• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Cà chua, mướp đắng chung giàn

Nguồn tin: Báo Thái Bình, 16/08/2019
Ngày cập nhật: 16/8/2019

“Cà chua, mướp đắng chung giàn, vừa nhàn, hiệu quả lại cao” - đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Tấn, chủ nhân của mô hình trồng cà chua chung giàn với mướp đắng ở thôn Tăng Bổng Bắc, xã Tân Lập (Vũ Thư, tỉnh Thái Bình). Mô hình vừa tiết kiệm diện tích, công chăm sóc, giàn lưới lại cho thu nhập cao.

Mô hình trồng cà chua chung giàn mướp đắng của ông Nguyễn Văn Tấn.

Cây cũ, cách trồng mới

Trong khi nhiều nông dân trong xã phát triển kinh tế bằng cách trồng cây dược liệu, hoa, cây cảnh thì ông Tấn lại quyết định trồng cà chua. Để tiết kiệm diện tích, công chăm sóc, phun, tưới, giàn lưới, ông trồng mướp đắng cùng giàn với cà chua. Dù không phải là cây trồng mới nhưng việc trồng chung giàn lại là cách làm mới lạ mà ông Tấn đã dám nghĩ, dám làm. Bởi theo tập quán người dân, cà chua và mướp đắng thường được trồng riêng. Ông Tấn chia sẻ: Trồng cây cảnh lâu ngày mới có thu nhập, trồng cây ăn quả ngắn ngày như: cà chua, mướp đắng sẽ cho thu nhập thường xuyên hơn. Nghĩ thế nên tôi quyết định làm. Trên diện tích 1.000m2 đất cấy lúa ven đê không hiệu quả, tôi dồn điền đổi thửa, trồng trên 2.000 cây cà chua chung với hơn 500 cây mướp đắng. Hai loại cây này thường bị một số sâu bệnh phá hoại giống nhau như: sâu xanh, sâu lá, đẹo quả... nên việc trồng chung giàn sẽ giúp tiết kiệm thời gian phun, tưới, chi phí mua thuốc sâu. Cà chua thường trồng trước vào tháng 2, mướp đắng trồng sau. Khi cà chua ra quả, cây mướp cũng đã vươn cao, có thể che nắng cho cà chua. Vì thế, quả cà chua sẽ ít chịu tác động của nắng nóng, không bị nứt, xấu mã.

Sau khi dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu tại một số mô hình trồng mướp đắng ở miền Nam và cà chua ở Hưng Yên, năm 2006, ông bắt đầu trồng cà chua chung với mướp đắng. Thời gian đầu, gia đình ông Tấn làm giàn bằng tre, có màng phủ nilon ở dưới gốc nhưng vào mùa mưa bão, cây thường bị dập, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng quả. Bởi vậy, ông quyết định dựng ống tuýp làm khung, trên che lưới bạt để hạn chế tác động của thời tiết.

Thu lãi hàng chục triệu đồng mỗi năm

Sau 70 ngày chăm sóc cà chua đã cho thu hoạch, đối với mướp đắng là khoảng 90 ngày. Bình quân mỗi cây cà chua cho năng suất khoảng 3kg. Với trên 2.000 cây, sản lượng thu về ước đạt trên 6 tấn quả. Thời gian cho thu hoạch kéo dài gần 3 tháng. Riêng hơn 500 cây mướp đắng thời gian thu hoạch dài hơn khoảng 6, 7 tháng. Với giá bán bình quân từ 7.000 - 10.000 đồng, cà chua và mướp đắng cho thu hoạch trên 100 triệu đồng, trừ chi phí gia đình ông thu lãi hơn 80 triệu đồng/năm. Đây là mức thu nhập ổn định cho hai lao động nông thôn ở độ tuổi 60.

Do sản xuất theo hướng nông nghiệp an toàn nên ông áp dụng khoa học kỹ thuật từ lúc ươm hạt đến khi thu hoạch nên cà chua, mướp đắng cho năng suất, chất lượng cao. Sản phẩm thu hoạch đến đâu, thương lái thu mua hết đến đó.

Ông Tấn chia sẻ thêm: Tôi đặt mua hạt giống cà chua, mướp đắng tại tỉnh Đồng Nai. Sau đó về ngâm ủ theo đúng quy trình hướng dẫn trên bao bì. Để hạn chế tác hại của sâu bệnh đối với cây trồng, tôi cho đất nghỉ một tháng sau khi thu hoạch hết trái. Trong thời gian này, tôi tiến hành phơi ải, xử lý vôi bột cho đất hoặc bơm nước ngập rãnh để tiêu hủy hết mầm bệnh trong đất. Tuy nhiên khi trồng cần chú ý chăm sóc ở giai đoạn cây con với mướp đắng, còn cà chua thì tập trung phòng bệnh khi cây ra hoa.

Hệ thống tưới cho cây được ông thiết kế hoàn toàn tự động. Các ống nước được đặt hai bên luống, căn cứ vào thời tiết, từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây để tưới cho phù hợp. Phân bón cho cây chủ yếu bằng phân hữu cơ được mua từ các trang trại nuôi lợn. Sau đó ủ mục trong nhiều tháng mới đem bón. Phòng, trừ sâu bệnh cho cây, ông Tấn sử dụng các loại thuốc sinh học.

Nhận thấy hiệu quả từ mô hình mang lại, gia đình ông duy trì, phát triển cho đến nay. Bên cạnh đó, ông còn đào ao nuôi cá, xây chuồng trại nuôi gà và trồng một số loại cây cho thu nhập khá. Ông cũng đang trồng thử nghiệm thêm mô hình dưa lưới. Nếu thành công, ông sẽ nhân rộng trong thời gian tới.

Là Bí thư Chi bộ thôn lại là bệnh binh, ông Tấn là tấm gương tiêu biểu cho tinh thần ham học hỏi, dám nghĩ, dám làm, dám đi đầu, thử cái mới. Ông được nhận bằng khen của UBND tỉnh và nhiều giấy khen của các cấp hội cựu chiến binh, UBND huyện trong những năm qua.

Hoàng Lanh

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang