• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nhà nông trồng điều giỏi

Nguồn tin: Báo Bình Phước, 23/08/2019
Ngày cập nhật: 24/8/2019

“Trước đây, người trồng điều chủ yếu dựa vào thời tiết, ít áp dụng các biện pháp khoa học, kỹ thuật nên không có nhiều kinh nghiệm ứng phó với sâu, bệnh. Đặc điểm của cây điều là ra bông nhiều đợt, do đó sau những cơn mưa trái mùa rất dễ phát sinh nấm, bệnh và các loại sâu bọ tấn công gây khô cành, khô bông. Nếu không kịp thời chữa trị thì mùa điều thất thu là khó tránh khỏi” - ông Phan Văn Vui, ngụ ấp 3, xã Đồng Tâm (Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) cho biết.

Từ trung tâm hành chính huyện Đồng Phú đi gần 50km đến ấp 3, xã Đồng Tâm, chúng tôi tìm gặp ông Phan Văn Vui mà nông dân ở đây thường gọi là “Vua trồng điều”. Bên tách trà nóng, ông Vui cho biết, vụ điều vừa qua nhiều nông dân ở đây bị mất mùa. Nhưng từ 7,5 ha điều cho thu hoạch khoảng 27 tấn hạt điều tươi, trung bình hơn 3,5 tấn điều/ha, gia đình tôi thu khoảng 800 triệu đồng.

Ông Phan Văn Vui, nông dân sản xuất điều giỏi ở ấp 3, xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú

Thời điểm này, ông đang cắt tỉa cành để tạo tán và bón phân đợt 1 cho cây điều. Ông Vui cho rằng, sau khi thu hoạch cần cắt những cành bị bệnh, khô, mục, cành nhỏ. Hoặc những cành quá dày, ông tỉa bớt để tạo tán cân đối, độ thông thoáng giúp cây dễ hấp thụ ánh sáng mặt trời cũng như chống gãy đổ khi có gió lớn hoặc giông lốc. Với những cây sinh trưởng mạnh nhưng ít ra bông đậu trái, có thể cắt tỉa cành lớn để hạn chế sinh trưởng kích thích ra bông. Những cây điều già, cành to, hoặc cành giao nhau giữa các cây có thể cắt tới 2/3 chiều dài cành. Sau khi tỉa cành chú ý làm vệ sinh tốt những vết cắt, nhất là các cành to, nếu không sẽ tạo điều kiện cho bệnh chảy mủ phát triển sẽ làm suy yếu cây. Sau khi cắt cần quét dung dịch lên các mặt cắt lớn của cành để tránh sâu bệnh xâm nhập. Khi tỉa tránh làm tổn thương các cành còn lại. Đợt này mưa nhiều, mỗi cây ông khoan 3 lỗ xung quanh gốc và bón khoảng 2kg phân NPK rồi lấp đất lại, khi mưa xuống phân tan dần, từ đó cây điều sẽ hấp thụ tối đa lượng phân bón, tránh lãng phí và phân không bị trôi khi trời mưa. Mỗi năm ông bón phân 2 lần vào đầu và giữa mùa mưa, khi điều có trái thì tăng lượng phân kali giúp khỏe cây, chắc hạt.

Theo ông Vui, cây điều không kén đất, đặc biệt trồng trên đất đỏ bazan và khí hậu nóng sẽ cho năng suất cao, vì vậy chất đất Bình Phước rất phù hợp cho cây điều phát triển. Tuy nhiên, việc chọn giống điều rất quan trọng, vì quyết định đến năng suất và chất lượng hạt điều. Để có giống điều tốt, từ năm 2010, ông sang tỉnh Đồng Nai tìm hiểu những vườn điều năng suất cao, hạt to, bóng, mẩy..., đặc biệt ông quan tâm đến giống điều cho trái sớm nên khi thu hoạch giá bán cao hơn. Ông mua hạt đem về nhà và liên hệ với cán bộ khuyến nông học hỏi cách ươm giống, trồng 7,5 ha điều của gia đình.

Ông Phan Văn Vui chăm sóc vườn điều sau thu hoạch

Ông Vui cho rằng, chăm sóc điều không dễ như nhiều nông dân vẫn nghĩ, chỉ lơ là cây sẽ bị bệnh và nếu không dùng đúng thuốc, trị đúng cách, bệnh càng nặng thêm và lan nhanh. Do đó, ông thường xuyên theo dõi vườn điều để phát hiện, nhận biết bệnh sớm, chữa trị kịp thời. Đặc biệt, có những loài sâu phải quan sát cả ngày lẫn đêm mới phát hiện được. Cây điều thường bị bệnh khô cành cháy lá do 2 loại nấm gây ra. Bệnh phát triển trong điều kiện nắng mưa xen kẽ, độ ẩm cao, đặc biệt với những vườn cây rậm rạp, bón phân không cân đối. Bệnh lây lan qua gió, nước, xâm nhiễm qua các vết thương trên thân cây. Loại sâu khó trừ và hại nặng là bọ xít thường phá trên chồi non và bông. Khi bị bọ xít chích hút khiến bông mất nhựa, dịch tiết ra của sâu làm bông bị xoăn và khô héo. Tiếp đến là rệp, sâu đục cành, đục trái, bệnh thán thư cũng rất nguy hiểm với cây điều. Thời tiết thay đổi không phù hợp khiến cây yếu, sâu bệnh gây hại phát sinh nhiều. Do đó, người dân cần dùng biện pháp nông học kết hợp phòng trừ, trong đó chăm sóc cho cây khỏe thì khả năng chống chọi sâu bệnh sẽ cao hơn. Vườn điều nào bị nhẹ có thể sử dụng cách ghép chuyển đổi, như: ghép cải tạo để có giống khỏe, năng suất cao; vườn bị nhẹ hơn thì chủ yếu chăm sóc, cắt bớt cành bị sâu bệnh, cành khô, bón thêm phân...

Với bề dày kinh nghiệm cùng việc thực hiện đúng quy trình kỹ thuật nên vườn điều của gia đình ông Vui luôn cho năng suất cao. Năm 2018, ông được Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong sản xuất điều.

Khắc Bảy

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang