• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bà Rịa - Vũng Tàu: Tăng cường các biện pháp phòng chống cúm gia cầm

Nguồn tin: Báo Bà Rịa Vũng Tàu. 15/03/2017
Ngày cập nhật: 16/3/2017

Cán bộ Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Long Điền hỗ trợ tiêm vắc xin cúm A/H5N1 cho đàn thủy cầm của ông Lâm Đình Sửu.

Tính đến ngày 14-3, trên cả nước còn 5 ổ dịch cúm gia cầm H5N1 tại 5 tỉnh: Cao Bằng, Hà Tĩnh, Bắc Ninh, Tây Ninh và Sóc Trăng chưa qua 21 ngày. Trước diễn biến này, cơ quan chức năng và người chăn nuôi gia cầm trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang tăng cường các biện pháp phòng chống cúm gia cầm như: tiêm vắc xin đúng lịch, thường xuyên vệ sinh chuồng trại...

Trước thông tin cúm gia cầm đang bùng phát trở lại tại các tỉnh phía Bắc và một số tỉnh lân cận BR-VT, những ngày qua, người chăn nuôi gia cầm trong tỉnh đang tích cực tiêm phòng vắc xin, vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng để giảm đến thấp nhất nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Ông Lâm Đình Sửu, có kinh nghiệm 15 năm nuôi vịt đẻ tại xã Tam Phước, huyện Long Điền cho biết, ông đang nuôi đàn vịt đẻ 1.300 con. Những ngày qua, trước thông tin cúm gia cầm đang bùng phát trở lại ở một số tỉnh, ngoài việc chăm sóc cho đàn vịt đủ chất dinh dưỡng, ông thường xuyên vệ sinh chuồng trại, khử trùng bằng vôi bột hàng tuần. Mỗi năm 2 lần, ông đều chủ động mua vắc xin tiêm phòng các loại dịch bệnh cho đàn vịt. “Nuôi vịt đẻ có đặc thù riêng, nếu như có những tác động đến sinh hoạt thường ngày của chúng thì tỷ lệ cho trứng sẽ sụt giảm. Trung bình mỗi ngày, đàn vịt của tôi đẻ khoảng 1.000 trứng. Nếu như thực hiện tiêm phòng thì lượng trứng sẽ giảm 20-30% trong 2-3 ngày sau tiêm. Tuy nhiên, việc phòng chống cúm vẫn phải được ưu tiên hàng đầu”, ông Sửu nói.

Bà Nguyễn Thị Lánh, ấp Phong Phú, xã Long Phước (TP.Bà Rịa) đang nuôi gia công gà công nghiệp cho một công ty ở Đồng Nai, với tổng đàn 38 ngàn con. Nếu để xảy ra dịch bệnh, không có gà giao cho công ty, bà phải bồi thường hợp đồng với số tiền lên đến cả tỷ đồng. Bà Lánh cho biết, trước khi bắt gà giống về nuôi, bà đã tiến hành vệ sinh, rắc vôi tiêu độc, khử trùng kỹ lưỡng hết diện tích chuồng trại. Những ngày qua, khi tình hình bệnh cúm gia cầm đang có nguy cơ bùng phát mạnh, bà Lánh luôn theo dõi sát đàn gà, khử trùng, vệ sinh chuồng trại hàng tuần, bổ sung chất dinh dưỡng, kháng sinh cho gà để hạn chế vi rút tấn công. “Phòng chống dịch bệnh trên đàn gia cầm là việc làm thường xuyên, luôn được các trang trại chăn nuôi quan tâm hàng đầu. Bởi nếu để dịch bệnh xảy ra, thiệt hại thuộc về người chăn nuôi, do đó chưa bao giờ tôi dám lơ là với công tác phòng chống dịch bệnh”, bà Là khẳng định.

Thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh cho thấy, hiện toàn tỉnh có hơn 47 ngàn hộ, trang trại chăn nuôi gia cầm, với tổng đàn hơn 4,3 triệu con. Những năm gần đây, hầu hết các hộ chăn nuôi gia cầm từ nhỏ lẻ đến trang trại tập trung đều chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh bằng cách thường xuyên tiêu độc khử trùng ở khu vực chăn nuôi và mua các loại vắc xin về để tiêm phòng. Ông Trần Quang Long, Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Long Điền cho biết, trên địa bàn huyện có gần 200 hộ chăn nuôi gia cầm, chủ yếu là vịt đẻ, với khoảng 170 ngàn con. Những năm qua, thông qua công tác tuyên truyền, vận động của ngành thú y và các cơ quan chức năng, các hộ chăn nuôi đã chú trọng công tác tiêm phòng chống cúm gia cầm. Từ năm 2008 đến nay, trên địa bàn huyện không xảy ra dịch cúm trên gia cầm.

Ông Nguyễn Lương Trai, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, trung bình mỗi năm, ngành thú y tỉnh tổ chức 2 đợt tiêm phòng vào tháng 2 và tháng 9. Trong các đợt tiêm phòng, những hộ chăn nuôi gia cầm, thủy cầm nhỏ lẻ có tổng đàn dưới 2.000 được tỉnh hỗ trợ toàn bộ chi phí tiêm phòng. Còn đối với những trang trại chăn nuôi gia cầm, thủy cầm có số lượng trên 2.000 con, chủ trang trại trả kinh phí tiêm phòng. “Bên cạnh việc tiêm phòng, để công tác phòng chống dịch bệnh hiệu quả, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cũng thường xuyên khuyến cáo, tuyên truyền người chăn nuôi cần chủ động trong việc tiêu độc, sát trùng, vệ sinh chuồng trại để diệt trừ mầm mống gây bệnh’, ông Trai nói.

CÁT TƯỜNG

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang