• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Chăn nuôi hiệu quả ở Hiệp Xương (An Giang)

Nguồn tin: Báo An Giang, 14/02/2017
Ngày cập nhật: 15/2/2017

Việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn xã Hiệp Xương (Phú Tân, An Giang) thời gian qua luôn được đẩy mạnh. Qua đó, đã xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế địa phương.

Thoát nghèo từ nuôi trăn

Từ một vài hộ ban đầu, đến nay, mô hình nuôi trăn đã phát triển rộng ra nhiều hộ trong xã Hiệp Xương. Theo phân tích của anh Nguyễn Văn Phước (sinh năm 1979), nông dân ấp Hiệp Trung, so với các mô hình chăn nuôi khác thì mô hình nuôi trăn thịt mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Ưu điểm lớn của mô hình này là không cần nhiều diện tích, dễ nuôi, nguồn thức ăn dễ kiếm, không đòi hỏi nhiều kỹ thuật, ít tốn công chăm sóc và đặc biệt là đầu ra ổn định, giá bán luôn ở mức cao, giúp nhiều người thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống. “Năm vừa rồi, gia đình tôi nuôi 80 con trăn. Sau 6 tháng nuôi, trọng lượng mỗi con đạt từ 4 - 6kg, có thể xuất bán với giá trên dưới 1 triệu đồng/con. Sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình tôi thu lãi khoảng 40 triệu đồng. Thấy nghề này đem lại lợi nhuận cao nên tôi lựa ra 7 con cái để cho sinh sản, bán giống cho bà con. Mỗi năm, trăn sinh sản 1 lần, đẻ từ 40 - 60 con. Tôi bán trăn giống với giá 200.000 - 250.000 đồng/con. Trừ chi phí, mỗi đợt bán trăn con, gia đình tôi thu lãi khoảng 70 triệu đồng” - anh Phước phấn khởi.

Thoát nghèo từ mô hình nuôi trăn ở Hiệp Xương

Tương tự anh Phước, chị Phạm Thị Nga (ấp Hiệp Thuận) cũng chọn mô hình nuôi trăn để phát triển kinh tế gia đình. Theo chị Nga, thịt trăn được nhiều người ưa chuộng, nên đầu ra ổn định, không sợ thua lỗ. Giá trăn thường cao và ổn định, dao động khoảng 200.000 đồng/kg. Bình quân mỗi vụ nuôi, gia đình chị thu lãi khoảng 20 triệu đồng. “Nuôi trăn không gây ảnh hưởng đến môi trường. Đây là mô hình có thể nhân rộng để giúp bà con nông dân, đặc biệt là nông dân không có đất canh tác nhanh chóng thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống” - chị Nga thông tin.

Nhân rộng mô hình hay

Bên cạnh mô hình nuôi trăn, xã Hiệp Xương còn có nhiều mô hình nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như ông Nguyễn Văn Đáo (ấp Hiệp Thành), tận dụng đất xung quanh dưới sàn nhà, nuôi 6 bồn lươn với số lượng 600 con, trên diện tích 60m2, tổng chi phí 25 triệu đồng. Sau 8 tháng nuôi, ông cho xuất bán, trừ chi phí, ông Đáo thu về lợi nhuận khoảng 60 triệu đồng. Ngoài ra, còn có mô hình nuôi ba ba của ông Nguyễn Tám Ba (ngụ ấp Hiệp Thạnh), thu lãi 60 triệu đồng sau 2 năm; mô hình nuôi bò vỗ béo thâm canh kết hợp nuôi cá nàng hai của ông Nguyễn Văn Hùm (ấp Hiệp Thuận), mỗi năm thu lãi trên 200 triệu đồng. Bên cạnh đó, còn có nhiều mô hình cần được nhân rộng như nuôi vịt xiêm thả vườn theo hướng an toàn sinh học của anh Nguyễn Thiện An (ấp Hiệp Hòa) trên dưới 100 triệu đồng/năm… Đặc biệt, nhiều nông dân còn tích cực đóng góp tiền của, công sức cùng với chính quyền địa phương chăm lo công tác an sinh xã hội, từ thiện xã hội, xây dựng các công trình phúc lợi ở nông thôn…

Việc triển khai các mô hình phát triển sản xuất đã giúp nông dân nâng cao trình độ và năng lực sản xuất, góp phần tăng thu nhập cho bà con nông dân, khuyến khích người dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Ông Phan Văn Tông, Chủ tịch Hội Nông dân (HND) xã Hiệp Xương cho biết, thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả của các mô hình. Đồng thời, vận động bà con nông dân tích cực đổi mới tư duy, gắn sản xuất với tiêu thụ. Qua đó, giúp thay đổi tập quán, kỹ thuật canh tác lạc hậu, đưa tiến bộ khoa học-công nghệ, cơ giới hóa vào sản xuất, áp dụng quy trình sản xuất mới đối với cây trồng, vật nuôi, gắn với củng cố và phát triển hợp tác xã; tích cực đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ vào quá trình sản xuất…

ĐỨC TOÀN

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang