• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Ngăn chặn việc lạm dụng kháng sinh trong nuôi thủy sản

Nguồn tin: Báo Nam Định, 16/01/2020
Ngày cập nhật: 19/1/2020

Việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi nói chung và trong nuôi thủy sản nói riêng đang là vấn đề cấp thiết được các cơ quan chức năng cũng như người tiêu dùng quan tâm. Bởi, không chỉ gây hại đến môi trường nuôi, chất lượng các con nuôi mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Hiện nay, diện tích nuôi thủy sản toàn tỉnh Nam Định là 15.590ha (nuôi mặn lợ 6.190ha, nuôi ngọt 9.400ha). Sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2019 đạt 105.635 tấn, tăng 7,5% so với năm 2018, đạt 104,6% kế hoạch đề ra. Trong đó, sản lượng nuôi mặn lợ đạt 53.335 tấn, tăng 5,4% so với năm 2018. Các đối tượng nuôi mặn lợ chủ yếu như ngao, tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá song, cá bống bớp... Sản lượng nuôi nước ngọt đạt 52.300 tấn, tăng 9,8% so với năm 2018, với các đối tượng nuôi chủ yếu là các loại cá truyền thống, cá diêu hồng, cá lóc bông và một số loài có giá trị kinh tế cao như cá trắm đen cũng đang ngày càng được phát triển mạnh mẽ, hình thành được một số vùng nuôi tập trung. Những năm gần đây, hầu hết người nuôi thủy sản cả nước ngọt và mặn lợ đều sử dụng thức ăn công nghiệp. Tuy nhiên, việc sử dụng quá nhiều thức ăn dẫn tới dư thừa cộng với chất thải của thủy sản làm cho môi trường nước ao nuôi ô nhiễm, là tác nhân phát sinh các mầm bệnh. Mặc dù thuốc kháng sinh đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc chống lại nhiều bệnh tật cho các loại thủy sản nhưng việc sử dụng bừa bãi lại gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng. Đó là việc hình thành hệ vi sinh vật kháng thuốc kháng sinh, đồng thời làm hủy diệt hệ vi sinh vật tự nhiên vốn có. Hơn nữa, khi sử dụng kháng sinh quá liều lượng sẽ tạo ra nhiều chất kim loại độc hại tồn đọng trong lớp bùn ao nuôi, làm xáo trộn sự cân bằng của môi trường nước, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của các đối tượng thủy sản.

Để hạn chế tình trạng lạm dụng kháng sinh trong quá trình điều trị bệnh cho các đối tượng thủy sản nuôi, ngay từ đầu năm Chi cục Thủy sản, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã kết hợp với Thanh tra Sở NN và PTNT cùng với các ngành chức năng tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra các vùng nuôi thủy sản định kỳ 1 tháng 2 lần. Ngoài biện pháp trực tiếp tuyên truyền các quy định mới theo Luật Thủy sản năm 2017 về điều kiện sản xuất, kinh doanh của các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống, thức ăn, hóa chất, thuốc thú ý, chế phẩm sinh học dùng trong nuôi thủy sản đến các hộ nuôi thủy sản thì các cơ quan chức năng còn in băng rôn, sổ tay hướng dẫn nuôi thủy sản an toàn vệ sinh thực phẩm và quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm đến các hộ nuôi thủy sản và cả người tiêu dùng; hướng dẫn các hộ nuôi thả giống đúng mùa vụ. Với sự chỉ đạo, kiểm soát sát sao của các ngành chức năng, người nuôi và kinh doanh, chế biến thủy sản cũng đã dần nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm, hiểu được tác hại của việc lạm dụng kháng sinh trong nuôi thủy sản. Qua các đợt kiểm tra cho thấy hầu hết không xảy ra hiện tượng lạm dụng kháng sinh trong các vùng nuôi thủy sản. Người nuôi đã đặc biệt chú ý từ khâu chọn con giống, chỉ chọn mua con giống tại những cơ sở uy tín và con giống phải khỏe mạnh, màu sắc tốt. Khâu quản lý môi trường nước được người nuôi coi trọng vì làm tốt khâu này thì các đối tượng nuôi sẽ khỏe mạnh hơn, khả năng miễn dịch cao hơn, ít phải sử dụng kháng sinh. Anh Nguyễn Đức Chỉnh, xóm Xuân Hóa, xã Hải Xuân (Hải Hậu) có 3ha nuôi tôm thẻ chân trắng. Qua quá trình tìm tòi, đúc kết kinh nghiệm thực tiễn, anh đã hạn chế việc sử dụng kháng sinh cho tôm bằng cách chủ động bổ sung đầy đủ và đúng cách các khoáng chất cần thiết cho tôm. Ngoài ra, anh còn sử dụng lá cây mật gấu và cây diệp hạ châu, đun lấy nước sôi trộn vào thức ăn cho tôm khi tôm có dấu hiệu bị dịch bệnh hoặc vào những thời diểm nhạy cảm như thời tiết diễn biến thất thường khó nắm bắt. Vì vậy nên đàn tôm của anh phát triển khỏe mạnh, đồng đều. Một số cơ sở nuôi trên địa bàn tỉnh còn áp dụng chế phẩm sinh học để làm sạch môi trường nước, từ đó con nuôi khỏe mạnh, hạn chế việc sử dụng kháng sinh. Bên cạnh đó, để hỗ trợ cho người nuôi thủy sản, Sở cũng tăng cường tập huấn hướng dẫn cho đội ngũ cán bộ chủ chốt, cán bộ kỹ thuật và nhân viên tham gia trong từng công đoạn sản xuất, nuôi, chăm sóc, sơ chế và chế biến thủy sản về các quy định về sản xuất, kinh doanh thủy sản an toàn, bền vững, phát hiện ngăn chặn các hành vi lạm dụng kháng sinh trong nuôi thủy sản. Tổ chức ký kết bản thỏa thuận giữa các bên có liên quan, giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp, giữa các cơ sở cung cấp đầu vào với cơ sở nuôi… trong tổ chức triển khai xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, kinh doanh thủy sản theo chuỗi giá trị đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm. Chủ trì, thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành phối hợp với các địa phương tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; kiểm soát, ngăn chặn hành vi lạm dụng kháng sinh trong nuôi thủy sản. Trong năm 2019, Chi cục đã phối hợp với các cấp huyện, xã tổ chức ký cam kết sản xuất thủy sản đảm bảo an toàn thực phẩm cho 140 hộ nuôi trồng thủy sản; tổ chức thẩm định, đánh giá về điều kiện an toàn thực phẩm cho 5 đơn vị sản xuất thủy sản và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho 3 đơn vị.

Thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật về lưu thông, phân phối, sử dụng hóa chất, kháng sinh trong sản xuất kinh doanh thủy sản. Cùng với việc tăng cường công tác tuyên truyền về các biện pháp phòng chống dịch bệnh, sử dụng thuốc thú y để tránh tồn dư hóa chất kháng sinh làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng; tuyên truyền nâng cao nhận thức về tác hại của việc sử dụng chất cấm trong nuôi thủy sản; tiến hành nghiên cứu đề xuất ban hành bổ sung cơ chế chính sách hỗ trợ tổ chức lại sản xuất, kết nối sản xuất với chế biến, phân phối, phát triển và nhân rộng các chuỗi cung cấp thủy sản an toàn; phát triển nuôi thủy sản công nghệ cao kết hợp với quản lý chặt các yếu tố trong nuôi thủy sản. Các doanh nghiệp chế biến thủy sản phải thông qua việc giám sát chặt chẽ hoạt động nuôi trồng tại cơ sở nuôi cung cấp nguyên liệu, thường xuyên giám sát chương trình quản lý chất lượng để đảm bảo biện pháp kiểm soát hóa chất kháng sinh phù hợp khi tiếp nhận nguyên liệu./.

Thanh Hoa

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang