• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bốn nhóm giải pháp phát triển đàn gia cầm bền vững

Nguồn tin: Báo Bắc Giang, 04/04/2017
Ngày cập nhật: 7/4/2017

Trước nguy cơ dịch bệnh trên đàn gia cầm bùng phát, lây lan, sáng 4 - 4, tại TP Bắc Giang, Cục Chăn nuôi, Cục Thú y, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp tổ chức hội thảo về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm và các giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững.

Người dân xã Xuân Lương (Yên Thế) chăm sóc đàn gà. Ảnh: Trịnh Lan

Tới dự có đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp quốc (FAO); lãnh đạo ngành nông nghiệp 10 tỉnh, TP lân cận; đại diện một số doanh nghiệp và hộ chăn nuôi gia cầm trong và ngoài tỉnh.

Tăng trưởng nhanh, nguy cơ dịch bệnh cao

Mở đầu hội thảo, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT) Hoàng Thanh Vân thông tin: 12 năm qua, đàn gia cầm cả nước liên tục tăng và chưa có dấu hiệu chững lại. Năm 2016, tổng đàn hơn 361 triệu con. Doanh thu từ gia cầm đóng góp quan trọng vào tăng trưởng của ngành chăn nuôi nước ta, mang lại lợi nhuận lớn cho người chăn nuôi. Điểm mới là phương thức sản xuất có sự chuyển dịch tích cực theo hướng áp dụng công nghệ vào chăm sóc, ấp nở giống như: Sử dụng nhà kín có điều hòa về nhiệt độ, ánh sáng; kỹ thuật chăn nuôi tổng hợp an toàn.

Tuy nhiên, giá thành để tạo ra một kg sản phẩm ở mức cao. Đơn cử gà lông trắng bình quân 27-28 nghìn đồng/kg, gà lông màu 48 nghìn đồng/kg, cao hơn so với một số nước lân cận, làm giảm khả năng cạnh tranh. Ngoài ra, đàn vật nuôi có nguy cơ cao mắc bệnh khi thời tiết chuyển mùa. Hiện nay, một số tỉnh, TP xuất hiện cúm gia cầm H5N1, gây thiệt hại nặng cho nông dân. Dịch cúm H7N9 xảy ra tại Trung Quốc diễn biến phức tạp, dễ xâm nhập vào nước ta nếu không có biện pháp quản lý chặt chẽ từ cửa khẩu.

Chung quan điểm trên, đại diện Cục Thú y chỉ rõ những hạn chế như: Hệ thống sản xuất, chăn nuôi gia cầm chưa liên kết chặt chẽ theo chuỗi. Muốn mua giống có năng suất, chất lượng cao vẫn phụ thuộc vào nước ngoài. Nhiều giống gia cầm địa phương có chất lượng thịt, trứng là đặc sản nhưng chưa được quản lý, khai thác hiệu quả, không ít nguồn gen quý bị mai một. Chăn nuôi gia cầm mang tính tự phát, thiếu an toàn. Năng suất dù đã có cải thiện song vẫn thấp so với nhiều nước trong khu vực và thế giới. Tại Bắc Giang, chăn nuôi trang trại, an toàn sinh học chỉ chiếm khoảng 30% tổng đàn, còn lại là nhỏ lẻ. Một bộ phận người dân có tâm lý chủ quan, không tiêm phòng đầy đủ vắc-xin cho gia cầm, thủy cầm với ý nghĩ nuôi ít, nếu chẳng may gà, vịt bị bệnh thì thiệt hại không lớn. Vì lý do đó mà có năm dịch bệnh lây lan diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đàn gia cầm của tỉnh.

Kiểm soát dịch bệnh, hướng tới xuất khẩu

Nhận thức rõ những bất cập trong chăn nuôi gia cầm thời gian qua, các đại biểu cho rằng, để phát triển chăn nuôi bền vững cần quyết liệt tái cơ cấu ngành chăn nuôi; làm tốt 4 nhóm giải pháp gồm: Quy hoạch, tổ chức lại sản xuất, kỹ thuật và công tác thú y. Trong đó, giải pháp quan trọng hàng đầu là quy hoạch và tổ chức lại sản xuất.

Các đại biểu tìm hiểu thông tin về phòng, chống dịch cúm gia cầm tại hội thảo. Ảnh: Sỹ Quyết

Trước mắt, các địa phương rà soát, quy hoạch lại các vùng chăn nuôi gia cầm gắn với an toàn dịch bệnh, kiểm soát môi trường. Những nơi có giống gia cầm bản địa chất lượng cao, đặc sản ( như gà ri Sơn Động, gà Tiên Yên, gà Đông Tảo, gà Hồ...) xem xét quy hoạch vùng giống nhân dân để quản lý tốt chất lượng con giống và sản xuất được với số lượng lớn, đáp ứng nhu cầu. Về tổ chức sản xuất phải hình thành các cơ sở nuôi giữ gia cầm giống bố mẹ hoặc ông bà và các cơ sở ấp nở trứng gia cầm trên địa bàn. Hướng dẫn người dân phát triển sản xuất theo quy mô gia trại, trang trại chăn nuôi, liên kết trực tiếp với các doanh nghiệp hoặc thông qua tổ hợp tác, hợp tác xã.

Ông Dương Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang cho biết: “Quá trình tổ chức lại sản xuất coi doanh nghiệp (DN) là trung tâm kết hợp với đổi mới khoa học công nghệ để đẩy mạnh sản xuất. DN chịu trách nhiệm bao tiêu, mở rộng thị trường, bảo đảm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Do vậy, thời gian tới tỉnh tiếp tục thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp bằng những cơ chế, chính sách ưu đãi”.

Liên quan đến phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia cầm, một số ý kiến cho rằng việc giám sát, phát hiện rất quan trọng. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam nhận định, Bắc Giang có tổng đàn gia cầm lớn nên trong bối cảnh như hiện nay sẽ có nhiều thách thức, tiềm ẩn rủi ro bởi gần khu vực biên giới Lạng Sơn. Hơn lúc nào hết phải tăng cường kiểm soát, ngăn gia cầm nhập lậu. Giữ ổn định cơ cấu, tổng đàn hiện có, không nên mở rộng quy mô. Bên cạnh đó, Bắc Giang quan tâm nâng cao chất lượng con giống, tạo sự khác biệt, quảng bá thương hiệu cho đàn vật nuôi của tỉnh. Về lâu dài xây dựng lộ trình hướng tới xuất khẩu vì chỉ tiêu thụ nội địa sẽ không bền vững.

Cùng với giải pháp trên, một số đại biểu đề xuất cơ quan chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và PTNT tham mưu với Chính phủ chỉ đạo sản xuất ổn định trong nước, hỗ trợ xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi. Viện Chăn nuôi đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu chọn tạo giống gà đồi mang nét đặc trưng riêng của gà đồi Yên Thế; hướng dẫn người áp dụng các giải pháp giảm chi phí đầu vào, sử dụng thức ăn chế biến bằng nguyên liệu tại chỗ, hạn chế sử dụng thức ăn công nghiệp. Phân cấp việc chứng nhận VietGAHP cho các địa phương để kiểm tra, đánh giá cấp chứng nhận. Về những kiến nghị này, đại diện lãnh đạo Cục Chăn nuôi, Cục Thú y tiếp thu và sẽ xem xét, trả lời trong thời gian tới.

Ông Ken Inui, chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp quốc (FAO): Người chăn nuôi cần có biện pháp tự bảo vệ

Cúm gia cầm không chỉ có ở châu Á mà xuất hiện tại nhiều nước châu u, châu Phi. Từ đầu năm đến nay, cúm A/H7N9 diễn biến phức tạp tại Trung Quốc, chuyển sang độc lực cao, có mức phát tán cao gấp 100 lần so với độc lực thấp. Việt Nam là quốc gia nguy cơ bị vi-rút này xâm nhập bởi một số tỉnh ở Trung Quốc tiếp giáp với biên giới Việt Nam đã có nhiều trường hợp mắc H7N9. Nguy hiểm hơn là H7N9 không có biểu hiện triệu chứng trên gia cầm mà chỉ gây hại khi xâm nhập vào cơ thể người. Trong khi đó, tổ chức FAO vẫn chưa tìm ra vắc-xin có hiệu quả để ứng phó với vi-rút này. Để chủ động phòng ngừa, người dân cần áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn, chủ động biện pháp bảo vệ. Đó là sử dụng bảo hộ lao động khi chăm sóc vật nuôi, rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với gia cầm, sản phẩm gia cầm. Chính quyền cơ sở, cơ quan thú y giám sát dịch bệnh để khống chế, khoanh vùng, không để lây lan trên diện rộng.

Bà Đào Quốc Khanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần ĐTK (Hà Nội): Ưu đãi cho doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Hiện chúng tôi đã xây dựng Nhà máy sản xuất trứng gà sạch công nghệ cao tại tỉnh Phú Thọ với tổng kinh phí đầu tư hơn 800 tỷ đồng. Nhờ xây dựng tách biệt với khu dân cư, quy trình chăn nuôi được kiểm soát và hoàn toàn tự động, khép kín nên nhà máy "miễn nhiễm" với hầu hết các loại cúm gia cầm phổ biến hiện nay. Để có dòng gà, nguồn trứng sạch cung cấp ra thị trường, tôi mong muốn các cấp, ngành nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ sớm có quy hoạch vùng, khu vực phát triển chăn nuôi gia cầm tập trung, áp dụng công nghệ hiện đại. Thực thi các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, trong đó ưu tiên đối với những doanh nghiệp có tiềm lực lớn, công nghệ hiện đại; quy hoạch các vùng nguyên liệu tập trung, hình thành chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và hộ nông dân để chăn nuôi với số lượng hợp lý, bảo đảm cân đối giữa đầu vào và đầu ra, tránh tình trạng nuôi theo phong trào.

Ông Nguyễn Xuân Hiếu, thôn Đề Thám, xã Đồng Tâm (Yên Thế): Ngăn chặn gia cầm nhập lậu

Những năm gần đây, chăn nuôi gia cầm gặp không ít khó khăn do tình hình dịch bệnh. Có 10 năm kinh nghiệm trong chăn nuôi gà, tôi nhận thấy, một trong những giải pháp nhằm phòng chống và hạn chế dịch bệnh, bảo vệ đàn gia cầm là chăn nuôi an toàn sinh học. Thực tế, hiện gia đình tôi thường xuyên duy trì nuôi khoảng 5 nghìn con gà theo quy trình VietGAHP. Tuy nhiên, để bảo vệ những hộ chăn nuôi chấp hành nghiêm túc quy định, tôi mong muốn cơ quan chức năng, ngành chuyên môn cần làm tốt công tác quản lý hoạt động vận chuyển gia cầm nhập lậu từ các tuyến biên giới cũng như gia cầm không rõ nguồn gốc ở trong nước. Bởi vì đây là một trong những nguồn gây bệnh. Cùng đó, các cơ quan thông tấn, báo chí chủ động tuyên truyền, định hướng thông tin về sản phẩm gà đồi Yên Thế để người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm đúng nguồn gốc, bảo đảm chất lượng.

Trịnh Lan - Sỹ Quyết

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang