• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Khi nông dân Đồng Tháp bỏ nghề nuôi vịt chạy đồng - Kỳ 1: Nuôi vịt rọ - Lời giải cho bài toán khó ngành hàng vịt

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp, 14/12/2017
Ngày cập nhật: 15/12/2017

Cách đây khoảng chục năm, những cánh đồng lúa sau mùa gặt ở khắp vùng châu thổ sông Cửu Long chính là ngôi nhà chung lý tưởng giúp nhiều người nuôi vịt chạy đồng ăn nên làm ra. Tuy nhiên hiện nay, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, cơ cấu mùa vụ trong sản xuất lúa không còn như trước khiến không ít nông dân ở Đồng Tháp phải bỏ nghề nuôi vịt chạy đồng.

Khi bắt tay vào thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp cho ngành hàng vịt, tỉnh Đồng Tháp vướng nhiều khó khăn và trở ngại. Dù được đánh giá có nhiều lợi thế trong việc sở hữu được tổng đàn vịt lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và có diện tích sản xuất lúa lớn nhất nhì ở vùng châu thổ này, nhưng đây chưa phải điều kiện cần và đủ để chuỗi ngành hàng vịt phát triển bền vững.

Chia sẻ về những khó khăn buổi đầu trong phát triển chuỗi ngành hàng vịt của tỉnh, ông Hồ Thanh Dũng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết: “So với những ngành hàng còn lại trong Đề án tái cơ cấu nông nghiệp thì ngành hàng vịt là điểm nghẽn lớn nhất mà địa phương phải đối mặt. Khi bắt tay vào thực hiện, ngành nông nghiệp phải đương đầu với nhiều bài toán khó khăn như: làm thế nào để quản lý dịch bệnh cho đàn vật nuôi khi đàn vịt cứ di chuyển liên tục từ cánh đồng này sang cánh đồng khác; giải pháp nào để những người nuôi vịt đã quen cuộc sống “du mục” này có thể cùng “ngồi lại với nhau” để “làm ăn lớn”; rồi chuyện tìm đầu ra, thị trường tiêu thụ ổn định cho sản phẩm trứng vịt... Là một ngành nghề nhạy cảm và nhiều rủi ro, vì vậy việc tìm kiếm doanh nghiệp đồng hành trong chuỗi liên kết cũng không phải là chuyện dễ dàng. Tuy nhiên, sau nhiều chuyến tham quan học tập mô hình và được sự tư vấn từ các chuyên gia đầu ngành, tỉnh Đồng Tháp quyết định chọn mô hình nuôi vịt nhốt rọ để thí điểm tái cơ cấu ngành hàng vịt”.

Là một trong những địa phương sở hữu tổng đàn vịt lớn nhất, nhì của tỉnh, năm 2015, huyện Tháp Mười được tỉnh chính thức giao nhiệm vụ thực hiện thí điểm tái cơ cấu cho ngành hàng vịt với mô hình nuôi vịt nhốt rọ theo hướng bán công nghiệp. Đây chính là động lực giúp cho Tháp Mười tạo được sự đột phá.

Thời điểm năm 2015, mô hình nuôi vịt rọ đầu tiên của tỉnh Đồng Tháp được “thai nghén” và “sinh ra” tại xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười. Khi đó, khái niệm nuôi vịt rọ còn xa lạ với nhiều người chăn nuôi, thậm chí khi được vận động vào tổ hợp tác (THT) để nuôi vịt nhốt rọ, nhiều bà con vẫn còn e dè. Bởi nuôi vịt chạy đồng không phải tốn kém thức ăn mà còn bị thua lỗ huống hồ nuôi vịt rọ phải tốn nhiều chi phí cho đầu tư chuồng trại, chi phí thức ăn thì chỉ có đường... phá sản.

Ông Lê Văn Nổi, Trưởng Trạm Chăn nuôi - Thú y huyện Tháp Mười nhớ lại: “Để người nuôi vịt tin tưởng nuôi vịt rọ là một mô hình hiệu quả và bền vững, chúng tôi bắt đầu theo sát hoạt động chăn nuôi hằng ngày của bà con, gần như phải cùng ăn cùng ở với bà con để kịp thời tháo gỡ khó khăn. Từ cơ sở đó, chúng tôi lập nhiều bài toán phân tích về sự được, mất, ưu, nhược điểm trong từng mô hình, chứng minh cho người chăn nuôi hiểu. Khi nông dân đã tin tưởng và có sự chuyển biến mới về tư duy sản xuất, chúng tôi bắt đầu phối hợp với nhiều đơn vị tiến hành vận động bà con vào THT. Để có được chuỗi ngành hàng vịt như ngày hôm nay là cả một câu chuyện rất dài mà ở đó có sự vào cuộc mạnh mẽ của các ngành, tâm huyết của nông dân và sự đồng hành của doanh nghiệp. Nếu thiếu một trong những nhân tố này thì ngành hàng vịt ở Tháp Mười sẽ rất khó phát triển được như ngày hôm nay”.

Thật vậy, trong một chuỗi liên kết, bất kỳ nhân tố nào cũng đóng vai trò quan trọng, tuy nhiên nhân tố quyết định sự thành bại của mỗi mô hình chính là người nông dân. Một điều khá đặc biệt có thể nhận thấy ở phần lớn hộ nuôi vịt rọ ở Đồng Tháp chính là sự yêu nghề và tâm huyết hết lòng với nghề nghiệp của mình. Dù nhà cửa chưa xây cất khang trang nhưng khi đã quyết tâm theo mô hình nuôi vịt rọ, nuôi vịt theo hướng công nghệ cao thì bà con sẵn sàng chi vài trăm triệu đồng, thậm chí hơn 1 tỷ đồng để đầu tư chăn nuôi chuyên nghiệp.

Lắng nghe câu chuyện về sự “chịu chơi” và chi gần 2 tỷ đồng để nuôi vịt rọ của vợ chồng anh Bùi Thanh Nhường và chị Bùi Thị Hoa ở Phú Điền, huyện Tháp Mười mới cảm nhận rõ lòng yêu nghề và sự quyết tâm mạnh mẽ của anh chị. Nhớ lại hành trình dài hơn chục năm quanh quẩn khắp các cánh đồng của vùng châu thổ ĐBSCL, chị Hoa bùi ngùi: “Đã sống với nghề nuôi vịt chạy đồng thì chuyện rày đây mai đó là chuyện cơm bữa và mong ước đơn giản là được gần gũi chăm sóc con cái cũng là khó khăn. Nhiều lúc giữa đồng vắng ngồi nhớ hai đứa con mà lòng quặn thắt nhưng rồi cũng phải cắn răng vì ai sống với nghề này cũng chịu cảnh như mình”.

Năm 2015, khi điều kiện chăn nuôi theo phương thức chạy đồng bộc lộ nhiều hạn chế, thời tiết bắt đầu trở nên khắt nghiệt hơn, đàn vịt 8 ngàn con của anh chị liên tục bị thất thoát sau mỗi chuyến đi khiến cho anh Nhường, chị Hoa phải có những suy tính mới cho ngành nghề của mình.

Anh Nhường chia sẻ: “Khoảng 3 - 4 năm trở lại đây, thời tiết diễn biến thất thường, khi thì mưa quá nhiều, khi thì trời quá nắng, khiến cho con vịt bị sốc nhiệt, dịch bệnh cũng nhiều hơn. Sau mỗi lần di chuyển từ đồng này sang đồng khác, tổng đàn là 8 ngàn con thì bị hao hụt từ vài chục đến cả trăm con vịt là chuyện thường tình. Chưa kể vào mùa nắng, nguồn nước sông, kênh rạch bị cạn kiệt rất ô nhiễm; trên ruộng thì dư lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật vẫn còn đã ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cũng như tỷ lệ đẻ của đàn vịt. Ngoài chuyện chi phí tăng thì do ảnh hưởng từ nhiều yếu tố, chưa bao giờ đi đồng mà đàn vịt đẻ đạt tỷ lệ 50 - 60%, tỷ lệ vịt đẻ thấp vậy thì chỉ có nước huề vốn hoặc lỗ vốn mà thôi”.

Đứng trước tình cảnh trên, rồi nhận được sự động viên, khích lệ nhiệt tình từ chính quyền địa phương, năm 2015 vợ chồng anh Nhường, chị Hoa chính thức chuyển đổi sang mô hình nuôi vịt rọ. Bằng sự yêu nghề, ước muốn ngành nghề được thay đổi anh Nhường, chị Hoa đã có quyết định táo bạo khi đầu tư gần 2 tỷ đồng thiết kế chuồng trại theo tiêu chuẩn công nghiệp để bắt đầu nuôi vịt chuyên nghiệp. Hiện tại, nhờ nuôi chăn nuôi vịt có kiểm soát chất lượng nên sản phẩm trứng vịt của gia đình anh Nhường được doanh nghiệp bao tiêu với mức giá khá ổn định, từ đó kinh tế gia đình dần được cải thiện, anh, chị cũng có điều kiện để ở nhà chăm sóc con cái.

Năm 2015, giá trứng vịt gần như xuống thấp và kéo dài kỷ lục, có những thời điểm chỉ còn 800 - 1.000 đồng/trứng vịt lớn, trong khi đó, giá thành sản xuất là 1.400 đồng/trứng. Trong bối cảnh ngành nghề truyền thống đang đối đầu với những thách thức lớn, người nuôi vịt chạy đồng ở Đồng Tháp tìm đến những hướng đi mới. Và mô hình nuôi vịt rọ, bước đầu giúp người chăn nuôi giải quyết được nhiều vướng mắc lớn mà ngành hàng vịt phải đối mặt. Từ chỗ buổi đầu toàn tỉnh chỉ có vài hộ đầu tư chuồng trại để nhốt rọ thì hiện nay, sau 2 năm, mô hình nuôi vịt rọ được nông dân đồng tình và nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Hiện tại, toàn tỉnh có 6 tổ hợp tác chăn nuôi vịt theo hướng nuôi nhốt rọ lấy trứng. Với tổng đàn trên 200 ngàn con, được biết hầu hết các tổ hợp tác đều thực hiện liên kết với doanh nghiệp cung cấp thức ăn đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra, từ đó giúp người chăn nuôi yên tâm phát triển sản xuất.

Mỹ Lý

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang