• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Đất nghèo cho trái ngọt

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk, 07/08/2019
Ngày cập nhật: 8/8/2019

Sau 3 năm triển khai, những thành công bước đầu của mô hình nông nghiệp công nghệ cao do Đoàn Kinh tế quốc phòng (KTQP) 737 (Quân khu 5) liên kết với Công ty Cacao Intercontinental Corporation (Công ty CIC) triển khai tại hai xã vùng biên Ia R’vê và Ia Lốp (huyện Ea Súp) đã góp phần không nhỏ làm thay đổi diện mạo một vùng đất khô cằn, sỏi đá.

Với mục tiêu trồng 1.000 ha ca cao tập trung và 3.000 ha liên kết với các nông hộ nhỏ, quy mô sản lượng 10 nghìn tấn, Công ty CIC đã tập trung đầu tư vốn đưa công nghệ cao vào vận hành, thiết lập hệ thống tưới tiêu, đầu tư đồng bộ máy móc công cụ cho toàn bộ chuỗi giá trị của cây ca cao. Trang trại quy mô lớn triển khai các phần mềm để quản lý nghiệp vụ nông nghiệp trên thực địa nông trường và phần mềm hoạch định tài nguyên.

Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CIC cho biết: “Trước khi bắt tay vào thực hiện dự án, chúng tôi đã mời các chuyên gia giỏi của nước ngoài đến khảo sát, nghiên cứu. Các báo cáo, đánh giá đều có chung nhận định: huyện Ea Súp có địa hình bằng phẳng, lý tưởng cho việc cơ giới hóa, tự động hóa, tuy nhiên thời tiết nơi này rất khắc nghiệt, nhất là vào mùa khô. Sau khi lắp đặt hệ thống công nghệ, thiết bị tưới nhỏ giọt của Israel, chỉ trong một thời gian ngắn, chúng tôi đã trồng được 200 ha ca cao và chuối Nam Mỹ xuất khẩu. Mô hình ca cao xen chuối đã giải quyết vấn đề kinh tế và kỹ thuật trên đất rừng khộp ở khu vực KTQP. Chuối tạo môi trường cần thiết cho ca cao trong thời kỳ kiến thiết cơ bản và cải thiện dòng tiền đầu tư hiệu quả hơn… Vào mùa khô, nước được bơm từ sông Ea H’leo lên dự trữ trong các hồ chứa nhân tạo, phân bón được hòa vào nước để tưới cho từng gốc cây với tần suất 2 lần/ngày, vừa bảo đảm lượng nước, dinh dưỡng cho cây vừa tiết kiệm nhân công, chi phí. Nhờ áp dụng kỹ thuật canh tác hiện đại, bình quân mỗi lao động ở trang trại có thể quản lý, chăm sóc 2 ha cây trồng”.

Thiếu tướng Đoàn Kiểu, Phó Tư lệnh Quân khu 5 kiểm tra chất lượng ca cao sau thu hoạch của Công ty CIC.

Hiện nay, toàn bộ diện tích ca cao của Công ty đều sinh trưởng, phát triển tốt, nhiều diện tích đang bắt đầu cho bói. Tuy chỉ trồng xen kẽ song Công ty đã xuất khẩu được hơn 10.000 tấn chuối sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và một số nước Trung Đông. Mùa mưa năm nay, Công ty sẽ giảm dần diện tích chuối già cỗi để tạo không gian cho tán ca cao phát triển.

Bà Đỗ Thị Tuyết, người dân thôn Chiềng (xã Ia Lốp) phấn khởi bày tỏ: “Nhà tôi có gần 1 ha đất nông nghiệp nhưng chỉ sản xuất được một vụ. Trước đây, mỗi khi nông nhàn bà con trong thôn lại rủ nhau lên thành phố làm thuê kiếm sống, thu nhập rất bấp bênh. Từ ngày được Công ty CIC nhận vào làm công nhân, tôi không phải đi xa mà lương lại cao hơn hẳn. Các chế độ độc hại hay trang phục, dụng cụ bảo hộ lao động đều được công ty quan tâm bảo đảm đầy đủ. Những dịp cao điểm, họ hàng tôi từ dưới quê cũng bắt xe đò lên đây xin vào công ty làm thời vụ, công việc đơn giản nhưng thu nhập vẫn khá cao, nếu chịu khó có thể đạt 6 – 7 triệu đồng mỗi tháng. Vài năm nữa có vốn, gia đình tôi cũng sẽ liên kết với công ty để trồng ca cao”.

Kỹ sư nông nghiệp Công ty CIC kiểm tra vườn cây.

Đánh giá về hiệu quả bước đầu của các dự án mà đơn vị và Công ty CIC đang phối hợp triển khai, Thượng tá Phạm Văn Dương, Phó Đoàn trưởng Đoàn KTQP 737 cho biết: “Theo các chuyên gia, chất lượng ca cao sau thu hoạch của CIC rất bảo đảm. Hoạt động của CIC đã tạo việc làm ổn định cho hàng trăm người dân trong vùng. Nhiều lao động trình độ cao từ nơi khác cũng đến đây làm việc. Chúng tôi luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất để Công ty CIC hoạt động, góp phần giải quyết công ăn việc làm, tạo nguồn thu nhập ổn định cho bà con. Công tác bồi dưỡng kiến thức an ninh quốc phòng, vệ sinh an toàn lao động, phòng chống cháy nổ, đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ cho người lao động cũng được chúng tôi phối hợp, triển khai, tổ chức thực hiện rất hiệu quả”.

Công ty CIC chủ trương lấy nông trường của mình làm trung tâm, từ đó mở rộng sản xuất thông qua việc liên kết với các nông hộ nhỏ. Các hộ tham gia vào liên kết sẽ được chuyển giao kỹ thuật để tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn ngặt nghèo nhất của các thị trường xuất khẩu, được CIC bao tiêu toàn bộ sản phẩm.

Hà Lan

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang