• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bảo tồn & phát triển con đặc sản: Vật nuôi truyền thống 'lên ngôi'

Nguồn tin: Nông Nghiệp VN, 07/03/2017
Ngày cập nhật: 8/3/2017

Thực tiễn cho thấy vật nuôi truyền thống có năng suất thấp nhưng chất lượng lại rất phù hợp với thói quen văn hóa, khẩu vị của người Việt.

LTS: Thực tiễn cho thấy vật nuôi truyền thống có năng suất thấp nhưng chất lượng lại rất phù hợp với thói quen văn hóa, khẩu vị của người Việt. Nhiều đơn vị tận dụng thế mạnh của ưu thế lai kết hợp khoa học công nghệ hiện đại nhằm phát triển con đặc sản để trở thành hàng hóa có giá trị cao...

Thành công gà lông màu

Trong số những vật nuôi truyền thống, bản địa của Việt Nam, tính đến thời điểm hiện tại thành công nhất chính là con gà lông màu. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hiện tổng đàn gia cầm của cả nước khoảng 300 triệu con, trong đó chiếm 20 - 25% là gà công nghiệp lông trắng; 15 - 20% là gà đẻ trứng, còn lại chiếm khoảng 50 - 60% là gà lông màu mang gen bản địa.

Gà lông màu là một trong những thành công lớn của Việt Nam trong khôi phục, phát triển vật nuôi bản địa

Các giống gà lông màu hiện đang thống trị thị trường Việt Nam đều có nguồn gốc từ giống gà bản địa của nước ta như: gà Mía, gà Ri, gà Chọi, gà Đông Tảo, gà Hồ, gà tre… trên cơ sở kết hợp ưu thế lai với giống gà mái nền Lương Phượng nhập ngoại.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quý Khiêm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Gia cầm Thụy Phương (Viện Chăn nuôi) chia sẻ, đa phần các giống gà bản địa của Việt Nam đẻ kém, tốc độ sinh trưởng chậm, dài ngày nên giá thành cao, nhưng đổi lại khả năng chống chịu, thích nghi với thời tiết tốt, thịt thơm ngon hợp khẩu vị người Việt. Do đó, để phát huy tối đa lợi thế của các giống gà bản địa phải tận dụng thế mạnh của ưu thế lai.

Hiện bình quân mỗi năm Trung tâm Nghiên cứu Gia cầm Thụy Phương cung cấp ra thị trường cho các doanh nghiệp và HTX khoảng 500.000 gà bố mẹ, đồng nghĩa với việc tạo ra khoảng 60 triệu gà thương phẩm mỗi năm. Đa phần các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giống gia cầm lông màu trong nước đều sử dụng gà bố mẹ (mái nền) có máu Lương Phượng. Lý do bởi giống gà này đẻ tốt, tốc độ sinh trưởng khá nhanh nên khi lai tạo với trống các giống gà bản địa của Việt Nam là gà Mía, gà Hồ, Đông Tảo, gà Chọi sẽ cho ra con lai F1 được cả về tốc độ sinh trưởng lẫn mẫu mã, hình thức và chất lượng thịt.

Trong tổng số khoảng 150 triệu con gà lông màu trên thị trường hiện nay, chiếm thị phần lớn nhất là Tập đoàn Dabaco Việt Nam với sản lượng bình quân 30 triệu con giống gà lông màu mỗi năm. Theo tâm sự của ông Nguyễn Như Phán, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Gà giống Dabaco, trước đây bản thân doanh nghiệp của ông chủ yếu sản xuất con gà lông trắng có nguồn gốc nước ngoài.

Nhưng từ năm 2008, doanh nghiệp nhận thấy tập quán, thói quen và văn hóa truyền thống của người dân Việt Nam không thể bỏ được con gà lông màu nên chuyển hướng nghiên cứu. Hiện tại, bộ 5 sản phẩm chính, chủ lực của Dabaco đều có nguồn gen từ các giống gà bản địa là: J-Dabaco (máu gà Ri); gà Nòi ô tía, Nòi chân vàng (máu gà Nòi, Chọi), gà Tân Hồ (máu gà Hồ) và gà 9 cựa.

Bản địa phải gắn thương hiệu

Bên cạnh những thành công của các doanh nghiệp nhờ tận dụng ưu thế lai các vật nuôi bản địa, một số đơn vị chọn hướng khôi phục, cải tạo các vật nuôi đặc sản theo hướng thuần chủng kết hợp với xây dựng thương hiệu cũng đã tạo dựng được chỗ đứng nhất định trên thị trường.

Nhắc đến con lợn Móng Cái gần như những gia đình nào đã từng trải qua thời kỳ bao cấp đều không thể quên hình ảnh những chú lợn lưng võng với mảng lông nửa đen nửa trắng. Tuy nhiên, khi làn sóng lợn ngoại hướng nạc ồ ạt tràn vào khiến con lợn Móng Cái có nguy cơ mai một.

Con lợn Móng Cái hiện không chỉ được phục hồi mà còn phát triển mạnh mẽ

Nhận thấy những đặc điểm nổi trội không phải giống lợn nào cũng có từ con lợn Móng Cái, chị Lê Thị Thúy Dung, Công ty Nông lâm ngư Quảng Ninh, đơn vị sở hữu trang trại lợn Móng Cái lớn nhất tỉnh Quảng Ninh tại xã Hải Đông, TP Móng Cái nghĩ, nếu chịu khó chọn lọc kết hợp điều chỉnh thức chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả khi khôi phục ại giống lợn này.

Vậy là chị Dung lặn lội khắp các tỉnh phía Bắc để thu gom, sưu tầm những con lợn Móng Cái thuần chủng. Sau 5 năm gây dựng, hiện trang trại của chị Dung sở hữu trên 500 con lợn Móng Cái bố mẹ thuần chủng.

Chị Dung cho biết, ngoài những ưu điểm nổi trội, lợn Móng Cái có hai nhược điểm liên quan tới khả năng sinh sản và thịt hơi hướng mỡ. Để khắc phục hạn chế này, chị Dung tiến hành sàng lọc, tuyển chọn được những con nái Móng Cái có thể đẻ tới 15 - 18 con/lứa, còn lại đại đa số bình quân 12 - 14 con/lứa. Để giảm tỉ lệ mỡ, trang trại của chị sử dụng 100% thức ăn sinh học tự phối trộn từ ngô, sắn, cám gạo, mạch nha, mỳ… và tuyệt đối không sử dụng thức ăn công nghiệp, nhờ đó tỉ lệ nạc của con lợn cũng tăng lên đáng kể.

Đặc biệt, nhờ cách chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học kết hợp xây dựng thương hiệu bài bản nên chất lượng thịt lợn Móng Cái tại trang trại của chị Dung rất thơm, ngon, mềm, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng hiện nay là thích ăn thịt vừa có mỡ, vừa có nạc.

Với trên 500 nái bố mẹ, nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương hiện mỗi năm trang trại của chị Dung cung cấp cho bà con trên địa bàn TP Móng Cái và các địa phương lân cận của tỉnh khoảng 8.000 con lợn thương phẩm. Nhờ đó, đã cơ bản khôi phục lại được nghề chăn nuôi lợn Móng Cái tại Quảng Ninh.

Cũng là một doanh nghiệp thành công và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường nhờ chọn thị trường ngách sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm vật nuôi bản địa, anh Trương Cao Sơn - Chủ tịch HĐQT Cty Chế biến Thực phẩm 3F hiện đã xuất bán được các sản phẩm mang bản sắc cho bà con Việt kiều ở nước ngoài thông qua con đường xách tay.

Hai sản phẩm đang làm mưa làm gió trên thị trường của 3F hiện nay chính là gà Ri thui rơm và lợn rừng gác bếp. Các giống gà được lựa chọn để thui rơm của 3F đều là gà Ri thuần, trọng lượng trưởng thành chỉ 1,5 - 1,7kg/con, chất lượng thị thơm ngon, da vàng tự nhiên. Với lợn rừng, cũng tương tự, mang 30 - 50% máu lợn rừng Việt Nam kết hợp với các giống lợn nái bản địa nên thịt săn chắc, thơm ngon, không quá nạc và khô nên rất hợp khẩu vị người Việt. Đặc biệt, 3F đầu tư xây dựng thương hiệu rất bài bản nên đến thời điểm này thực phẩm 3F thực sự trở tên tuổi có uy tín lớn tại Thủ đô.

+ Ngoài Dabaco Việt Nam, hiện có hai doanh nghiệp sản xuất gà lông màu cũng đang thành công với giống gà bản địa nhờ tận dụng ưu thế lai là Công ty Gia cầm Minh Dư (Bình Định) và Công ty Giống gia cầm Lượng Huệ (Hải Phòng) khi mỗi năm cung cấp ra thị trường trên 30 triệu con gà lông màu trên cơ sở các giống gà đặc sản của Việt Nam là: gà tre, gà Ri, gà Nòi…

+ Theo Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, Cty CP Chế biến thực phẩm sạch 3F là điểm sang của Hà Nội trong việc khôi phục, phát triển vật nuôi truyền thống khi đơn vị hiện có quy mô 200 trang trại gà, 15 trang trại lợn rừng (750 nái giống gốc, trên dưới 10.000 lợn thương phẩm), khu chế biến thực phẩm đóng gói, công suất 3 tấn lợn + 3.000 gà + 100.000 quả trứng/ngày… Bên cạnh đó, 3F có chuỗi gần 10 cửa hàng và nhà hàng chuyên bán và cung cấp các sản phẩm do mình làm ra.

NGUYÊN HUÂN

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang