• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Kỳ vọng về sản phẩm sữa dê, thịt dê sạch mang thương hiệu Ninh Bình

Nguồn tin: Báo Ninh Bình, 09/12/2017
Ngày cập nhật: 11/12/2017

Dê là sản phẩm đặc trưng lợi thế của Ninh Bình với thị trường tiêu thụ rộng lớn. Tuy nhiên, do phương thức chăn nuôi quy mô nhỏ, dựa hoàn toàn vào điều kiện tự nhiên nên nhiều năm nay tổng đàn dê của tỉnh ta không thể tăng lên, thậm chí còn giảm đi. Trước thực trạng này, Công ty CP Giống vật nuôi, cây trồng Đồng Giao đã và đang triển khai dự án chọn tạo giống, khai thác và chế biến dê sữa, dê thịt quy mô công nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Yên Sơn, thành phố Tam Điệp với mục tiêu gây dựng nên dòng sản phẩm sữa dê, thịt dê sạch, chất lượng cao mang thượng hiệu Ninh Bình phục vụ nhu cầu thưởng thức thịt dê Ninh Bình và cung cấp cho các tỉnh lân cận. Dự án được kỳ vọng sẽ làm “đầu kéo” cho việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Công nhân chăm sóc dê tại Công ty CP Giống vật nuôi, cây trồng Đồng Giao. Ảnh: Đức Lam

Sản phẩm lợi thế, thị trường mênh mông

Thịt dê là món ẩm thực ưa thích của du khách mỗi khi đến Ninh Bình. Sức tiêu thụ thịt dê trên địa bàn tỉnh ta mỗi năm vào khoảng 1.300 tấn; trong khi đó tổng đàn dê của ta chỉ có khoảng 20.000 con tương đương với sản lượng 500 tấn.

Như vậy, nguồn cung mới chỉ đáp ứng được khoảng trên 30% so với nhu cầu. Đấy là dê lấy thịt còn riêng dê lấy sữa thì Ninh Bình hiện nay chưa nơi nào nuôi dê sữa và ngay cả ở Sơn Tây, Hà Nội thủ phủ của dê sữa thì nguồn sữa dê cũng không đủ để cung cấp cho tiêu dùng.

Ông Đỗ Văn Miền, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp &PTNT cho biết: Nếu như ở Sơn Tây người ta nuôi dê chỉ nhằm mục đích lấy sữa thì ở Ninh Bình ta hoàn toàn có thể phát triển tận dụng song song hai hướng lấy sữa và lấy thịt. Nguyên nhân là do Sơn Tây không có thương hiệu “thịt dê cơm cháy” và cũng không có những nhà hàng nổi tiếng chế biến các món ăn từ thịt dê như Ninh Bình.

Đây là một lợi thế để Ninh Bình đi vào phát triển con dê. Tuy nhiên, khó khăn, bất cập khiến đàn dê chưa thể phát triển được là phương thức chăn nuôi dê hiện tại vẫn chủ yếu là quảng canh, tận dụng, quy mô đàn nhỏ, dựa hoàn toàn vào điều kiện tự nhiên.

Ngoài ra, công nghiệp hóa cũng như các hoạt động du lịch, dịch vụ … cũng đang làm diện tích chăn thả bị thu hẹp. Do vậy cái cần của chúng ta hiện nay là phải xây dựng một mô hình chăn nuôi dê mới quy mô công nghiệp trong đó số lượng đàn phải đủ lớn, chủ động được nguồn thức ăn, công tác giống được quan tâm…

Cây cao lương và công nghệ ủ men chua Nhật Bản

Chúng tôi đến thăm Công ty CP Giống vật nuôi, cây trồng Đồng Giao (thành viên của Công ty CP Tổng Công ty Giống cây trồng, con nuôi Ninh Bình) tại xã Yên Sơn, thành phố Tam Điệp khi đơn vị này vừa bắt đầu triển khai dự án chọn tạo giống, khai thác và chế biến dê sữa, dê thịt quy mô công nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Dự kiến tổng vốn đầu tư ban đầu của dự án khoảng 10 tỷ đồng, sử dụng diện tích 5 ha với quy mô 500 dê sữa, sản lượng 1.000 lít sữa dê/ngày, 240.000 lít sữa/năm.

Dẫn chúng tôi đi thăm quan khu vực đang nuôi dưỡng hơn 200 con giống dê sữa mà Công ty vừa nhập về, ông Vũ Văn Nga, Giám đốc Công ty CP Tổng Công ty Giống cây trồng, con nuôi Ninh Bình chia sẻ: Khoảng 6 tháng trước ông có sang vùng nuôi bò Kô-bê của Nhật Bản để tìm kiếm thị trường và tình cờ ông lại ghé thăm một trang trại chăn nuôi dê và rất bất ngờ khi biết được rằng công nghệ nuôi dê ở đây rất đơn giản.

Dê được nuôi nhốt hoàn toàn và ăn thức ăn ủ chua, 1 con dê 1 ngày chỉ ăn khoảng 1,5 kg cỏ ủ chua bao gồm cao lương và cỏ voi. Lúc đó một ý tưởng nảy ra trong đầu ông: “Tại sao không làm một trại nuôi dê như thế ở Ninh Bình khi ta có giống, có công nghệ, có thị trường mà đất đai, khí hậu của ta cực kỳ thuận lợi”.

1 ha cây cao lương 1 lứa cho thu hoạch tới 80 tấn, sau khi đưa vào ủ chua và đóng gói hút chân không có thể bảo quản trong vòng 6 tháng. 1 con dê chỉ cần ăn 1,5 kg/ngày, còn bò là 7,5kg. Như vậy với việc trồng cao lương chúng ta hoàn toàn có thể chủ động được nguồn thức ăn, giá thành thấp để nuôi dê với quy mô lớn.

Thế là, các giống cây cao lương, cỏ voi Mỹ, cỏ voi đỏ được mang về trồng thử nghiệm ở huyện Nho Quan và thành phố Tam Điệp, công nghệ ủ chua thức ăn bằng muối và men Nhật Bản ông cũng nắm trong tay. Kế đó, việc xây dựng chuồng trại được thực hiện, những dê sữa tốt nhất Trung tâm nghiên cứu dê thỏ Sơn Tây thuộc Viện Chăn nuôi Việt Nam được đưa về. 1 con dê có thể cho khoảng 2 lít sữa 1 ngày và thời gian khai thác sữa có thể kéo dài đến 8 tháng.

“Nếu thuận lợi, chúng tôi sẽ mở rộng lên 3.000 con dê, trong đó có 1.000 con dê sữa và 2.000 con dê thịt (bao gồm các giống dê bo, dê bách thảo, và dê bản địa), đồng thời, xây dựng một xưởng chế biến thanh trùng sữa.

Không lâu nữa sẽ có dòng sản phẩm sữa dê mang thương hiệu Ninh Bình để phục vụ khách du lịch và thị trường Hà Nội; sản phẩm thịt dê cũng sẽ được đóng gói có tên tuổi, địa chỉ và được truy xuất nguồn gốc.

Thậm chí có hẳn một tour du lịch thăm quan nông trại nuôi dê mà sau khi thăm quan du khách được trực tiếp vắt sữa dê, được uống sữa dê tươi…”, ông Vũ Văn Nga hào hứng nói với chúng tôi về những dự định của mình.

Tạo đột phá cho tái cơ cấu nông nghiệp

Cuối tháng 11 vừa qua, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Điến đã có buổi tham quan và làm việc với Công ty về Dự án. Tại buổi làm việc, ông Vũ Văn Nga, Giám đốc Công ty mong muốn được tỉnh đồng tình về mặt chủ trương, chính sách cũng như hỗ trợ một phần về kinh tế để Công ty có thêm nguồn lực đầu tư.

Bên cạnh đó, đề nghị xem xét lại quy hoạch diện tích cũng như hiệu quả các loại cây trồng để hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng vùng trồng cây thức ăn gia súc, đáp ứng tốt hơn nhu cầu xuất khẩu và phát triển chăn nuôi.

Rất ủng hộ Dự án, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Lâu nay chúng ta vẫn loay hoay không biết chọn con nuôi gì, cây trồng gì cho những vùng đất khó khăn như Nho Quan, Tam Điệp thì dự án này có thể là một câu trả lời và nếu thành công nó còn là “đầu kéo” cho tái cơ cấu nông nghiệp của cả tỉnh.

Với một đơn vị làm ăn bài bản, hết lòng vì nông nghiệp, nông dân như Công ty CP Tổng Công ty Giống cây trồng, con nuôi Ninh Bình, tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để đơn vị có thêm động lực làm giàu cho quê hương, đất nước. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành có liên quan, thành phố Tam Điệp tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, đất đai để Công ty triển khai dự án.

Đặc biệt Sở Nông nghiệp & PTNT giúp đỡ Công ty trong việc kiểm định chất lượng con giống, giám sát về môi trường, dịch bệnh; hướng dẫn Công ty hoàn thiện dự án để có thể tiếp cận, thụ hưởng những hỗ trợ sớm nhất, tốt nhất về tài chính từ các chính sách ưu đãi của tỉnh, Nhà nước cho phát triển nông nghiệp.

Ông Đỗ Văn Miền, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp &PTNT khẳng định: Dự án triển khai có hiệu quả sẽ kéo theo phong trào nuôi dê ở các vùng lân cận thông qua hình thức nông hộ chăn nuôi vệ tinh. Công ty cung cấp giống, chuyển giao công nghệ và thu mua sản phẩm cho nông dân.

Những vùng đất khó canh tác như vùng núi Nho Quan, bãi bồi Kim Sơn hay những mảnh vườn tạp, đất xen kẹp chỉ vài thước cũng có thể cải tạo để trồng cây cao lương và nuôi dê. Đây sẽ là đột phá giúp các địa phương thực hiện tái cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp.

Hà Phương

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang