• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Chế biến ướt: Hướng mới cho cây cà phê robusta

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng, 30/09/2019
Ngày cập nhật: 1/10/2019

Robusta - cây cà phê chủ lực của Lâm Đồng xưa nay thường chỉ xuất khẩu với phẩm cấp không cao, giá cả thấp. Thay đổi phương pháp chế biến, nâng cao chất lượng; từ đó nâng giá cà phê nhân robusta đang là mục tiêu nhiều nông dân và doanh nghiệp Lâm Đồng hướng tới.

Chuẩn bị máy tách vỏ quả tươi cho niên vụ cà phê 2019.

Niên vụ cà phê 2018 sang năm 2019, người trồng cà phê Lâm Đồng không được vui bởi giá cà phê thấp. Thời điểm tháng 9/2019, trước khi bước vào vụ thu hoạch, giá cà phê nhân robusta cũng chỉ đạt 33-33,5 ngàn đồng/kg. So với niên vụ trước, giá cà phê đạt 38-40 ngàn đồng/kg, nông dân chịu sức ép lớn từ việc giá cà phê xuống thấp. Tuy nhiên, anh Trần Văn Xuất, nông dân tổ dân phố Chi Lăng 3, thị trấn Nam Ban, Lâm Hà lại bán được cà phê nhân với giá 45 ngàn đồng/kg. Với 10 tấn cà phê nhân, anh thu thêm được 100 triệu đồng so với giá thị trường. Bởi thay vì thu hoạch, phơi khô rồi bán nhân như những vụ cà phê khác, anh Xuất là một trong những nông hộ chế biến ướt hạt cà phê robusta.

Anh Xuất cho biết: “Xưa nay thường chỉ nông dân Đà Lạt mới chế biến ướt cà phê arabica. Nhưng hiện tại, doanh nghiệp thu mua cà phê robusta chế biến ướt với giá cao hơn 10-12 ngàn đồng/kg so với chế biến khô. Vì vậy, gia đình tôi mạnh dạn chế biến ướt, bán được giá tốt hơn nhiều so với cà phê phơi khô như những năm trước”. Anh Xuất cho biết, phương pháp chế biến ướt cà phê robusta cũng tương tự chế biến cà arabica. Hái phải hái trái chín, về xay tách vỏ ngay sau 24h thu hoạch, ngâm ủ cho chất nhầy tự lên men rồi phân rã sau đó phơi khô. robusta chế biến ướt còn khó hơn arabica do hàm lượng chất ngọt trong phần thịt quả cao hơn, lượng nhầy nhiều hơn. Khi phơi cũng cần đảm bảo không được dính mưa. Gia đình anh Xuất niên vụ 2018 phơi ngoài trời nhưng để đảm bảo chất lượng, niên vụ 2019 anh quyết định dựng 500 m2 nhà kính để phơi cà phê theo đúng hướng dẫn. Theo tính toán của anh Xuất, với mỗi kg cà phê nhân chế biến ướt, anh phải bỏ thêm 4 ngàn đồng/kg, trừ chi phí vẫn còn cao hơn 6-7 ngàn đồng/kg so với cà phê chế biến khô.

Không chỉ anh Trần Văn Xuất, người trồng cà phê khu vực Nam Ban, Mê Linh của Lâm Hà và nhiều nông hộ tại huyện Đam Rông bắt đầu quan tâm tới chế biến ướt cà phê robusta. Bởi hiện tại, nhu cầu thị trường với hạt cà phê robusta phẩm cấp cao tăng lên nhanh và có nhiều doanh nghiệp thu mua với giá tốt. Bà Nguyễn Thị Vinh, Phó Giám đốc Công ty cà phê Hân Vinh, doanh nghiệp thu mua cà phê lớn cho biết: “Xưa nay nguồn cung chủ yếu hạt cà phê robusta chế biến ướt từ Ấn Độ. Việt Nam đa phần là robusta xay khô, phẩm cấp thấp, giá không cao. Nay do nhu cầu tăng nên nhiều nhà rang xay quốc tế cần thêm nguồn cung cà phê nhân robusta chế biến ướt từ Việt Nam. Với riêng công ty tôi, đối tác nước ngoài chấp nhận mua số lượng không hạn chế, giá rất tốt. Chỉ cần nông dân canh tác và chế biến đúng chuẩn, sản lượng bao nhiêu chúng tôi cũng ký hợp đồng thu mua”. Với giá cao hơn cà phê chế biến khô từ 10-12 ngàn đồng/kg, nông dân có thu hoạch cao hơn nhiều so với chế biến khô truyền thống.

Tuy nhiên, vấn đề cần chú ý với chế biến ướt là bảo vệ môi trường. Do quá trình ngâm hạt tươi, nước ngâm có mùi hôi và gây ô nhiễm môi trường nếu không xử lý. Với hộ nhà anh Trần Văn Xuất, anh đào một hồ nhỏ trong vườn, nước ngâm thải xuống hồ và quay trở lại làm phân bón. Anh cho biết, sản xuất theo quy mô nông hộ sẽ dễ xử lý hơn sản xuất lớn do các vườn đều có diện tích rộng. Trữ nước ngâm cà phê trong hồ, để cạn bớt, thêm phân bón là có một loại nước tưới rất hiệu quả. Vào mùa chế biến cà phê cũng diễn ra trong mùa khô nên nước thải cũng không bị chảy ra ngoài, gây mùi hôi xung quanh. Anh Trần Văn Hiếu, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nam Ban đánh giá, chế biến ướt cà phê robusta là một hướng đi mới cho nông dân. Nếu đảm bảo đúng quy trình, nông dân sẽ tăng thu nhập trên cùng một diện tích đất; đồng thời hạt cà phê Việt Nam cũng tăng giá trị trên thị trường toàn cầu. Về chuyện nước thải ra môi trường, những nông hộ chế biến cà phê robusta ướt tại khu vực Nam Ban đều đảm bảo thu gom nước thải, chưa thấy xảy ra vấn đề ảnh hưởng tới môi trường xung quanh.

Với nhu cầu ngày càng tăng cho những hạt cà phê phẩm cấp cao, chế biến ướt cà phê Robusta sẽ là một hướng mở, giúp người nông dân có thu nhập tốt hơn từ những hạt cà phê.

DIỆP QUỲNH

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang