• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nỗi lo trước mùa hạn, mặn

Nguồn tin: Báo Hậu Giang, 03/01/2017
Ngày cập nhật: 4/1/2017

Đến bây giờ, người chăn nuôi thủy cầm trên địa bàn tỉnh Hậu Giang vẫn chưa thể quên sự tác động nặng nề của đợt hạn, mặn hồi đầu năm 2016. Thế mà hiện nay, họ lại chuẩn bị đương đầu với đợt hạn hán, xâm nhập mặn được dự báo là diễn ra gay gắt trong những tháng cao điểm của mùa khô sắp tới.

Người nuôi vịt trên địa bàn tỉnh cần chủ động đề ra phương án ứng phó với đợt xâm nhập mặn trong những tháng mùa khô năm 2017 sắp tới.

Ám ảnh chưa nguôi

Nhắc đến đợt hạn hán, xâm nhập mặn vào thời điểm đầu năm 2016, trên gương mặt bà Trần Thị Trí, ở ấp 8, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, thoáng hiện lên nét buồn rười rượi, pha chút xót xa. Bởi đó là khoảng thời gian mà gia đình bà phải chật vật để giành lại sự sống cho từng con vịt trong đàn được thả nuôi theo hình thức “chạy đồng”. “Ban đầu, tổng đàn vịt là 1.700 con nhưng bị chết lần, chế mòn hết 400 con, tức chỉ còn lại 1.300 con. Đã vậy, giá trứng vịt lúc đó ở khoảng 1.600 - 1.700 đồng/trứng, khiến người nuôi “khổ chồng khổ” và đối diện nguy cơ thua lỗ nặng”, bà Trí kể.

Theo bà Trí, lúc ấy, nhìn từng con vịt bị nước mặn làm chân co rúm lại không đi được, lòng bà cảm thấy rất xót xa, nhưng chẳng biết làm thế nào để cứu chúng. Bởi mỗi con vịt chết đi là đã có bấy nhiêu tiền của đổ vào đó rồi. Trong khi, mỗi ngày, chi phí mua lúa cho ăn và tiền thuốc men càng làm gia tăng thêm gánh nặng cho gia đình bà. Thế mà muốn “chạy đồng” lại không dám đi, vì đâu đâu cũng bị nước mặn tấn công. “Hiện, tôi vẫn chưa dám mạnh dạn thả nuôi với số lượng lớn như trước nữa. Cho nên giờ đây tổng đàn chỉ còn lại 500 con vịt đang cho trứng”, bà Trí khẳng định.

Còn anh Nguyễn Thanh Tú, ở ấp Thạnh Bình, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, lo lắng: “Thời tiết bây giờ diễn biến rất phức tạp nên tôi thường xuyên theo dõi thông tin, đề phòng khi có nước mặn về sẽ nhanh chóng lùa 150 con vịt đẻ dưới sông lên mương liền, nhằm tránh thất thoát sản lượng trứng”. Theo ngành chuyên môn tỉnh, mặc dù chưa có con số thống kê cụ thể về mức độ tác động của đợt hạn, mặn lên đàn gia cầm, thủy cầm hồi đầu năm 2016, nhưng sản lượng trứng vịt thời điểm đó sụt giảm khoảng 20-30%. Mặt khác, khi môi trường sống thay đổi đột ngột, sức đề kháng cơ thể yếu, rối loạn về quá trình trao đổi chất sẽ làm cho thủy cầm dễ mắc bệnh.

Chủ động ứng phó

Rút kinh nghiệm trong đợt hạn hán, xâm nhập mặn hồi đầu năm 2016, người nuôi thủy cầm trên địa bàn tỉnh đã chủ động hơn trong khâu chăm sóc bằng cách trữ nước ngọt để cung cấp cho đàn vịt trong những tháng mùa khô. Thời điểm này, chị Hồ Thị Lệ Hằng, ở ấp Thạnh Lợi, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, đã tranh thủ di chuyển đàn vịt đến các cánh đồng ở Bạc Liêu để tìm nguồn thức ăn. Chị Hằng dự định sẽ tiếp tục cho đàn vịt “chạy đồng” đến khi bước vào cao điểm mùa khô năm tới thì mới trở về quê nhà. Sau đó nuôi nhốt trong mương của gia đình và mua lúa đổ cho vịt ăn hàng ngày khi mặn xâm nhập sâu vào địa bàn.

Chị Hằng cho hay: “Tới đây phải theo dõi thường xuyên diễn biến mặn trong mùa khô nhằm biết chỗ mình có bị ảnh hưởng hay không. Nếu có, tôi sẽ trữ nước ngọt trong mương phía sau nhà để nhốt, rồi mua lúa cho ăn lây lất qua thời điểm khắc nghiệt của những tháng xâm nhập mặn. Tuy có tốn kém nhưng có thể bảo vệ được nguồn thu nhập chính của gia đình, hạn chế được thất thoát đàn vịt là tôi mừng rồi”. Theo ngành chuyên môn tỉnh, hiện có một số giải pháp có thể giúp cho bà con ở các vùng bị xâm nhập mặn hàng năm áp dụng để bảo vệ đàn gia cầm, thủy cầm.

Trong đó, có giải pháp làm chỗ nuôi nhốt, cho thủy cầm sinh sống trong các ao, mương đã dự trữ sẵn nước ngọt; tuân thủ tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch để tăng sức đề kháng. Ông Trịnh Hùng Cường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, cho rằng: “Về lâu dài, cần tính toán tới phương án tìm nuôi những giống vịt thích nghi được với môi trường nước mặn. Nhất là mùa khô năm 2017 đang đến gần, bà con cần thường xuyên theo dõi những thông báo của cơ quan chuyên môn về diễn biến tình hình xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu để chủ động thích nghi hơn trong chăn nuôi”.

KỲ ANH

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang