tính, số tiền mà ông đầu tư cho trang trại và con giống hiện nay lên đến vài tỉ đồng.

Phát triển từ gà

Qua nghiên cứu thị trường, ông Tồn cho biết gà là con vật nuôi phổ biến, giá cả và đầu ra ổn định nhất. Nhưng theo ông muốn đạt năng suất và chất lượng cao, người nuôi phải nắm vững kỹ thuật. Trước hết là phải có hàng rào lưới để gà tránh tiếp xúc với mầm bệnh từ bên ngoài. Kế đến là chọn giống gà. Gà ông thả nuôi là gà ta, giống Bình Định và một số chon lọc từ các giống khỏe mạnh, năng suất cao như gà nòi lai, gà nòi gặt, gà tre lai…Ngoài ra, ông còn chú ý đến môi trường thả lan, không khí, độ ẩm trong sân chuồng, ánh sáng, sau cùng là thức ăn và nước uống phải sạch.

Theo ông, nuôi gà thả lan cũng giống như cách nuôi truyền thống nghĩa là gà được thả tự do trong một không gian rộng lớn dưới tán cây hoặc tán rừng. Do vậy, ngoài các thức ăn chính như lúa, gạo, bắp, cám tổng hợp, gà còn tự kiếm thêm các loại thức ăn khác như rau, cỏ, trùng đất, dế, cào cào, kiếng, mối… nhằm bổ sung thêm dinh dưỡng, nhất là đạm và chất sắt nên gà rất khỏe mạnh, thịt săn chắc, mùi vị thơm ngon.

Gà ta thả vườn lùa vào chuồng mỗi tối

Ông cho biết gà nuôi thả vườn được nhiều người ưa chuộng và giá cũng hấp dẫn hơn gà công nghiệp. Nhiều người cho biết gà ta dù giá cao nhưng các bà nội trợ vẩn tìm mua vì thịt gà ta vừa ngon vùa an toàn vệ sinh thực phẩm.

Mặc dù gà thả lan, nhưng trang trại của ông lúc nào cũng coi việc phòng dịch lên hàng đầu, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật và tuân thủ nghiêm ngặt vệ sinh an toàn chuồng trại, theo dõi và tiêm phòng đúng theo quy định, đặc biệt là dịch cúm H5N1. Đặc biệt trước khi thả con giống mới, chuồng trại đều được xông xịt sát trùng cẩn thận.

Trang trại dưới chân núi, nhiều bóng cây râm mát, môi trường thoáng đãng, đủ ánh sáng, là điều kiện lý tưởng giúp cho đàn gà phát triển nhanh, ít dịch bệnh và tỷ lệ hao hụt không đáng kể. Tuy nhiên, để đảm bảo cho gà phát triển tốt, ban đêm ông cho gà vào chuồng, nền lót trấu và có rèm phủ để che gió che mưa, kể cả những ngày thời tiết xấu gà cũng được lùa vào chuồng trại để được sưởi ấm.

Ông cho biết gà ta nuôi thả vườn khoảng 3,5 - 4 tháng là có thể xuất chuồng, mỗi năm ba bốn đợt, mỗi đợt một vài tấn. Ngoài ra, gà thịt còn xuất bán quanh năm, bạn hàng đến tận nơi để thu mua với giá từ 70.000 - 80.000đ/kg tùy thời giá. Nhờ thả nuôi nhiều lứa lớn nhỏ khác nhau nên trại gà thường xuyên có đủ gà thịt để cung ứng cho khách hàng.

Theo ông Tồn, trồng trọt và chăn nuôi trên triền núi rất khó, nếu không có kinh nghiệm, thiếu nghiên cứu kỹ lưỡng và thiếu ý chí quyết tâm khó mà đạt kết quả như mong muốn. Nhờ chịu khó học hỏi, tìm tòi, đọc thêm nhiều sách báo về kỹ thuật nuôi gà, ông Tồn đã thành công với mô hình kinh tế trang trại khép kín, mỗi năm thu nhập hàng tỷ đồng từ tiền bán gà, chưa kể các loại gia cầm và gia súc khác.

Nhưng ông chưa dừng lại ở đây mà còn đang tiếp tục mở rộng diện tích chăn nuôi và trồng trọt trên vùng đất núi. Ông đang tiếp tục mua thêm đất và thuê đất của những hộ lân cận để trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi, đầu tư thêm các khu trại để phát triển đàn bò lên vài trăm con, nuôi thêm dê và hươu.

THÀNH HIỆP

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang