• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Để giảm rủi ro cho ngành chăn nuôi

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi, 18/8/2017
Ngày cập nhật: 20/8/2017

Chưa bao giờ người chăn nuôi heo lại bất an như thời điểm hiện tại.

Hiện giá heo đã khá hơn thời điểm “giải cứu” nhưng bức tranh về lĩnh vực chăn nuôi heo nói riêng, ngành chăn nuôi nói chung vẫn còn quá ít điểm sáng.

Giải cứu mất nhiều hơn được

Trong hơn nửa đầu năm nay, giá heo thịt rớt thê thảm, nhiều địa phương phải vận động người dân “giải cứu” nhằm kéo giảm phần nào thiệt hại cho người chăn nuôi. Ở góc độ người chăn nuôi hơn 17 năm, ông Hồ Văn Truyền ở xã Thành Thới B, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre là một trong những cá nhân tâm huyết và có mô hình chăn nuôi heo tiến bộ trên địa bàn tỉnh hiện nay, cho rằng việc giải cứu “mất” nhiều hơn “được”.

“Nhà nước đã tuyên truyền trong khoảng thời gian khá dài mới lay chuyển được ý thức người chăn nuôi heo về vai trò của việc áp dụng theo tiêu chuẩn sạch. Nhưng các hoạt động liên quan đến “giải cứu” cho mở sạp thịt heo từ đầu đường đến xóm, chợ đã dẫn đến việc giết mổ tràn lan rất khó kiểm soát. Như thế, khác nào chúng ta đã mặc nhiên thừa nhận chất lượng của thịt heo Bến Tre là rất thấp. Điều này đã thể hiện khá rõ trong việc không bán được thịt heo nguyên liệu cho các doanh nghiệp uy tín hoặc không xuất khẩu thịt heo được sang các thị trường đề cao chất lượng”, ông Truyền khẳng định như thế tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Quyết định số 2526 của UBND tỉnh về quy hoạch chăn nuôi, giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức vừa qua. Đồng thời, ông Truyền cũng cho biết, dù khó khăn đến đâu ông cũng thực hiện chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP và thực hiện giết mổ tập trung, kiểm soát nghiêm ngặt.

Tổ hợp tác chăn nuôi heo VietGAP Cẩm Sơn (Mỏ Cày Nam). Ảnh: Cẩm Trúc

Ông Nguyễn Văn Bé Chính ở xã Cẩm Sơn, huyện Mỏ Cày Nam nuôi heo với quy mô đàn hơn 600 con, mong muốn các cơ quan nhà nước kiểm soát tốt hơn các hoạt động về chăn nuôi như: dẹp bỏ các chuồng heo nhỏ lẻ, hỗ trợ nhiều hơn cho người chăn nuôi theo tiêu chuẩn GAP. Bởi theo ông Bé Chính, những hoạt động chăn nuôi không kiểm soát được môi trường, chất lượng thịt là những tác nhân trực tiếp gây mất uy tín của heo có nguồn gốc Bến Tre trên thị trường.

Phát biểu tại hội nghị sơ kết tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2017, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Văn Trọng yêu cầu ngành chức năng phối hợp với chính quyền các địa phương không để tồn tại các sạp thịt heo không an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt các sạp thịt hình thành từ trong quá trình “giải cứu”. Tuy nhiên, thực tế chỉ đạo này vẫn chưa được thực hiện nghiêm.

Kiểm soát vùng nuôi và giết mổ tập trung

Theo ông Trần Quang Thái - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh đã vượt so với việc quy hoạch phát triển của tỉnh đến năm 2020. Đáng chú ý, đàn heo sau thời gian được “giải cứu” vẫn còn gần 700 ngàn con (tăng gần 22% so với kế hoạch vào năm 2020); đàn bò gần 203 ngàn con (chỉ tiêu năm 2020 là 200 ngàn con); gần 5,5 triệu con gia cầm… Bên cạnh đó, toàn tỉnh hiện tồn tại 217 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, phần nhiều không đảm bảo các điều kiện hoạt động và chưa có dấu hiệu chuyển dịch theo quy hoạch đến năm 2020 còn lại 49 trại giết mổ tập trung. Lượng thực phẩm cung cấp cho thị trường từ chăn nuôi của tỉnh lên đến hơn 111 ngàn tấn/năm nhưng hiện chỉ có hơn 20 cơ sở làm chả lụa là chế biến lương thực từ nguồn gốc động vật.

Nhãn hiệu bò Ba Tri chưa được khai thác và việc thiếu nguồn thức ăn cho gia súc khiến người chăn nuôi chưa an tâm. Ảnh: Mã Phương

Đáng nói hơn, việc chăn nuôi gia súc, gia cầm vẫn tồn tại ngay cả những khu vực bị cấm nuôi như các khu đô thị, khu dân cư tập trung, công trình công cộng, khu và cụm công nghiệp, khu di tích lịch sử - văn hóa, đất rừng phòng hộ và đặc dụng… Ngoài ra, chăn nuôi vẫn tồn tại ở các vùng không được khuyến khích phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, vùng được quy hoạch trồng mía, rau màu, cây ăn trái đặc sản, đất nuôi trồng thủy sản và đất diêm nghiệp.

Trong khi các cơ quan chuyên ngành tỉnh yêu cầu các địa phương thực hiện quản lý nghiêm ngặt và thực hiện đúng với quy hoạch của UBND tỉnh đã công bố, đặc biệt là vấn đề giết mổ tràn lan thì lãnh đạo các huyện, xã đều kêu khó thực hiện. “Thật sự quá khó kiểm soát, bởi phần lớn cơ sở giết mổ đã tồn tại lâu năm, lại nằm sâu trong khu dân cư nên chẳng những khó vận động dẹp bỏ mà ngay cả việc kiểm tra cũng không hề dễ dàng. Mặc dù trên địa bàn huyện đang tồn tại đến khoảng 40 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình là quá nhiều, không đảm bảo an toàn về vệ sinh thực phẩm so với quy hoạch đến năm 2020 nhưng sau những nỗ lực để có được mặt bằng vẫn chưa kêu gọi được nhà đầu tư cho 5 điểm giết mổ tập trung theo quy hoạch”, ông Dương Văn Chương - Phó chủ tịch UBND huyện Ba Tri nêu thực trạng và những khó khăn của huyện.

Ông Ngô Tất Thắng - Phó chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, là chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong xây dựng chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp, cho rằng: “Đòi hỏi của thời đại buộc người nông dân nói chung phải tham gia các chuỗi giá trị liên kết, cùng xây dựng thương hiệu nông sản sạch. Nhưng để lay chuyển được hành vi của người nông dân thì Nhà nước phải hỗ trợ bài bản và đến cùng đối với các chuỗi giá trị điểm. Cụ thể hơn, tỉnh đã xây dựng được nhãn hiệu tập thể bò Ba Tri, đây là một tiền đề rất tốt. Tôi nghĩ, nếu chính quyền Bến Tre tập trung được những người chăn nuôi bò Ba Tri lại theo mô hình kinh tế tập thể và hỗ trợ tập thể có thể tự thực hiện được từ khâu chăn nuôi, giết mổ tập trung đến phân phối trên thị trường. Đây sẽ là một nguồn sáng đủ mạnh để lan tỏa sang người chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm khác”.

Một hệ quả dễ thấy nhất từ hoạt động “giải cứu” heo vừa qua đó là trên địa bàn tỉnh có thêm hàng trăm sạp thịt heo bán khắp nơi nhưng khó khẳng định sạp thịt có nguồn gốc xuất xứ từ lò mổ rõ ràng. Theo số liệu của ngành y tế, từ đầu năm 2017 đến nay, Bến Tre có hơn 10 ca nhiễm vi-rút liên cầu lợn (nhiều đứng hàng thứ 2 trong cả nước) đã khiến cho người tiêu dùng ngán thịt heo ngay cả trong suy nghĩ.

Bài, ảnh: Mã Phương

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang