• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Giá thảo quả thấp kỷ lục

Nguồn tin: Báo Lào Cai, 09/10/2019
Ngày cập nhật: 10/10/2019

Thảo quả được coi là cây trồng góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho người dân, tuy nhiên, giá thảo quả đang ở mức thấp “kỷ lục” khiến người dân lo lắng.

Giá thảo quả thấp chưa từng thấy

Trung Lèng Hồ (Bát Xát, tỉnh Lào Cai) là một trong những xã có diện tích thảo quả lớn nhất tỉnh (hơn 850 ha). Cây thảo quả đã gắn bó với đồng bào các dân tộc xã này hàng chục năm qua, giúp nhiều gia đình thoát nghèo, thậm chí vươn lên làm giàu. Gia đình ông Lý Páo Di, ở thôn Trung Hồ trồng gần 10 ha thảo quả, trong đó có gần 8 ha đến thời kỳ thu hoạch. Những năm mất mùa, gia đình ông Di thu được 50 - 70 triệu đồng từ bán thảo quả khô, còn nếu được mùa, được giá thì con số này lên tới hàng trăm triệu đồng.

Cây thảo quả được trồng nhiều ở xã Dền Sáng (Bát Xát).

Năm nay, mặc dù cây thảo quả chưa khôi phục hoàn toàn sau khi chịu ảnh hưởng bởi thời tiết những năm trước nhưng dự kiến gia đình ông Di cũng thu hàng tấn thảo quả khô. Tuy nhiên, giá thảo quả đang ở mức thấp kỷ lục, chỉ khoảng 70 - 80 nghìn đồng/kg, khiến ông mất ăn, mất ngủ. Ông Di than thở: Chưa năm nào giá thảo quả khô thấp như năm nay, bán 1 kg thảo quả khô không mua nổi 1 kg thịt lợn. Nếu cuối năm mà giá vẫn thấp như thế này thì thiệt hại nhiều lắm.

Mặc dù chưa đến thời điểm thu hoạch (thường là từ tháng 10 âm lịch) nhưng đến nay, hơn 300 ha thảo quả đã được người dân xã Tả Giàng Phình (Sa Pa) thu hoạch xong. Gia đình ông Sùng A Phủng, thôn Suối Thầu 1 năm nay thu hoạch được gần 1 tấn thảo quả khô. Với giá bán như hiện nay, gia đình ông thu về chưa đến 100 triệu đồng. Ông Phủng tâm sự: Những năm trước, giá bán thảo quả khô dao động ở mức 200 - 300 nghìn đồng/kg, có thời điểm lên tới 450 nghìn đồng/kg. Nhưng không hiểu vì lý do gì mà giá thảo quả khô năm nay xuống thấp đến thế, khiến gia đình tôi thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Cùng tâm trạng, ông Sùng A Khoa, cũng ở thôn Suối Thầu 1 như “ngồi trên đống lửa” khi hàng tạ thảo quả khô chưa tìm được người mua. “Cố bán thì cũng được, nhưng giá rẻ quá, bán đi không đủ chi phí thu hoạch, chăm sóc”, ông Khoa nói.

Đâu là nguyên nhân?

Những năm qua, cây thảo quả đã góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân các xã vùng cao. Tuy nhiên, một thực tế là đầu ra của cây thảo quả luôn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Ông Sùng A Cở, Bí thư Đảng ủy xã Trung Lèng Hồ cho biết, xã có khoảng 850 ha thảo quả. Có những năm được mùa, được giá, cây thảo quả mang lại nguồn thu hàng chục tỷ đồng cho người dân. Thế nhưng vài năm gần đây, cây thảo quả không chỉ mất mùa mà còn mất giá khiến người trồng thảo quả ở địa phương gặp nhiều khó khăn. Phần lớn quả thảo quả khô được thương lái mua của người dân, rồi xuất bán sang Trung Quốc. Khi nhu cầu của Trung Quốc giảm, chắc chắn giá thảo quả sẽ giảm theo. Hiện giá thảo quả chỉ khoảng 70 nghìn đồng/kg nhưng vẫn không có người mua.

Nông dân xã Tả Van (huyện Sa Pa) thu hoạch thảo quả.

Một nguyên nhân nữa khiến thảo quả khô giảm là do chất lượng. Theo đúng thời vụ thì khoảng tháng 11 - 12 mới vào mùa thu hoạch thảo quả, nhưng một số xã đã thu hoạch gần xong. Như vậy, người dân đã thu hoạch thảo quả non, dẫn đến năng suất, chất lượng thảo quả giảm, thương lái ép giá cũng là điều dễ hiểu.

Ông Hạng A Sang, Chủ tịch UBND xã Tả Giàng Phình cho biết: Thời điểm này, cơ bản diện tích thảo quả trên địa bàn xã đã được thu hoạch, tức là người dân đã thu hoạch thảo quả non với diện tích rất lớn. Khi chất lượng thảo quả thấp thì giá bán chắc chắn bị thương lái ép xuống. Chúng tôi cũng tuyên truyền, vận động người dân nên thu hoạch thảo quả đúng thời vụ để đảm bảo năng suất, chất lượng nhưng người dân sợ mất trộm nên thu hoạch non.

Toàn tỉnh hiện có gần 20 nghìn ha thảo quả, trong đó 80% diện tích đã cho thu hoạch. Các cấp, các ngành, chính quyền địa phương cần vào cuộc quyết liệt, tuyên truyền, vận động người dân không thu hoạch thảo quả non và có giải pháp chế biến sâu, không để cây thảo quả quá phụ thuộc vào một thị trường. Có như vậy, cây thảo quả mới là nguồn thu nhập ổn định, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững cho người dân vùng cao.

TẤT ĐẠT

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang