• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bắc Kạn: Ba Bể tập trung tái đàn lợn bản địa

Nguồn tin: Báo Bắc Kạn, 15/08/2017
Ngày cập nhật: 21/8/2017

Dự báo những tháng cuối năm nhu cầu tiêu thụ về thực phẩm tăng cao, nhất là lợn bản địa. Vì vậy, huyện Ba Bể (Bắc Kạn) đang tích cực chỉ đạo các xã rà soát tổng đàn lợn bản địa, tuyên truyền, vận động người dân tái đàn nhằm tăng thu nhập và đạt kế hoạch phát triển đàn lợn như nghị quyết HĐND huyện đề ra từ đầu năm.

Gia đình ông Triệu Văn Khải, thôn Nà Khuổi, xã Thượng Giáo đầu tư chuồng trại kiên cố để nuôi lợn bản địa

Việc lợn lai bị sút giá trong thời gian qua đã gây ảnh hưởng đến tâm lý người chăn nuôi nói chung, nhiều hộ dân giảm tổng đàn. Thế nhưng, một thực tế là đàn lợn bản địa giá vẫn duy trì tương đối ổn định, thị trường tiêu thụ không có sự biến động lớn. Đây thật sự là một ‘lời giải” cho bài toán loay hoay tìm hướng đi phát triển kinh tế của nhiều thôn, bản vùng cao.

Xã Thượng Giáo là một trong những địa phương có tổng đàn lợn bản địa dẫn đầu huyện với hơn 2.400 con lợn, trong đó quy mô chăn nuôi chủ yếu từ 3-10 con. Hộ ông Triệu Văn Khải, thôn Nà Khuổi nuôi lợn đen từ nhiều năm nay cho biết: trước đây gia đình cũng chủ yếu nuôi lợn trắng nhưng giá cả không cao so với lợn đen địa phương, gia đình đầu tư kiên cố chuồng trại nuôi lợn đen. Thời gian trước mua giống lợn con để nuôi nhưng tính kinh tế không hiệu quả, gia đình bắt đầu nuôi lợn nái để tự cung tự cấp về giống. Có thời điểm nuôi nhiều khoảng hơn 20 con/lứa. Chủ động nguồn thức ăn, gia đình trồng chuối, cây mon xung quanh nhà hay tận dụng bã rượu, thức ăn thừa để chăn. Một năm trừ chi phí gia đình có nguồn thu trên dưới 30 triệu đồng.

Không riêng gì ông Khải, người dân thôn Nà Khuổi có trên 60% người dân nuôi lợn bản địa. Với đặc tính ít dịch bệnh, không kén chọn thức ăn, giá cả ổn định nên lợn bản địa được người dân ở đây lựa chọn nuôi. Để phát triển bền vững, tuân theo quy trình kỹ thuật thời gian tới thôn sẽ thành lập tổ hợp tác chăn nuôi.

Tại thôn Pàn Han, xã Bành Trạch từ lâu nay chỉ chăn nuôi lợn bản địa, mỗi hộ nuôi bình quân 5-7 con/lứa, nhiều nhất khoảng 20 con, tự chủ động nuôi lợn nái để cung cấp giống. Do hình thức chăn thả dân dã, không sử dụng thức ăn tăng trọng mà chủ yếu nuôi ngô, chuối, bã rượu…thời gian nuôi kéo dài, một năm chỉ nuôi được hai lứa nên lợn nuôi ở đây có uy tín, thương lái thường xuyên đến tìm mua cả khi thị trường biến động về giá thì lợn đen vẫn duy trì từ 32-40 nghìn đồng/kg.

Ông Triệu Văn Chuống, một người dân thôn Pàn Han cho biết: gia đình nuôi 02 con lợn nái để không mất thêm một khoảng tiền lớn đi mua giống, bởi 1kg lợn con giá khoảng 50-70 nghìn đồng. Bình quân một lứa gia đình nuôi 12 con, có khi thì bán lợn giống cho các hộ dân trong thôn có nhu cầu. Lợn con từ lúc đẻ ra đến xuất bán mất hơn 6 tháng, đạt trọng lượng 60-70kg. Thức ăn chỉ có ngô nấu với chuối hay sắn, thi thoảng cho thêm ít muối để lợn ăn ngon miệng hơn.

Theo số liệu thống kê, huyện Ba Bể có hơn 20.000 con lợn bản địa, tập trung nhiều ở các thôn vùng cao thuộc xã Khang Ninh, Thượng Giáo, Bành Trạch, Chu Hương, Mỹ Phương. Để tạo chuyển biến, thay đổi phương thức nuôi từ thả rông sang chăn nuôi có sự quản lý, công tác tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi đang được các địa phương trên địa bàn huyện tích cực triển khai.

Đồng chí Lưu Quốc Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Bể cho biết: xác định nuôi lợn bản địa là thế mạnh của địa phương, nhất là các thôn vùng cao có tập quán chăn nuôi lâu năm. Tuy nhiên, hiện vẫn chủ yếu là quy mô nhỏ lẻ hộ gia đình, tự phát. Để coi đây là hướng phát triển kinh tế góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân, huyện tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn vận động, tuyền truyền người dân phát triển đàn lợn bản địa; các ngành chuyên môn tập huấn khoa học kỹ thuật, tiêm phòng định kỳ nhằm tăng năng suất, sản lượng…hướng đến nuôi quy mô lớn, hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã để chế biến và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm như lạp sườn, thịt chua…từ thịt lợn bản địa để tăng giá trị kinh tế, nhằm tạo uy tín, đảm bảo an toàn thực phẩm, mang đến sự yên tâm cho người tiêu dùng.

Với những ưu việt của con lợn bản địa như sức chống chịu thiên tai tốt, ít xảy ra dịch bệnh, nguồn thức ăn phong phú, thịt thơm và được thị trường ưu dùng. Vì vậy, phát triển đàn lợn bản địa không chỉ đảm bảo duy trì nguồn gen tốt mà góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và xây dựng đặc sản địa phương./.

Hà Nhung

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang