• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Làm giàu từ nuôi ong mật

Nguồn tin: Báo Quảng Trị, 20/09/2017
Ngày cập nhật: 22/9/2017

Khởi nghiệp từ 8 thùng ong do chủ ong mà mình làm thuê cho lại, đến nay anh Nguyễn Hữu Quân ở tại thôn Tân Mỹ, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị đã có trong tay gần 150 thùng ong mật mang lại thu nhập gần 200 triệu đồng mỗi năm.

Anh Quân chăm sóc đàn ong của mình

Đến thăm trại nuôi ong của anh Quân, chúng tôi không khỏi khâm phục bởi quy mô cũng như cách sắp xếp hợp lý. Nằm giữa rừng tràm xanh mát là 2 dãy lán dài, bên dưới mỗi lán xếp ngay ngắn 2 dãy thùng nuôi ong với quy mô gần 150 thùng.

Anh Quân cho biết, là một thanh niên trẻ, khác với nhiều người thích bôn ba lập nghiệp ở các thành phố lớn, anh lại xác định phải làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Cơ duyên đến với anh vào năm 2012 khi đang là công nhân của Nhà máy gỗ dăm Ái Tử. Thời điểm này có một số chủ ong nuôi ong từ miền Nam ra tìm đến xã Hải Lệ mượn rừng để nuôi ong lấy mật. Với bản tính tò mò, ham học hỏi những cái mới, anh đã nghỉ việc và xin vào làm phụ cho các chủ ong này để học tập kinh nghiệm. Sau gần 1 năm phụ việc, anh đã học được nghề nuôi ong khá thành thạo. Được chủ ong cho lại 8 đàn ong mật, anh đã tích cực chăm sóc, chia đàn. Đến nay từ 8 đàn ong ban đầu anh đã có trong tay 150 đàn ong mật, mỗi năm cho thu hoạch gần 15 tấn mật ong.

Theo anh Quân, nghề nuôi ong vừa dễ lại vừa khó. Dễ bởi nuôi ong không đòi hỏi vốn đầu tư lớn, không vất vả như các công việc chân tay khác và ai cũng có thể làm được. Mỗi ngày người nuôi chỉ cần bỏ ra khoảng 2 giờ đồng hồ để chăm sóc, vệ sinh thùng ong. Nhưng quá trình chăm sóc lại đòi hỏi người nuôi phải cẩn thận, kiên trì, tỉ mỉ và nắm rõ đặc tính của ong như di chuyển, ăn, xây tổ, chia đàn...

Sau Tết Nguyên đán, lúc thời tiết bắt đầu ấm áp cần chuẩn bị cho ong xây tổ, tạo đàn. Đến cuối tháng 2 phải kết thúc việc chia đàn và khoảng cuối tháng 3 đến tháng 10 bắt đầu quay mật. Tùy vào thời tiết nhưng bình quân 10 – 15 ngày thu hoạch mật ong 1 lần. Mỗi lần quay mật một thùng ong cho từ 4 – 5 kg mật. Để ổn định đầu ra, anh hợp tác với Công ty ong mật Tiến Phát để tiêu thụ mật với giá từ 17.000 – 37.000 đồng/kg. Nhờ đó mà sản phẩm làm ra đến đâu được tiêu thụ đến đó, giúp người nuôi không phải lo lắng nhiều về vấn đề cung - cầu.

“Do thời tiết ở Quảng Trị có 2 mùa rõ rệt, tôi lại nuôi ong theo kiểu làm lán trại cố định chứ không phải nuôi ong di cư nên hàng năm chỉ thu mật được trong khoảng 6 – 8 tháng mùa nắng, còn mùa mưa chủ yếu là chăm sóc, giữ ấm cho ong. Sau khi trừ chi phí mỗi năm tôi thu lãi từ 150 – 200 triệu đồng từ đàn ong của mình”, anh Quân chia sẻ.

Có nghề và thạo nghề nên anh Quân rất am hiểu “tính nết” đàn ong của mình và có các biện pháp thích hợp trong việc chống rét, chống nóng, vệ sinh thùng ong cũng như trợ giúp để đàn ong vượt qua thời gian thiếu vắng mùa hoa. Không chỉ có vậy, vốn cởi mở không giấu nghề nên anh Quân thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, bày vẽ cũng như cung cấp ong giống cho những người mới vào nghề nuôi ong.

Khi chúng tôi thắc mắc về việc một số người nghi vấn các hộ nuôi ong sử dụng nước đường cho ong ăn để tạo mật, anh Quân cười vang rồi dẫn chúng tôi ra rừng tràm. Kéo một cành tràm xuống vừa chỉ cho chúng tôi thấy một giọt như giọt nước nhỏ xíu ở các gốc lá, anh Quân vừa giải thích, mật ong được tạo ra là do ong hút các giọt này. Còn thức ăn mà người nuôi ong dùng để cho ong ăn đó thực tế là bột đậu nành cộng với phấn hoa và nước đường có tác dụng để nuôi nhộng và ong non.

“Anh xem đó, có những thời điểm giá mật hạ xuống còn có khoảng 17.000 đồng/kg, thấp hơn cả giá đường nữa, nếu cho ong ăn đường thì lấy đâu ra mà có lãi chứ. Mà thực ra người nuôi ong cũng chỉ cho ong ăn thêm vào các thời điểm cây không ra hoa, ong không lấy được phấn hoa thôi, chứ bình thường không ai cho ong ăn làm gì”, anh Quân cho hay.

Theo ông Đinh Thiên Hoàng, cán bộ khuyến nông xã Hải Lệ, địa phương có diện tích đất đồi rừng khá lớn. Chủ động khai thác điều kiện thuận lợi đó, nhiều hộ nông dân ở xã Hải Lệ đã đầu tư phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Từ chỗ lúc đầu chỉ một vài hộ dân chăn nuôi tự phát nhỏ lẻ, sản phẩm chỉ để phục vụ nhu cầu của gia đình, đến nay xã Hải Lệ đã có hàng chục hộ tham gia nuôi ong mật, với gần 1.500 thùng ong.

Với nguồn thu nhập từ nuôi ong đã giúp nhiều hộ nơi đây thoát nghèo, từng bước vươn lên ổn định cuộc sống. Bên cạnh hiệu quả kinh tế, nghề nuôi ong lấy mật còn đang góp phần bảo đảm ổn định sinh thái, đồng thời trực tiếp góp phần tăng tỷ lệ che phủ rừng, bảo vệ môi trường tự nhiên của địa phương.

Thục Quyên

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang