• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Tuyên Quang: Liên kết phát triển chăn nuôi trâu theo chuỗi giá trị

Nguồn tin: Báo Tuyên Quang, 06/10/2017
Ngày cập nhật: 9/10/2017

Chăn nuôi trâu là thế mạnh của nhiều địa phương trong tỉnh Tuyên Quang. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành Nông nghiệp tỉnh, việc chăn nuôi trâu vẫn chủ yếu mang tính tự phát, thiếu sự tham gia của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác trong việc hình thành các chuỗi liên kết bền vững.

Theo báo cáo của ngành Thống kê tỉnh, hết tháng 8-2017, tổng đàn trâu trên địa bàn tỉnh là 112.520 con, tăng 2.530 con so với cùng kỳ năm 2016, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 672,92 tấn, tương ứng với 2.456 con, tăng 9,29 tấn so với cùng kỳ năm 2016. Việc chăn nuôi tập trung nhiều ở các huyện Lâm Bình, Na Hang, Chiêm Hóa.

Đại diện các hợp tác xã trong tỉnh tham quan mô hình nuôi trâu nhốt chuồng tại Thanh Hà (Hải Dương).

Xã Bình An (Lâm Bình) xây dựng mô hình nuôi trâu vỗ béo nhốt chuồng từ năm 2015 - 2016. Tổng số đàn trâu của xã hiện có 160 con. Ông Vi Văn Truyền, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lâm Bình cho biết, những hộ nuôi trâu nhốt chuồng tại Tiên Tốc, xã Bình An chủ yếu là hộ đồng bào Mông. Các hộ chăn nuôi kết hợp theo hình thức nuôi nhốt và chăn thả, tận dụng đất để trồng cỏ. Thị trường chủ yếu tại Hà Giang. Tuy nhiên, theo ông Truyền, việc chăn nuôi này hiện khó nhân rộng ra các địa phương khác do sản xuất chủ yếu mang tính tự phát, thị trường tiêu thụ không ổn định, giá cả bấp bênh...

Anh Bàn Tiến Quốc, Tổ trưởng Tổ Hợp tác chăn nuôi trâu tại thôn Nà Khé, xã Bình An chia sẻ: Tổ hợp tác có 5 thành viên, với số lượng đàn trên 30 con. Tuy nhiên, khó khăn với các thành viên trong tổ là không liên kết được với 1 doanh nghiệp hoặc hợp tác xã trong bao tiêu sản phẩm, đàn trâu của tổ hợp tác chủ yếu bán cho các thương lái trong xã, trong huyện nên giá thu mua không ổn định.

Anh Ma Văn Tấn, Tổ trưởng Tổ Hợp tác chăn nuôi trâu thôn Coóc, xã Hùng Lợi (Yên Sơn) cho biết, tổ hợp tác chăn nuôi trâu của thôn hiện có 5 thành viên, với số lượng đàn trâu là 20 con. Theo anh Tấn, do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là không liên kết được với doanh nghiệp thu mua, việc mua bán chủ yếu thực hiện tại các phiên chợ trong khu vực nên giá bán phụ thuộc nhiều vào thị trường. Theo anh Tấn, những năm trước, mỗi con trâu to được bán với giá từ 40 triệu đồng trở lên, thì 2 năm trở lại đây chỉ được khoảng 20 triệu đồng/con.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên địa bàn tỉnh hiện đã hình thành 22 tổ hợp tác chăn nuôi trâu. Trong đó, nhiều nhất là 2 huyện Na Hang, Lâm Bình, mỗi địa phương có 9 tổ hợp tác. Tuy nhiên, các tổ hợp tác này hoạt động chủ yếu theo hình thức tập trung các hộ cùng chăn nuôi, tìm kiếm con giống hoặc nguồn thức ăn, chưa có tổ hợp tác nào liên kết được với doanh nghiệp, hợp tác xã trong việc liên kết theo chuỗi, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm dưới hình thức có hợp đồng.

Theo Quy hoạch phát triển chăn nuôi tỉnh, đến năm 2020, toàn tỉnh có 122.696 con trâu. Mục tiêu của tỉnh là thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia vào các chuỗi liên kết trâu. Hiện trên địa bàn tỉnh đã có Hợp tác xã công nghệ cao Tiến Thành, xã Hoàng Khai (Yên Sơn) tham gia vào chuỗi liên kết này với mục tiêu xây dựng chuỗi trâu an toàn vệ sinh thực phẩm quy mô 2.000 con, trong đó chủ yếu là nuôi nhốt vỗ béo và liên kết với 1 doanh nghiệp thu mua toàn bộ sản phẩm. Hiện đơn vị đã liên kết với 10 hợp tác xã tại các huyện Yên Sơn, Sơn Dương, Hàm Yên, Chiêm Hóa và thành phố Tuyên Quang để liên kết chăn nuôi. Giữa tháng 9, Hợp tác xã đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh đưa đại diện 10 hợp tác xã tham quan mô hình nuôi trâu nhốt chuồng tại Thanh Hà (Hải Dương). Đây là các hợp tác xã liên kết với Hợp tác xã công nghệ cao Tiến Thành trong thực hiện mô hình nuôi trâu nhốt chuồng vỗ béo trên địa bàn tỉnh. Tại đây đại diện các hợp tác xã được học tập cách thức xây dựng chuồng trại, phối trộn thức ăn, phòng tránh dịch bệnh...

Liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi đang được tỉnh ta ưu tiên lựa chọn đầu tư. Sau chuỗi trâu, tỉnh tiếp tục thu hút các hợp tác xã tham gia vào chuỗi sản phẩm nông sản có lợi thế của tỉnh như gà, cá, lạc...

Trần Liên

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang