• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Tuyên Quang: Gia tăng diện tích keo chết héo

Nguồn tin: Báo Tuyên Quang, 09/08/2019
Ngày cập nhật: 10/8/2019

Do điều kiện nhiệt độ, độ ẩm cao, nấm phát sinh, xâm nhiễm khiến diện tích keo chết héo đang gia tăng nhanh chóng, gây thiệt hại lớn cho tổ chức, cá nhân trồng rừng.

Diện tích keo hơn 4 năm tuổi của Đội sản xuất 1082, xã Trung Sơn (Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) bị chết héo gần hết.

Các lô rừng sản xuất của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Yên Sơn đều xuất hiện những chòm keo bị chết héo. Anh Trần Mạnh Huấn, Trưởng phòng Kế hoạch, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Yên Sơn cho biết, keo chết héo tập trung nhiều nhất ở diện tích rừng được trồng từ 2-5 năm tuổi. Những năm gần đây, số keo chết có dấu hiệu gia tăng, nhất là từ đầu năm đến nay, do nhiệt độ, độ ẩm cao, keo chết rất nhiều từng vùng, từng khoảnh, có những lô tỷ lệ cây chết lên đến 40-50%.

Cụ thể, tại lô rừng số 9 của Đội sản xuất 974 xã Phú Thịnh có 0,9 ha thì có 0,4 ha cây chết; Đội sản xuất 1082 xã Trung Sơn có 400 ha thì có 10 ha đã chết khô không thể tận thu. Ông Nguyễn Quốc Việt, Đội trưởng Đội sản xuất 1082 xã Trung Sơn cho biết, đang vào mùa mưa khiến dịch lan rộng keo chết rất nhanh, cứ 1 tháng 1 lô rừng có khoảng 20-30 cây chết. Keo chết nhiều khiến cho việc xử lý của đội không thể xuể.

Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sơn Dương cũng đang thiệt hại lớn do keo chết héo. Tại Đội sản xuất Đông Hữu, xã Đông Thọ (Sơn Dương) đã ghi nhận 500 ha xuất hiện chòm keo bị chết, nếu quy diện tích đông đặc khoảng 4 ha không thể tận thu vì gỗ đã bị đổi màu, kém chất lượng. Anh Lý Văn Đông, Đội trưởng Đội sản xuất cho biết, tốc độ cây bị chết lan rất nhanh, thành vùng, thành khoảnh lớn, chủ yếu ở diện tích rừng trồng từ 1-5 tuổi, trên giống keo hạt và keo hom. Anh Đông lo ngại đang cao điểm mùa mưa, nấm bệnh sẽ tiếp tục phát triển, diện tích keo bị chết sẽ còn lan rộng.

Tổng hợp chưa đầy đủ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích keo chết héo đông đặc khoảng 18 ha, trong đó nặng nhất là Yên Sơn với 14 ha, Sơn Dương 4 ha. Đây là năm ghi nhận thiệt hại nặng nhất. Bệnh gây hại nặng trên cây keo trồng năm thứ 2 đến năm thứ 4, đặc biệt là trên diện tích rừng keo trồng chu kỳ 2, chu kỳ 3. Sở đã giao cho Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh lấy mẫu bệnh phẩm, phân tích tìm nguyên nhân. Kết quả cho thấy, hầu hết cây keo chết do thân cây và rễ cây bị tổn thương, nấm xâm nhiễm, gây thối rễ, vỏ cây tại các vị trí xâm nhiễm. Gỗ bị biến màu và cây không có khả năng phục hồi. Bệnh phát triển mạnh và có xu hướng lây lan mạnh trong điều kiện thời tiết mưa ẩm.

Nguyên nhân ban đầu được xác định là do thời gian vừa qua trên địa bàn tỉnh xảy ra các đợt mưa lớn kèm theo dông lốc làm đổ gãy nhiều. Từ các điểm tổn thương trên cây keo nấm, khuẩn đã xâm nhập gây hại và lan rộng. Riêng đối với những diện tích đã trồng rừng lâu năm là do quá trình khai thác, trồng lại nhiều chu kỳ bà con không thực hiện khử trùng vệ sinh rừng cẩn thận, mầm bệnh lưu trú nên gặp điều kiện thời tiết thuận lợi là phát tán gây hại trên cây non. Bên cạnh nguyên nhân do nấm khuẩn gây ra thì một nguyên nhân nữa đang khiến người trồng rừng nghi ngờ đó là nguồn cây giống. Bởi hầu hết diện tích keo chết đều là giống keo lai giâm hom.

Khuyến cáo của Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), bệnh chết héo trên cây keo chưa có loại thuốc bảo vệ thực vật nào chữa khỏi được. Do vậy, các tổ chức, cá nhân trồng rừng cần áp dụng các biện pháp thủ công để khoanh vùng, dập dịch ngăn không cho bệnh chết héo phát sinh lan rộng, tuyệt đối không gây tổn thương cho cây, không tỉa cành vào mùa mưa. Nếu tỉa cành nên dùng cưa cắt và bôi thuốc chống nấm vào các vết cắt; phòng trừ côn trùng đục thân cành; bón đủ phân đa lượng và vi lượng chứa boron cho cây sinh trưởng và phát triển tốt. Bón chế phẩm vi sinh bao gồm vi khuẩn nốt sần cố định đạm, vi sinh phân giải lân và vi khuẩn đối kháng với nấm gây bệnh Ceratocystis manginecans. Đối với những cây đã bị chết héo, bà con nên chặt bỏ, đào được gốc là tốt nhất và di chuyển ra khỏi rừng để tiêu hủy. Những diện tích rừng có mầm bệnh, trong quá trình trồng lại, bà con nên vệ sinh sạch thực bì, cuốc hố và sử dụng vôi bột để khử trước trồng cây non xuống để tránh bệnh xâm nhập.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang