• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Hậu Giang: Tăng cường phòng bệnh vật nuôi

Nguồn tin: Báo Hậu Giang, 11/09/2017
Ngày cập nhật: 12/9/2017

Ngày nay, người dân đã ý thức hơn trong khâu chăm sóc, nuôi dưỡng gia súc, gia cầm để hạn chế thấp nhất rủi ro, mong thu về lợi nhuận khá.

Thời tiết thay đổi thường xuyên như hiện nay là điều kiện tốt để vi khuẩn gây bệnh trên gia súc, gia cầm bộc phát. Những đợt nắng nóng, mưa nhiều kéo dài hay những ngày nắng, mưa đan xen liên tục khiến cơ thể vật nuôi không thích nghi kịp, sức đề kháng yếu. Không riêng các trang trại chăn nuôi quy mô lớn mà những hộ nuôi gia súc, gia cầm nhỏ lẻ cũng cảnh giác cao với dịch bệnh, nhất là các bệnh theo mùa.

Dù nuôi nhỏ lẻ, nhưng bà Huỳnh Thị Lài vẫn chủ động tiêm phòng bệnh cho đàn vật nuôi để hạn chế dịch bệnh.

Sau đợt dịch bệnh cúm gia cầm xuất hiện đầu năm 2017, người chăn nuôi trên địa bàn xã Long Trị A, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang càng cẩn trọng hơn trong khâu chăm sóc gà, vịt. Không chỉ cảnh giác với bệnh cúm gia cầm, mà các bệnh thông thường khác như dịch tả, đậu gà, gumboro cũng được bà con quan tâm tiêm phòng. Bởi người dân nơi đây cho rằng, bệnh nào cũng có khả năng gây thiệt hại về kinh tế, nếu không được phòng ngừa, chữa trị ngay từ đầu.

Bà Huỳnh Thị Lài, ở ấp 6, xã Long Trị A, thị xã Long Mỹ, cho biết, dù là hộ nuôi vịt xiêm nhỏ lẻ, nhưng nhờ phòng bệnh tốt, chăm sóc nuôi dưỡng kỹ mà bà giảm được tối đa tỷ lệ hao hụt trong mỗi đợt tái đàn. Hiện, bà đang nuôi đàn vịt xiêm hơn 80 con lớn nhỏ, nhưng chưa hao hụt con nào. Tới đây, bà vẫn tiếp tục duy trì đàn vật nuôi, vừa nuôi bán vịt thịt, vừa bán vịt con để có thêm thu nhập. “Theo tôi, con vịt xiêm rất khó chăm sóc chứ không giống như mấy giống vịt khác. Từ trước tới giờ, tôi vẫn chọn cách nuôi nhốt vịt xiêm trong chuồng. Khu vực chuồng nuôi phải được giữ khô ráo để hạn chế mầm bệnh phát triển. Dù không có điều kiện nuôi quy mô lớn, nhưng tôi luôn tiêm ngừa đúng lịch đủ bệnh cho chúng, từ cúm gia cầm, gumboro, dịch tả, tụ huyết trùng… Tôi còn phun khử trùng thường xuyên chuồng trại để kịp thời triệt tiêu mầm bệnh, không để chúng gây hại”, bà Lài cho biết thêm.

Với người chăn nuôi heo, sau đợt giá heo hơi rớt thê thảm hồi đầu năm, nhiều hộ dân đang chuẩn bị tái đàn nuôi mới. Khác với nhiều người, anh Trần Văn Nguyên, ở xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, vẫn bám trụ chuồng nuôi suốt thời gian giá heo tuột dốc cho đến nay. Mặt khác, anh vẫn chăm sóc nuôi dưỡng đàn thật tốt để chờ đến lúc thị trường heo hơi có chuyển biến tích cực mà gỡ gạc khoản tiền thua lỗ. “Nếu giá heo rẻ, ai cũng chán chường mà bỏ mặc thì dịch bệnh tấn công là mất trắng hết. Nghĩ vậy nên giai đoạn đó tôi cố gắng duy trì. Cứ chăm sóc kỹ lưỡng, cho ăn ít lại để đợi khi giá heo tăng lên rồi bán. Đã chăn nuôi, nhất định phải tiêm phòng bệnh mới an tâm”, anh Nguyên kể lại.

Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, tháng qua không có dịch bệnh nguy hiểm xảy ra trên gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi thời tiết nên bệnh Ecoli, phó thường hàn trên heo xuất hiện ở một vài địa phương trong tỉnh làm chết 5 con heo. Nhờ được khống chế kịp thời nên bệnh không lây lan thành dịch. Theo khuyến cáo của ngành chức năng, thời điểm giao mùa, người chăn nuôi càng phải cảnh giác cao hơn với dịch bệnh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ông Trương Ngọc Trưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, lưu ý: “Trong chăn nuôi, bà con cần phải tiêm phòng đầy đủ các bệnh trên gia súc, gia cầm theo khuyến cáo của ngành thú y. Riêng chuồng trại phải đảm bảo vệ sinh, thoáng mát vào mùa hè và ấm áp trong mùa đông. Những yếu tố này khi kết hợp lại sẽ giúp cho vật nuôi có đầy đủ sức đề kháng chống chọi được với bệnh tật, chứ không riêng một loại dịch bệnh nào”.

Theo thống kê của ngành chức năng, từ đầu năm đến nay, ngành thú y đã tiêm phòng và giám sát tiêm phòng cúm cho trên 2,4 triệu con gia cầm. Đối với một số bệnh thường gặp khác trên gia súc, gia cầm như: dịch tả heo, tiêm được gần 74.000 con; lở mồm long móng, tiêm được trên 6.400 con heo; bệnh dịch tả vịt, tiêm được trên 759.000 con; bệnh newcastle tiêm được trên 425.000 con. Ngoài ra, một số bệnh thông thường khác cũng được người chăn nuôi quan tâm tiêm ngừa.

Nguyễn Hằng

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang