• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Mở hướng tiêu thụ các loại thủy đặc sản

Nguồn tin: Báo Nam Định, 19/10/2020
Ngày cập nhật: 20/10/2020

Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên việc tiêu thụ một số loại thủy đặc sản của bà con nông dân trong tỉnh Nam Định đang gặp khó khăn. Vì vậy, ngành Nông nghiệp đang tích cực phối hợp với các ngành chức năng, các hiệp hội, doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm, góp phần giảm thiệt hại, bảo đảm tăng trưởng ngành trong năm 2020.

Đóng gói sản phẩm cá mú thương phẩm tại Công ty Kinh doanh Thủy sản Nam Định.

Vụ cá mú năm nay được mùa nhưng ông Nguyễn Văn Từ, xã Nam Điền (Nghĩa Hưng) không thấy vui vì cá “mất giá”. Theo tính toán của ông Từ, với giá bán từ 100-110 nghìn đồng, mỗi cân cá mú ông vẫn lỗ gần 40 nghìn đồng. Ông Từ cho biết: Để nuôi được 1 tấn cá mú chi phí giống, thức ăn, thuê đầm bãi, công lao động, vận chuyển… hết 150 triệu đồng nhưng hiện chỉ bán được 110 triệu đồng. Thông thường các hộ nuôi khoảng 18 tháng bắt đầu đánh bắt xuất bán cho các thương lái. Nhưng hiện nay lượng cá mú trong 4 đầm nuôi của gia đình ông vẫn tồn vì khách mua rất ít. Nhiều hộ nuôi đã chấp nhận bán giá rẻ nhằm giảm lỗ nhưng vẫn rất khó tiêu thụ. Theo tính toán của Phòng NN và PTNT huyện Nghĩa Hưng, hiện nay tại khu vực Cồn Xanh, vùng bãi triều đang tồn khoảng gần 1,5 nghìn tấn cá mú đã quá lứa ở khoảng 300ha. Để duy trì, các hộ nuôi đang cho ăn cầm chừng để hy vọng giá bán sẽ tăng trong những tháng cuối năm khi dịch bệnh được kiểm soát... Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do dịch bệnh COVID-19 du lịch vắng khách, đình trệ các nhà hàng, khách sạn giảm hoạt động lượng tiêu dùng giảm, trong khi sản lượng, diện tích nuôi các loại cá đặc sản liên tục tăng trong những năm gần đây do người dân thấy đối tượng nuôi nào có lãi là tự phát vay vốn ngân hàng đầu tư nuôi thả ồ ạt. Trong khi đó, người tiêu dùng có thói quen mua các loại cá tươi sống, cá mú chưa được chế biến khiến đầu ra cho các loại cá đặc sản này khá đơn điệu, hạn hẹp. Không riêng các hộ nuôi cá mú, hàng trăm hộ nuôi cá bống bớp cũng đang chịu chung cảnh “được mùa, mất giá” như vậy.

Trước tình hình trên, để tháo gỡ khó khăn cho người dân, Sở NN và PTNT đang tích cực phối hợp với các ngành chức năng, các huyện, doanh nghiệp triển khai các hoạt động xúc tiến tiêu thụ các loại thủy đặc sản tại các vùng nuôi, giúp nông dân vượt qua khó khăn trong thời điểm hiện nay. Sở NN và PTNT đã phối hợp với Hiệp hội Nông nghiệp sạch Nam Định xây dựng Trung tâm Giới thiệu sản phẩm thủy hải sản tươi sống nhằm giới thiệu, cung cấp các sản phẩm thủy sản tươi sống đảm bảo chất lượng tới người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Hiện, Trung tâm đang giới thiệu, cung ứng gần 100 loại sản phẩm thủy sản tươi sống, gồm: cá mú, cá bống bớp, cá song, ngao, tôm, cua… Các sản phẩm được giới thiệu và bán tại Trung tâm là của hộ nuôi ở các huyện ven biển đã được cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm và được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, đồng thời được Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Sở NN và PTNT) kiểm dịch chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc thu gom, quản lý và cung ứng nguồn thủy hải sản tươi sống do Doanh nghiệp tư nhân sản xuất, kinh doanh thủy hải sản Sơn Nguyệt ở khu 6, thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng) đảm nhận.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Nông sản sạch Nam Định đã huy động các đơn vị thành viên khai thác các kênh đối tác của mình chung tay tiêu thụ thủy đặc sản cho người dân mở rộng thị trường ra các tỉnh, thành phố. Để hỗ trợ nông dân tiêu thụ các loại cá đặc sản, Công ty Kinh doanh Thủy sản Nam Định đã huy động vốn đầu tư 4 xe ô tô chuyên chở thủy sản tươi sống và xuống các vùng nuôi cá mú, bống bớp thu mua mang đi Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ tiêu thụ cho bà con; đồng thời tự bán tại các đại lý, cửa hàng của Công ty tại thành phố Nam Định và các huyện. Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Công ty cho biết: Việc đầu tư xe chở thủy sản tươi sống khá tốn kém do phải lắp thêm các thiết bị làm mát, bình dưỡng và máy sục khí để cá đủ ô-xi thở bảo đảm thủy sản tươi sống đến tay người mua; đồng thời xây dựng và mở thêm một số điểm bán hàng; lập trang facebook để giới thiệu cho khách hàng biết, lựa chọn sử dụng các loại cá đặc sản. Bằng nhiều nỗ lực, lượng tiêu thụ cá mú, cá bống bớp đã tăng đáng kể, từ 5-7 tạ/ngày với giá bán từ 150-160 nghìn đồng/kg.

Tuy nhiên, việc tiêu thụ theo hình thức này cũng chỉ là giải pháp tình thế trước mắt, mang tính tạm thời. Cùng với hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, Sở NN và PTNT tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các ngân hàng hỗ trợ tiếp tục giải ngân cho các chủ đầm vay vốn để duy trì sản xuất. Theo ông Từ, thời điểm này người nuôi cá đặc sản rất mong được Nhà nước hỗ trợ, các ngân hàng trên địa bàn áp dụng các biện pháp giảm lãi suất vốn vay, giãn nợ để hỗ trợ nông dân vượt qua thời điểm khó khăn. Để tiêu thụ hàng nghìn tấn cá đặc sản đang tồn đọng hiện nay vẫn rất cần sự vào cuộc của các cấp, ngành chức năng, các địa phương, doanh nghiệp khẩn trương tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại trên thị trường cả nước thông qua các sự kiện “Tuần lễ cá mú” tại một số thành phố lớn, mời các tập đoàn bán lẻ lớn về phối hợp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cá mú, cá bống bớp như cách làm của các vùng vải, nhãn, cá hồi đã từng thực hiện. Về lâu dài, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cần tập trung quản lý tốt ngành nuôi thủy sản nói chung, nuôi cá đặc sản nói riêng; đảm bảo yêu cầu nuôi theo quy hoạch phù hợp cân bằng với nhu cầu thị trường nhằm hạn chế tình trạng môi trường nuôi bị ô nhiễm, cung vượt quá cầu khiến người nuôi thua lỗ.

Đồng chí Hoàng Mạnh Hà, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN và PTNT) cho biết: Chúng tôi đang tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng phối hợp với các tỉnh, thành phố, nhất là Hà Nội, Hải Phòng để tổ chức hội chợ giới thiệu sản phẩm thủy đặc sản nói chung, cá mú, cá bống bớp nói riêng, góp phần tìm đầu ra ổn định, tăng sản lượng tiêu thụ, tăng giá bán, qua đó giảm bớt khó khăn cho người nuôi. Tổ chức quy hoạch và định hướng lại cho bà con nuôi bám sát nhu cầu thị trường. Tổ chức hình thành xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm cá đặc sản. Tập trung xây dựng thương hiệu và tích cực quảng bá rộng rãi cho các con nuôi đặc sản của tỉnh./.

Bài và ảnh: Văn Đại

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang