• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Hàm Tân (Bình Thuận): Hứa hẹn mùa mì bội thu

Nguồn tin: Báo Bình Thuận, 05/08/2019
Ngày cập nhật: 6/8/2019

Màu xanh bát ngát của mì

Giữa vụ hè thu với bạt ngàn nương rẫy ở Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận là màu xanh tươi ngát của mì - cây trồng chủ lực hàng năm của huyện. Hầu như tất cả nông dân đều dồn đất trồng mì, khi giá chất bột củ cây này đang cao, cho thu nhập ổn định. Bởi thế, những trang trại, vườn keo lá tràm già nua đến kỳ thu hoạch cuối năm rồi đã được thay thế cho mì; những vườn điều già cỗi ở đồi rẫy cũng được người dân chặt bỏ để trồng mì; những vườn màu không mấy hiệu quả đã chuyển sang màu xanh của mì…

Rẫy mì xanh tốt của anh Trương Văn Đồng.

Chúng tôi trở lại trên tuyến đường liên xã Tân Xuân - Sơn Mỹ (Hàm Tân) mới đây, đều thấy trải rộng một màu xanh của mì hai bên đường, bạt ngàn tít tắp như lấn át những vườn keo non. Anh Trương Văn Đồng, một chủ trang trại nông nghiệp lâu năm cho hay: “Tôi xuống toàn bộ giống mì trên diện tích 11 ha keo giâm hom đã khai thác cuối năm rồi. Mì đang có giá tranh thủ làm vài mùa anh ạ. Vụ hè thu này thời tiết ban đầu hơi “đỏng đảnh”, bây giờ thuận lợi hơn, mì cả vùng trên tuyến đường liên xã khoảng 500 ha đang lên xanh tốt, sẽ cho năng suất khá. Không giấu gì anh, vài năm gần đây, gia đình tôi thu nhập chính từ cây mì đem lại”. Anh Đồng cho biết thêm, mì trồng sau thu hoạch keo ở khu vực này đều lên tươi tốt, chịu hạn, ít bị sâu bệnh. Vụ mùa năm trước, cả khu vực này cây mì bị bệnh nhện đỏ tấn công, người dân xịt thuốc kháng bệnh nhưng không mấy hiệu quả; nhờ những trận mưa xối xả của cây bão đầu năm đã xua tan nhện đỏ, mì lại lên xanh cho năng suất khá từ 28 - 30 tấn mì tươi/ha. Với giá bình quân 2.100 đồng/kg, trừ chi phí, mỗi ha mì thu về khoảng 40 triệu đồng. Nhiều hộ ở đây đều trồng 3 - 4 ha, thu nhập mỗi vụ mì từ 120 - 150 triệu đồng, đủ trang trải chi phí gia đình…

Ở xã Sông Phan, nhiều bà con cho hay, giá mì tươi đang trở lại đỉnh cao, họ không ngại ngần đưa cây trồng chủ lực này vào sản xuất, bởi cây mì không tốn kém đầu tư nhiều, thích hợp các loại đất, hiệu quả đang cao. Bởi vậy cây trồng chủ lực này tiếp tục phủ màu xanh bạt ngàn nương rẫy Sông Phan, chiếm phần lớn diện tích cây màu hàng năm hơn 2.100 ha ở đây. Với những yếu tố khách quan tiến triển tốt cho cây trồng hàng năm này trên nhiều vùng đất nông nghiệp Hàm Tân, diện tích mì toàn huyện tăng thêm là điều dễ hiểu. Trong khi đó, theo Cục Thống kê tỉnh, vụ hè thu này diện tích cây chất bột (chủ yếu cây mì) toàn tỉnh chiếm 23.804 ha, tăng 5,34% so cùng kỳ.

Thông thoáng đầu ra

Không chỉ người dân Hàm Tân mà nông dân trồng mì trong, ngoài tỉnh vui mừng khi nguồn nguyên liệu này được các nhà máy sản xuất cồn sinh học (ethanol), thành phần xăng sinh học E5 (5% ethanol), dùng thay thế xăng A92, theo quy định của Chính phủ. Ở nước ta, mì là một trong những loại cây trồng chủ lực bởi diện tích trồng trên 500.000 ha, sản lượng lớn trên 10 triệu tấn/năm, đem lại kim ngạch xuất khẩu cao (trên 1 tỉ USD/năm). Theo lãnh đạo Công ty TNHH MTV Nhà máy sản xuất cồn Tùng Lâm, đơn vị sản xuất cồn sinh học tại khu vực Xuân Hòa thượng nguồn sông Dinh, giáp ranh Hàm Tân, hiện cả nước đã có trên 100 nhà máy chế biến tinh bột mì, chỉ cần đẩy mạnh sử dụng xăng sinh học E5 trong người dân, đảm bảo được đầu ra cho người trồng mì rất bền vững.

Cụ thể, công suất thiết kế các nhà máy chế biến ethanol trong nước hiện ở mức 360.000 tấn/năm, đã vượt quá nhu cầu sử dụng để thay thế hoàn toàn loại xăng A92 thành xăng sinh học E5. Với tỷ lệ quy đổi 7 kg mì tươi ra 1 lít cồn sinh học, việc chuyển từ xăng A92 sang E5 có thể tiêu thụ được 1,4 triệu tấn mì tươi; các nhà máy ethanol chạy hết công suất tiêu thụ được 2,5 triệu tấn, tức 25% tổng sản lượng mì cả nước. Nếu tăng tỷ lệ ethanol trong xăng từ E5 lên E10 thì nhu cầu về dùng mì sinh học còn cao hơn nữa. Cùng với đó, nguyên liệu mì được nhiều doanh nghiệp chế biến thực phẩm, bột ngọt, thức ăn chăn nuôi… tiêu thụ rộng rãi trong, ngoài nước. Đầu ra cây mì đang thông thoáng cho người trồng sau nhiều năm thăng trầm…

T.KHOA

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang