• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Giữ ấm cho gia súc ở Sa Pa

Nguồn tin: Nhân Dân, 27/11/2017
Ngày cập nhật: 28/11/2017

Người dân Sa Pa nuôi nhốt gia súc trong những ngày rét đậm, rét hại.

Đối với nông dân vùng cao Sa Pa, con trâu thật sự là “đầu cơ nghiệp” bởi không chỉ khai thác sức kéo phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp mà còn là “mũi nhọn” phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo hiệu quả, bền vững. Vì vậy, phòng và chống rét cho gia súc luôn được chính quyền và người dân địa phương chú trọng ngay từ đầu mùa đông, nhất là khi thời tiết rét đậm, rét hại.

Trong cái rét lạnh buốt như chích vào da thịt bởi nhiệt độ xuống thấp, dưới 6 độ C, lại thêm mưa phùn gió bấc thổi, chúng tôi ngược quốc lộ 4D đến xã vùng cao Sử Pán, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Những thôn, bản của xã Sử Pán nằm rải rác, bám cheo leo trên sườn núi cao, được coi là “rốn rét” ở tỉnh Lào Cai. Bất chấp mưa rét, vợ chồng anh Tẩn A Dơ vẫn miệt mài kéo bạt dứa che chắn thêm cho chuồng nuôi nhốt trâu kín gió, bên cạnh là hai cây rơm khô được đánh đống cao, có che phủ cẩn thận tránh bị mục, hỏng. Gia đình anh Dơ có sáu con trâu, trị giá hàng trăm triệu đồng nên đó là tài sản lớn để sử dụng khi có “công to việc lớn” như làm nhà, mua sắm tiện nghi, vật dụng sinh hoạt, cưới vợ cho con cái… “Mỗi con trâu bán được mấy chục triệu đồng nên mình phải chăm sóc, bảo vệ, không để nó bị chết vì đói, rét. Mình phải làm chuồng trại, không thả rông trong rừng, dự trữ rơm và cỏ khô cho ăn trong những ngày rét đậm, rét hại khi ngoài rừng không còn cỏ” - anh Dơ chia sẻ.

Xã Sử Pán có 495 hộ, gồm 100% là đồng bào dân tộc Mông, sinh sống chủ yếu bằng trồng trọt và chăn nuôi; hiện có khoảng gần 400 con trâu. Theo ông Châu A Quả - Phó chủ tịch UBND xã Sử Pán, đến nay bà con nông dân đã khắc phục được tình trạng thả rông gia súc, là nguyên nhân chính gây chết hàng loạt khi mùa đông giá rét kéo dài, thức ăn tự nhiên khan hiếm, sức đề kháng của gia súc kém.

Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sa Pa xuống nhà dân kiểm tra rơm khô dự trữ cho gia súc trong mùa đông.

Ngay từ đầu mùa thu hoạch lúa, ngô vào khoảng giữa tháng 9, cán bộ khuyến nông và trưởng thôn tập trung tuyên tuyền, vận động và hướng dẫn người dân dự trữ rơm khô, ủ chua thân cây ngô để làm thức ăn cho gia súc trong mùa đông, với định mức khoảng 400 kg/hộ. Đến nay, có tới 90% số hộ trong xã có dự trữ rơm, cỏ khô và ủ thức ăn chua cho trâu, bò trong vụ rét; với khoảng 18 cây rơm (chiếm 60% lượng rơm thu hoạch của toàn xã) và 18 tấn thức ăn ủ chua. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân còn dự trữ thêm thức ăn tinh bột như ngô hạt, sắn, khoai cho đàn gia súc.

Sa Pa luôn được coi là “điểm nóng” về thiệt hại gia súc mỗi mùa đông đến, do nhiệt độ ở đây xuống rất thấp, thường xuyên xảy ra băng giá, mưa đông kết và tuyết rơi. Vì vậy, công tác phòng, chống rét cho gia súc luôn được đặt lên hàng đầu. Ông Nguyễn Tiến Thành - Trưởng phòng Nônh nghiệp và Phát triển nông thôn Sa Pa cho biết: Toàn huyện hiện có gần năm nghìn hộ chăn nuôi gia súc, với khoảng 14 nghìn con trâu, bò, ngựa… Để hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra, huyện thực hiện đồng bộ các giải pháp về tuyên truyền, vận động và chính sách hỗ trợ để giúp người dân phòng, chống rét hiệu quả. Đến nay, toàn huyện đã có 91% số hộ có chuồng trại kín gió, 85% số hộ dự trữ thức ăn cho gia súc trong mùa đông.

Tuy nhiên, lo lắng nhất của Sa Pa là hiện còn khoảng hơn một nghìn hộ chăn nuôi nhưng chuồng trại sơ sài, không bảo đảm chống rét tốt, khối lượng thức ăn dự trữ chưa đủ, trong khi dự báo mùa đông năm nay có thể sẽ khốc liệt và kéo dài. Để khắc phục, Sa Pa đặt ra phương án sẽ tăng cường di chuyển, sơ tán đàn gia súc xuống vùng thấp (ở địa phương khác) để tránh rét khi cần thiết, dù tốn kém và phức tạp hơn.

QUỐC HỒNG

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang