• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Phú Thọ: Hiệu quả từ mô hình nuôi ong lấy mật ở xã Tất Thắng

Nguồn tin: Báo Phú Thọ, 05/08/2017
Ngày cập nhật: 9/8/2017

Việc nuôi ong rừng lấy mật đem lại thu nhập hàng năm lên tới hàng trăm triệu đồng của gia đình chị Phạm Thị Nhung, khu 13, xóm Xem, xã Tất Thắng.

Là một xã miền núi với tiềm năng lợi thế kinh tế đồi rừng, thời gian qua, xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ đã tập trung phát triển xen kẽ giữa trồng rừng với mô hình nuôi ong lấy mật, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.

Nghề nuôi ong lấy mật ở xã Tất Thắng đã có từ lâu, nhưng chủ yếu là tự phát ở các gia đình nên còn manh mún, nhỏ lẻ, sản phẩm làm ra chủ yếu là để phục vụ nhu cầu của người dân. Thế nhưng vài năm trở lại đây, nhận thấy mô hình nuôi ong lấy mật đem lại hiệu quả kinh tế cao, lại chịu ít rủi ro, thất thoát vốn nên nhiều gia đình đã đầu tư, mở rộng quy mô, tận dụng lợi thế đất đồi rừng và tăng thêm số lượng đàn, biến nghề nuôi ong mật trở thành một hướng đi tiềm năng để cải thiện đời sống.

Vượt qua con đường đất cheo leo, gập ghềnh, chúng tôi đến thăm mô hình nuôi ong lấy mật của gia đình chị Phạm Thị Nhung ở khu 13, xóm Xem, xã Tất Thắng - một trong những hộ nuôi ong lâu năm và có nhiều đàn ong nhất xã. Thời gian đầu, nhà chị chỉ nuôi 1-2 đàn với mục đích để gia đình dùng là chính. Vừa nuôi vừa học hỏi thêm kinh nghiệm, đến nay, sau gần 25 năm gắn bó với nghề, chị đã có gần 100 đàn ong trên diện tích hơn 1ha đồi rừng, cho thu nhập hơn 200 triệu đồng mỗi năm và tạo việc làm cho 2 công nhân thường xuyên với mức lương 5 triệu đồng/người/tháng.

Chị Nhung chia sẻ: “Nghề nuôi ong lấy mật không khó, nhưng đòi hỏi người nuôi phải có sự cẩn thận, tỉ mỉ và am hiểu về các đặc tính của chúng như xây tổ, chia đàn, có sự hiểu biết sâu về các loài hoa, mùa ong đi lấy mật, đối với mùa lạnh khan phấn sẽ phải xử lý làm sao để ong không bay mất mới có thể đạt được thành công trong nghề”.

Với 100 đàn ong tương đương 100 thùng, được trải dài trên khu đất đồi rừng sau nhà, 2 vợ chồng chị luôn tay luôn chân đi kiểm tra tổ. Loại cây để ong lấy mật tốt nhất là cây nhãn, vải và các loại mật ở lá cây keo, cây bạch đàn… Mùa rộ mật bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 7, đặc biệt là từ tháng 5 gia đình chị quay mật 2 đến 3 lần 1 tháng, thu được hàng nghìn lít mật ong với giá bán từ 150 nghìn đến 200 nghìn đồng/lít.

Chị Nhung cho biết thêm: “Mật ong miền núi rất được ưa chuộng trên thị trường vì đặc tính tốt và lành đối với sức khỏe, được dùng làm nhiều bài thuốc dân gian chữa bệnh nên mật làm ra đến đâu bán hết đến đó. Bên cạnh đó, giá cả thị trường ổn định, không mất giống và thức ăn nên năm 2018, gia đình tôi quyết định sẽ tiếp tục nhân giống lên 300 đàn, mở rộng mô hình nuôi ong lấy mật thêm khoảng 1ha”. Việc phát triển mô hình nuôi ong lấy mật đã giúp gia đình chị từng bước thoát nghèo, vươn lên thành hộ khá và trở thành hộ điển hình trong phong trào nuôi ong của xã.

Mô hình nuôi ong công nghiệp ở khu 11, xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn.

Hiện tại, xã Tất Thắng có khoảng 85 hộ nuôi ong với số đàn lên đến gần 300 đàn. Nhận thấy hiệu quả từ mô hình nuôi ong ngoài lợi ích về kinh tế, đan xen kết hợp diện tích trồng rừng, còn tạo việc làm lúc nông nhàn nên nhiều hộ gia đình tích cực học hỏi và triển khai mô hình này. “Tuy nhiên, để phát triển phong trào nuôi ong lấy mật trở thành hướng đi mũi nhọn xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy các hộ nuôi ong mạnh dạn đầu tư, nhân rộng mô hình thì các cơ quan chức năng cần có sự quan tâm, giúp đỡ với các biện pháp phù hợp để có thể phát triển mô hình một cách bền vững” - ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Tất Thắng chia sẻ.

Thanh Trà

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang