• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Hà Giang: Giữ vững sinh kế cho người nuôi ong ở Mèo Vạc

Nguồn tin: Báo Hà Giang, 20/10/2017
Ngày cập nhật: 22/10/2017

Những ngày đầu tháng 10, Cao nguyên đá chuyển mình đón tiết trời se lạnh. Đây cũng là thời điểm loài cây Bạc hà chuẩn bị đơm hoa, bắt đầu cho mùa nuôi ong rộn ràng. Để đảm bảo sinh kế cho người dân và giữ vững thương hiệu mật ong Bạc hà, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) đang thực hiện nhiều giải pháp linh hoạt, mang tính “then chốt” trong việc bảo tồn đàn ong nội và mở rộng quy mô nuôi ong trên địa bàn.

Công ty TNHH một thành viên Tuấn Dũng lắp đặt dây chuyền hạ thủy phần trong mật ong để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Trong số các huyện ở Cao nguyên đá, Mèo Vạc là một trong những địa bàn có số lượng đàn ong đông nhất và là vùng trọng điểm của loài hoa Bạc hà dại, giúp tạo ra loại mật ong Bạc hà quý. Trong niên vụ 2016 – 2017, toàn huyện Mèo Vạc có 11.000 đàn ong, tăng trên 2.400 đàn so với niên vụ 2015 – 2016; năng suất thu hoạch bình quân đạt 6 lít/đàn; sản lượng mật thu hoạch ước đạt 66.000 lít, tăng trên 6.200 lít so với niên vụ 2015 – 2016; với giá bán mật thô bình quân 400.000 đồng/lít, giá trị sản lượng mật ong Bạc hà toàn huyện ước đạt 26,4 tỷ đồng.

Qua tìm hiểu, để tạo điều kiện cho các hộ nuôi ong thống nhất áp dụng biện pháp quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý mật ong Bạc hà Mèo Vạc, năm 2016, huyện Mèo Vạc đã thành lập Chi hội nuôi ong với 10 thành viên tham gia. Thông qua các hoạt động cam kết, kiểm tra, giám sát việc chấp hành của các hội viên cũng như tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho hội viên đã giúp các hộ gia đình, đơn vị nuôi ong trên địa bàn thống nhất quy trình nuôi và khai thác mật. Do đó, chất lượng mật ong Bạc hà ngày càng được nâng cao; giá bán mật ong ổn định và cao hơn năm trước; người nuôi ong có lãi và có xu hướng mở rộng quy mô sản xuất.

Hộ nuôi ong ở Mèo Vạc kiểm tra đàn ong chuẩn bị lấy mật từ mùa hoa Bạc hà.

Đồng chí Ma Quốc Trưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc, cho biết: “Để có được kết quả như niên vụ 2016 – 2017, ngoài điều kiện thời tiết, khí hậu thuận lợi còn cho thấy hiệu quả các chính sách của Nhà nước; nhất là Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh đã giúp một số gia đình mạnh dạn vay vốn mở rộng quy mô chăn nuôi ong. Đặc biệt, việc áp dụng quản lý phát triển đàn ong của địa phương thông qua chứng nhận chỉ dẫn địa lý mật ong Bạc hà Mèo Vạc đã tạo động lực khuyến khích phát triển nghề nuôi ong trên địa bàn”. Để thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ, bảo tồn giống ong nội và ổn định, phát triển diện tích cây hoa Bạc hà phù hợp với quy mô nuôi ong, huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch; xác định rõ mục tiêu, giải pháp cụ thể theo từng giai đoạn. Đặc biệt, tích cực rà soát các hộ nuôi ong trên địa bàn và tiến hành thành lập tổ, nhóm sở thích ở 13/18 xã, thị trấn; các tổ, nhóm thống nhất phương pháp hoạt động để duy trì và phát triển nghề nuôi ong.

Qua trao đổi với anh Ngô Mạnh Cường, Chủ tịch Hội sản xuất, kinh doanh mật ong Cao nguyên đá, được biết: Nhằm tránh những tác động tiêu cực từ việc người nuôi đưa giống ong ngoại vào địa bàn hoặc gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại các địa điểm đặt ong, mỗi người nuôi ong ở Mèo Vạc thống nhất đóng góp 30 nghìn đồng/tổ ong để đưa vào quỹ phát triển thôn và vận động nhân dân chăm sóc, bảo vệ hoa Bạc hà. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền; ký cam kết giữa hộ dân với chính quyền địa phương chỉ phát triển giống ong nội; nâng cao vai trò tự giác của người dân trong việc tố giác những trường hợp mang ong từ nơi khác vào khu vực bảo tồn giống ong địa phương; khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng hoa Bạc hà thông qua cơ chế hỗ trợ công thu mua giống ở các hộ dân, sau đó cấp lại cho người dân trồng vào vụ sau; nếu các hộ tự thu mua sẽ được hỗ trợ 3 triệu đồng/ha. Để tạo nguồn nguyên liệu tập trung, huyện khuyến khích người dân gieo trồng ở những xã trọng điểm về nuôi ong; tăng cường quản lý thị trường; xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng quảng bá hàng nhái, hàng kém chất lượng làm giảm uy tín, gây ảnh hưởng đến thương hiệu sản phẩm mật ong Bạc hà Mèo Vạc...

Nhằm tạo mối liên kết trong sản xuất, giúp người nuôi ong yên tâm trong khâu tiêu thụ sản phẩm, Công ty TNHH MTV Tuấn Dũng – đơn vị đầu mối chủ lực trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh mật ong được đăng ký chất lượng, bảo hộ tem, nhãn sản phẩm đã đứng ra nhận bao tiêu sản phẩm mật ong đảm bảo chất lượng; sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, mới đây Công ty đã đầu tư lắp đặt dây chuyền hạ thủy phần trong mật ong; hiện thành phần nước trong mật chỉ còn 18% (theo TCVN, mật ong có thành phần nước chiếm dưới 21% đạt tiêu chuẩn và dưới 18% đạt tiêu chuẩn xuất Mỹ). Do chất lượng mật ong được nâng cao nên giá bán cũng được nâng lên; nếu như trước đây giá bán mật ong đạt bình quân 400 nghìn đồng/lít thì nay nâng lên 550 – 600 nghìn đồng/lít; ngoài ra, Công ty chú trọng đa dạng hóa sản phẩm từ mật ong và mới đưa ra thị trường sản phẩm mật ong ngâm tinh bột nghệ...

Mùa nuôi ong đã trở lại trên vùng Cao nguyên đá và có thể tin tưởng với những giải pháp như hiện nay, Mèo Vạc sẽ không chỉ giữ vững sinh kế cho người dân mà còn đảm bảo cho nghề nuôi ong được phát triển bền vững; tạo động lực thúc đẩy KT – XH ở vùng đá biên cương.

KIM TIẾN

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang