• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Chợ bò tại gia

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng, 25/03/2017
Ngày cập nhật: 27/3/2017

Xóm Chợ Bò thuộc thôn Mỹ Thạnh Trung 1, xã Hòa Phong (huyện Tây Hòa, Phú Yên) nằm gần quốc lộ 29 từ Phú Yên đi Đắk Lắk. Chợ bò “ôm” luôn xóm nhà rộng trên 1ha, họp 24/24 giờ, có người mua sa cạ, có người mua “trụm”. Chợ bò ở đây buôn bán trên 20 năm qua.

Chợ bò

Chúng tôi vào xóm Chợ Bò, đó là một xóm nhà, mỗi nhà đều có chuồng bò, chuồng đồng thời là gian hàng. Mỗi gian hàng bò có ít nhất 15 con, nhiều lên đến 50 con. Có gian hàng nằm chếch bên hông nhà trên, có gian nằm cặp vách với chái bếp. Hầu hết gian hàng bò được “thiết kế” nằm mặt tiền đường. Tuy nhiên, có cái hay, gian hàng luôn sạch sẽ, khi bò thải ra, có người túc trực dọn vệ sinh ngay.

Ông Trần Văn Nghĩa, một người có gian hàng bò, chia sẻ: “Chợ bò ở đây thuận mua vừa bán. Xóm có đủ loại bò theo giá tiền, từ 10,1 - 20 triệu đồng/con, người mua giá tiền cỡ nào cũng có bò đáp ứng. Có những ngày người mua bò tấp nập đến xóm chợ, xe gắn máy dựng chật hai bên đường”. Gian hàng bò nhà ông Nghĩa đang “bày” 17 con bò, có thời điểm người mua mạnh, 3-4 ngày bán hết. Chậm lắm cũng một tuần là sạch chuồng. Tuy nhiên, để có bò bán hàng ngày, phải có người lo đầu ra (trực tại chuồng bán), đầu vô (đi mua về). Vì vậy, nhà ông cả dâu rể có 8 người dồn sức hết vào gian hàng, người thì lo cỏ rác, người thì lo đi mua, người thì lo trực tại chuồng bán…

Đi mua bò gần thì ra An Nhơn (Bình Định) lên thị xã An Khê, vô tận huyện vùng cao Kông Chro (Gia Lai) gom 3-4 ngày mới đủ số lượng bò 14-15 con rồi chở xe tải nhỏ về. Còn xa thì đi Tây Ninh rồi qua tận Campuchia mua bằng xe tải 3 chân (3 trục), 40 con/chuyến, thời gian đi kéo dài 7 ngày.

Nói về nghề đi mua bò, ông Nguyễn Đình Long, người có thâm niên trên 10 năm ở xóm Chợ Bò, xởi lởi: “Đi mua bò cũng có “mánh”, đi cả nhóm, lần lượt người đến trước, người đến sau, trả giá. Tuy nhiên buôn bán phải có đức…”.

Chợ bò mua bán bò lai mẫu mã đẹp, đủ màu

Mua bán “gối đầu”

Chợ bò tại gia nên “họp” 24/24 giờ, ai cần mua hồi nào bán hồi nấy. Có lúc lái bò từ các nơi xa đến mua lúc nửa đêm rồi gà gáy chở đi, nếu bán lái thì có người mua sa cạ 3-4 con, có người mua “trụm” lùa ra cả bầy.

Gần đây, xóm Chợ Bò còn có phong trào mua bán bò “chà”, đó là người trong xóm đến gian hàng bò hỏi mua, thống nhất giá cả xong rồi lùa bò về chuồng mình nhốt, sau đó kêu người khác bán “sang tay”, lấy tiền bán đưa chủ cũ, còn lại kiếm tiền lời. Vì vậy, xóm lúc trước chỉ có 12 nhà có gian hàng, nay nhiều người trong xóm mua bò “chà” nên nhân rộng đến 20 nhà.

Mỗi gian hàng bò đều có bộ bàn ghế nhựa, bình trà để tiếp khách. Nhiều người mua bò ở các nơi đến ngồi trao đổi. Chợ bò đa dạng từ mẫu mã, đến chủng loại bò lai, màu sắc: mốc lam, đen đỏ, có con thì sừng vạp (sừng cong), có con sừng gốc tre (sừng to)... Một chủ gian hàng bò cho biết: “Sắm” gian hàng từ 200 triệu đến nửa tỷ đồng. Tuy nhiên để có bò mua bán “gối đầu”, nhiều người hùn vốn, thay phiên nhau, người lo đầu vô, người lo đầu ra…”. Ông Phạm Duy Định, ở xã Hòa Thành, huyện Đông Hòa (Phú Yên) lên xóm chợ mua bò cho hay: “Tôi dự định mua cặp nghé đực cao 1m về nuôi vỗ béo. Trước đây, vỗ béo bò cỏ thì nuôi đến đâu, bò mướp lông đến đó, tuy nhiên trọng lượng nhỏ, lãi thấp. Còn bò lai bộ xương to, nuôi đúng sức cao 2m trở lên mới bung đùi, đổ thịt bán trên 30 triệu đồng, lãi gần 20 triệu đồng/con”.

Cũng theo ông Định, nuôi vỗ béo bò hiện nay có thuận lợi vì trồng cỏ voi, cỏ tây, người nuôi bỏ ra 30 phút cắt đầy một gánh. Còn trước đây mang giỏ ra bờ ruộng ngồi “nạo” cả buổi mới đầy giỏ cỏ mang về. Phong trào vỗ béo bò lai đang lớn mạnh, chính vì vậy những chòm đất xấu trong gò đồi mấy năm trước bỏ hoang nay bà con trồng cỏ voi, cỏ tây. “Nuôi vỗ béo bò cũng có “mánh”, người nuôi không chỉ cho bò ăn cỏ, rơm mà còn nấu cháo nuôi bò. Hồi còn nuôi bò thịt, nhà tôi nấu cháo bằng rau cám, nay nuôi bò lai thì cho ăn “sang” hơn, nấu cháo bằng… gạo”, ông Định nói.

Ông Nguyễn Văn Tiếp, Chủ tịch UBND xã Hòa Phong, cho biết: “Xóm Chợ Bò hình thành trên 20 năm, tên gọi có từ đó. Toàn xã có 8 thôn nhưng xóm Chợ Bò, thôn Mỹ Thạnh Trung 1 phát triển nhất. Mỗi ngày xóm tiêu thụ 20 xe bò, mỗi xe trung bình 15 con. Mua bán bò tạo ra nguồn thu nhập khá nên đất đai ở đó có giá. Người dân xóm Chợ Bò không chỉ sắm xe tải chở bò, mà còn mua ô tô”. Trước đây, khu vực xóm Chợ Bò thường bùng phát dịch bệnh lở mồn long móng, tụ huyết trùng do người mua chủ quan, bò bán nên không tiêm phòng. Thời gian gần đây, ngành chức năng phối hợp với các hội đoàn thể xã tuyên truyền vận động người buôn tiêm phòng đầy đủ nên đã ngăn ngừa dịch bệnh.

Mạnh Hoài Nam - Lệ Quyên

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang