• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Heo đeo vòng - Lối mở cho người chăn nuôi

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi, 24/03/2017
Ngày cập nhật: 26/3/2017

Heo đeo vòng trước khi cho xuất trại.

Theo Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, kể từ ngày 1-3-2017, TP. Hồ Chí Minh bắt buộc toàn bộ heo nhập vào địa bàn này phải đeo vòng nhận diện để truy xuất nguồn gốc, nhằm đáp ứng yêu cầu về quyền của người tiêu dùng. Đây cũng là lối mở cho người chăn nuôi, cách bảo vệ ngành chăn nuôi Việt Nam; đáp ứng yêu cầu quyền được thông tin của người tiêu dùng.

Hướng tới thị trường lớn

Theo ông Đào Hà Chung - Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, từ ngày 1 đến 21-3-2017, Bến Tre có 19 trang trại và 10 thương nhân tham gia truy xuất nguồn gốc heo, với trên 10.470 con heo đã được khai báo thông tin. Có hơn 80% lượng thịt heo ở TP. Hồ Chí Minh là do 10 tỉnh, thành khác cung cấp. Trong đó, Bến Tre, Tiền Giang là những tỉnh đứng hàng top (sau tỉnh Đồng Nai) về sản lượng thịt heo cung cấp vào TP. Hồ Chí Minh mỗi ngày.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên mới đây, cán bộ trực chốt kiểm dịch động vật huyện Mỏ Cày Nam cho biết: “Chưa được triển khai phân công nhiệm vụ về việc đeo vòng heo nên việc heo có đeo hay không thì chúng tôi không quản lý”.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Phó giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, bước đầu Sở Công Thương chưa siết chặt quy định, chỉ yêu cầu thông tin ở mức độ thấp nhất là chỉ rõ nguồn gốc, đường đi của heo. Việc yêu cầu thông tin trong quá trình chăn nuôi sẽ tiếp tục thực hiện ở giai đoạn 2. Hiện mới có 60% lượng heo nhập vào TP. Hồ Chí Minh có khai báo thông tin. 40% còn lại trước mắt chỉ yêu cầu có đeo vòng, thậm chí chưa khai báo thông tin và chưa thể truy xuất.

Trong khi người chăn nuôi chưa sẵn sàng khai báo thông tin, tham gia đề án thì Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh tạm thời cho thương nhân tham gia đề án, đăng ký vòng màu vàng đeo vào chân heo trước khi vào hai chợ đầu mối của thành phố. Theo đề án, hộ chăn nuôi trên 100 con sẽ được ưu tiên đăng ký nhưng để khuyến khích đông đảo người chăn nuôi tham gia, Sở Công Thương vẫn cho những hộ có dưới 100 con đăng ký khai báo thông tin. Từ ngày 13-3 đến 14-4-2017, các cơ sở, hộ chăn nuôi đăng ký mua vòng nhận diện khai báo thông tin sẽ được Sở Công Thương hỗ trợ 50% chi phí mua vòng. Riêng thương lái sẽ không được hỗ trợ.

Triển vọng đề án Hầu hết người chăn nuôi, doanh nghiệp, thương nhân Bến Tre đều rất thích thú sau khi được nghe ông Nguyễn Ngọc Hòa báo cáo tóm tắt nội dung và ý nghĩa của việc thực hiện đề án cũng như để bảo vệ người chăn nuôi, thương nhân tham gia hợp pháp.

Theo ông Đỗ Huy Tính - chủ trang trại heo ở huyện Giồng Trôm, đề án cần được triển khai sớm hơn. Biết rằng bước đầu thực hiện quy định này là khó nhưng phải làm, phải quyết liệt. Bởi, có làm được thì người chăn nuôi mới sống được với nghề.

Ông Lê Văn Hiềm - chủ trang trại heo và kinh doanh gia súc thú y Mỏ Cày Nam cho rằng, chủ trương của TP. Hồ Chí Minh là hoàn toàn đúng, đáp ứng theo yêu cầu người tiêu dùng thành phố. Nếu người dân Bến Tre không cải thiện được tập quán nuôi nhỏ lẻ, cách nuôi truyền thống và không tham gia cách làm mới thì sẽ tuột mất cơ hội đưa sản phẩm vào thị trường lớn TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, chỉ có điều bất cập là người dân tự đi mua vòng.

Trước băn khoăn liệu những thương nhân chân chính có thiệt thòi khi vẫn còn tồn tại nhiều trường hợp lén tiêm thuốc, bơm nước cho heo trong quá trình vận chuyển mà không bị phát hiện, ông Đào Hà Chung chia sẻ: Ưu điểm của quy trình truy xuất nguồn gốc heo bằng thiết bị điện tử là các hoạt động sẽ được kiểm soát tại hệ thống máy chủ tại Công ty phần mềm Quang Trung. Các thông tin bất thường sẽ bị phát hiện. Những đối tượng không tuân thủ quy định sẽ bị loại khỏi chương trình này.

Ông Trần Quang Thái - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh yêu cầu, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh và Bến Tre cần phối hợp làm đầu mối để người dân được tiếp cận thông tin tư vấn, các thủ tục và mua vòng nhận diện ở nơi gần nhất, nhanh nhất. Cũng theo ông Thái, chi cục đang nhận 2 thiết bị để quét kích hoạt vòng xuất trại (màu cam), trong đó có 1 thiết bị trang bị cho trạm cầu Rạch Miễu. Ông đề xuất cần trang bị cho mỗi huyện một máy và được tập huấn.

Tránh “vàng thau” lẫn lộn

“Vàng thau” lẫn lộn là một trong những nguyên nhân khiến người tiêu dùng khó phân biệt và đánh đồng giá trị giữa heo VietGAP với heo thường, khiến giá thịt heo VietGAP không khác biệt so với heo thường. Ông Hồ Văn Truyền - chủ trang trại heo VietGAP, huyện Mỏ Cày Nam bức xúc, vì đã qua 2 lần công nhận đạt chuẩn VietGAP nhưng đến nay ông chưa bán được một con heo nào đúng nghĩa VietGAP. Giá bán lại thấp hơn heo thường 200 ngàn đồng/tạ. Đàn heo của ông nói riêng và của tổ hợp tác chăn nuôi heo Mỏ Cày Nam đạt chuẩn VietGAP khoảng từ 2 - 3 ngàn con đã đến lúc phải xuất chuồng nhưng vẫn nằm chờ thời.

Với việc dùng Smartphone quét miếng thịt heo, người mua sẽ biết rõ xuất xứ, trang trại nuôi, có đảm bảo an toàn thực phẩm hay không, đã được tiêm ngừa những loại thuốc nào, ăn thức ăn gì, có gì bất ổn trong quá trình vận chuyển từ trại đến lò mổ và đến chợ, thịt heo đạt chuẩn GAP hay không... Tất cả các thông tin của miếng thịt sẽ được báo cáo trong chương trình điện tử. Khi phát hiện dấu hiệu bất thường, người tiêu dùng từ chối sử dụng. Lập tức, người chăn nuôi cũng sẽ nhận được thông báo rằng miếng thịt mình cung cấp đã bị từ chối.

“Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh rất mừng khi chủ trương về việc truy xuất nguồn gốc con heo thông qua hệ thống thiết bị điện tử được người chăn nuôi Bến Tre đồng tình ủng hộ cao. Qua đây cho thấy, sự vào cuộc, nhận thức của lãnh đạo địa phương và người chăn nuôi rất mạnh mẽ, quyết tâm cao” - ông Nguyễn Ngọc Hòa đánh giá. Ông Hòa cho biết, Sở Công Thương tổ chức các lớp tập huấn trên địa bàn tỉnh vào tuần tới. Tại đây sẽ tư vấn, nhận đăng ký tham gia của hộ chăn nuôi. Trước mắt, Sở tập trung các huyện nuôi heo trọng điểm như: Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Châu Thành… Nếu tiến độ triển khai nhanh thì đến giữa tháng 4 sẽ dừng việc cho thương nhân đăng ký mua vòng.

Trước mắt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mà trực tiếp là cơ quan thú y phối hợp với Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh tổ chức các lớp tập huấn trên địa bàn các huyện. Siêu thị Co.opmart Bến Tre sẽ làm điểm trình diễn tiêu thụ sản phẩm thịt heo có nhãn tem. Người tiêu dùng có thể dùng điện thoại thông minh để truy xuất nguồn gốc sản phẩm trước khi quyết định chọn mua.

C.Trúc

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang