• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Hiệu quả bước đầu nuôi tôm hai giai đoạn ứng dụng bể nổi lót bạt

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng, 22/09/2020
Ngày cập nhật: 24/9/2020

Để góp phần tăng sản lượng, thu nhập cho hộ dân trên cùng diện tích nuôi, Trạm Khuyến nông huyện Mỹ Xuyên (tỉnh Sóc Trăng) đã triển khai thực hiện mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn giảm giá thành, ứng dụng bể nổi, lót bạt tại hộ ông Huỳnh Công Hưởng, ấp Lương Văn Huỳnh, xã Ngọc Tố (Mỹ Xuyên).

Trong những ngày trung tuần tháng 9, chúng tôi có dịp tham quan khu vực bể nổi lót bạt tại hộ ông Huỳnh Công Hưởng. Đây là bể nổi dùng để ương tôm thẻ chân trắng giống, tôm khi mới mua về sẽ được ương dưỡng tại bể một thời gian nhất định rồi thả xuống ao đất để nuôi tiếp. Bể nổi chứa 100m3 nước, mật độ ương 1.000 con/m3, với số lượng tôm giống ương như trên sẽ phục vụ cho diện tích nuôi 4.000m2. Chỉ sau thời gian thực hiện, người trực tiếp làm mô hình và các thành viên HTX Nông nghiệp 3/2 theo dõi tại hộ nuôi đều chia sẻ rằng: đây là mô hình mang lại lợi ích thiết thực cho bà con nông dân nuôi tôm trong ao đất vì giảm hao hụt con giống, tôm lớn nhanh.

Ông Huỳnh Công Hưởng, ấp Lương Văn Huỳnh, xã Ngọc Tố (Mỹ Xuyên) khoe tôm được ương trong bể nổi, lót bạt sau đó chuyển sang nuôi ao đất, giúp tôm lớn nhanh, giảm chi phí đầu tư. Ảnh: THÚY LIỄU

Ông Huỳnh Công Hưởng bộc bạch: “Ban đầu nhận được sự hỗ trợ của Trạm Khuyến nông để thực hiện mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn giảm giá thành, ứng dụng bể nổi, lót bạt tôi rất bỡ ngỡ. Bởi trước giờ nuôi tôm theo hình thức truyền thống, thấy thời tiết thuận lợi đi mua tôm giống về thì thả luôn xuống những cái ao nuôi tôm đã chuẩn bị sẵn nên tôm hao hụt nhiều...”.

Cũng theo thông tin từ ông Hưởng, trong vài năm trở lại đây, tình hình nuôi tôm gặp nhiều khó khăn do tôm bị ảnh hưởng dịch bệnh, ô nhiễm môi trường nước nên tỷ lệ tôm giống thả xuống ao nuôi thất thoát nhiều nhưng người nuôi cũng phải chấp nhận, bởi bà con chỉ thích nuôi tôm trong ao đất. “Vì vậy, tôi suy nghĩ làm cách nào để nuôi tôm đạt hiệu quả thì nhận ngay sự hỗ trợ của Trạm Khuyến nông huyện hỗ trợ thực hiện mô hình, tôi rất phấn khởi xin nhận thực hiện ngay mô hình” - ông Hưởng vui mừng cho biết thêm.

Cũng theo chia sẻ của ông Hưởng, trong quá trình tiến hành xây bể ương và lắp đặt các trang thiết bị cần thiết cho việc ương dưỡng tôm, ngoài việc hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật trong khâu thiết kế, ông còn tự học hỏi, tìm tòi thêm các kinh nghiệm từ người làm bể ương trước đó, kể cả lên Google để nghiên cứu cách làm bể ương phù hợp tình hình thực tế tại hộ. Khi các công đoạn như: xây bể ương 200m2, kết hợp ao lắng đã hoàn thành thì ông thấy cần phải bổ sung thêm thùng chứa nước để bơm nước vào bể lắng lọc nước trong mới đưa vào bể, tôm ương sinh trưởng tốt hơn nên ông triển khai làm thêm thiết bị này. Kết quả nước bơm lên lọc lắng xong đưa vào bể ương, thả tôm giống xuống nước trong veo, quan sát tôm rất thuận lợi.

Đồng chí Nguyễn Minh Khải - Phó trưởng Trạm Khuyến nông Mỹ Xuyên thông tin: “Mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn giảm giá thành, ứng dụng bể nổi, lót bạt là một trong nhiều mô hình được đơn vị triển khai trên địa bàn huyện trong thời gian qua nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất tôm thẻ chân trắng thông qua hình thức ương nuôi, góp phần tăng tỷ lệ sống, độ đồng đều, giảm thiểu rủi ro về dịch bệnh, gia tăng kích cỡ tôm thương phẩm, giảm chi phí đầu tư thông qua việc giảm lượng thức ăn và chế phẩm xử lý môi trường trong giai đoạn đầu khi ương tôm, giảm lượng giống thả. Đồng thời, ưu điểm của bể ương là thuận lợi cho người nuôi theo dõi sát tình trạng sức khỏe của tôm nuôi cũng như vệ sinh, cải tạo, xử lý nước cho bể ương được thực hiện một cách dễ dàng, nhanh chóng và triệt để; có thể tái bố trí sử dụng bể ương nhiều lần trong năm, phù hợp cho nuôi tôm rải vụ. Bể ương có thời gian sử dụng lâu dài, tận dụng ương nhiều đợt trong năm, về cơ bản vẫn là nuôi tôm theo phương thức bán thâm canh nên không phá vỡ kết cấu công trình nuôi sẵn có và không làm ảnh hưởng cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn. Qua đó, mô hình có thể nhân rộng tại các hộ nuôi trong thời gian tới”.

THÚY LIỄU

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang